“Vì sao người Việt khổ”, cái cớ lố bịch của dân chủ mạng
Gần đây, RFA, Chân Trời Mới Media và một số trang mạng xã hội đăng tải bài viết có tiêu đề “Vì sao người Việt khổ?”. Không rõ khi xây dựng và đăng tải nội dung bài viết, các “nhà dân chủ” đã từng trải qua cuộc sống tại Việt Nam hay chưa? Hay chăng với họ, người Việt Nam là phải khổ, không được hạn phúc và sung sướng?
Thôi ngay trò hề xuyên tạc chống phá
Trong lập luận của những nhà “dân chủ mạng”, ngay từ những suy nghĩ đã thấy đầy màu sắc tiêu cực về Việt Nam. Với họ, “người Việt thì tất nhiên là khổ”.
Thực tế, cuộc sống của mỗi người đều có những tiêu chuẩn, định hướng riêng. Không ai có thể sống thay cuộc sống cho người khác và chẳng ai có thể phán xét cuộc sống của người khác. Đặc biệt, tiêu chuẩn hạnh phúc, khổ đau của mỗi người, mỗi cộng đồng cũng chẳng thể giống nhau.
Thế nhưng với tư tưởng thù hằn chế độ, nhiều nhà dân chủ cuội sẵn sàng xuyên tạc tình hình thực tế, miễn sao đạt được mục đích chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trong bài viết “Vì sao người Việt khổ”, các đối tượng đưa ra những lập luận mang tính chủ quan, quy chụp, “bắt” người Việt phải “khổ”. Họ rêu rao những nguyên dân dẫn đến cái “khổ” của người Việt là: phải sống dưới một chế độ độc tài toàn trị, bận bịu, nhiều nỗi lo, không có một triết lý sống lành mạnh, không có niềm tin, không có tôn giáo, v.v…
Suy cho cùng, cái đích của những nhà “dân chủ mạng” đằng sau việc “kể khổ” cho người dân Việt Nam cũng chỉ là một chiêu trò để đạt được mục đích chống đối. Các đối tượng đã xuyên tạc trắng trợn nền dân chủ tại Việt Nam, đổ lỗi cho chế độ cộng sản đã tạo ra những tiêu cực trong xã hội. Vậy nhưng xin hỏi liệu người dân Việt Nam có khổ hay không? Liệu chế độ cộng sản do Đảng ta lãnh đạo có phải là nguyên nhân gây ra sự khổ đau hay không? Câu trả lời xin thưa là không. Nhìn vào chính thực tế cuộc chiến chống Covid – 19 thời gian vừa qua, trong khi người dân Việt Nam bị nhiễm bệnh đều được cứu chữa kịp thời thì những xứ sở thiên đường phương Tây – nơi các nhà dân chủ cuội vẫn luôn ca ngợi – lại thể hiện rõ sự phân biệt trong việc tiếp cận y tế. Ai giàu, ai có vật chất thì được khám chữa bệnh, ngược lại ai nghèo khó, không đủ chi phí chi trả viện phí thì chấp nhận số phận.
Qua những nội dung “kể khổ” trong bài viết “Vì sao người Việt khổ?” được các nhà dân chủ cuội đưa ra, có thể dễ dàng nhận thấy sự kỳ thị, thiếu tôn trọng với người dân Việt Nam. Họ cho rằng người Việt sĩ diện, khoe khoang; họ trắng trợn rêu rao “khi phải sống trong một mô hình thể chế chính trị tệ hại, lại không có niềm tin vào pháp luật, tôn giáo; xã hội không có một triết lý giáo dục đúng đắn và một triết lý sống lành mạnh, thì con người không thể thực sự hạnh phúc, hơn thế, rất dễ bị vong thân”.
Ấy vậy là rõ, cái đích của những nhà dân chủ mạng đâu tốt đẹp, họ luôn nhuốm màu u ám, tiêu cực nên xã hội Việt Nam và từ đó đổ lỗi cho Đảng, cho Nhà nước; kích động tư tưởng chống đối, thù hằn với chế độ; cố tình tạo sự hoài nghi, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc. Suy cho cùng, đây chỉ là một mánh khoé để thực hiện “diễn biến hoà bình”, tác động làm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam.
Việt Nam tươi đẹp
Thẳng thắn đánh giá, cuộc sống của người Việt trong thời gian qua đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một bộ phận người trong xã hội, đặc biệt là người dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa và nhóm yếu thế trong xã hội vẫn đang có cuộc sống rất khó khăn. Đảng, Nhà nước ta đã nhận thức rõ hiện trạng này và đang triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp để nâng cao cuộc sống của toàn thể nhân dân.
Thực tiễn cách mạng nước ta cho thấy con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước đã lựa chọn là con đường đúng đắn, là bước đi tất yếu của lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và được thế giới ghi nhận. Đây là minh chứng rõ ràng nhất, khách quan nhất để đập tan những luận điệu chống phá, xuyên tạc về chế độ, về Đảng cộng sản và về bản chất Nhà nước Việt Nam.
Nhiều nhà dân chủ trước đây cố tình chống phá Việt Nam để có được một “tấm thẻ xanh” đến xứ sở tự do phương Tây nhưng đang bị ngỡ ngàng, sụp đổ niềm tin trước thực tiễn khắc nghiệt của cuộc sống. Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh gần đây đã thốt lên: “Nước Mỹ không vĩ đại như nhiều người đang nghĩ”.
Ở bất cứ một quốc gia nào, một chế độ nào cũng có những “góc khuất”, những mảng màu trầm. Vì vậy, việc xuyên tạc bản chất chế độ của một xã hội là điều không thể chấp nhận được. Chúng ta cần nhìn vào thực tiễn cuộc sống, đi sâu, đi sát vào cuộc sống của người dân, cảm nhận một cách khách quan để có thể đưa ra một nhận định chính xác.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả