+
Aa
-
like
comment

Vì sao người trí thức, địa vị vẫn bị CLB Tình Người lừa đảo, ‘tẩy não’?

02/04/2021 06:26

GS Lê Văn Lan lý giải việc nhiều người có học thức, thành đạt, có địa vị xã hội nhưng vẫn u mê theo CLB Tình Người và những tổ chức “đa cấp tâm linh”.

Nạn nhân CLB Tình Người: ‘Tôi đã sai lầm khi lấy tiền trả nghiệp’

Bàn luận về chủ đề “Thực hành tâm linh: Cách nào tránh u mê?”, GS Sử học Lê Văn Lan nêu hiện tượng lợi dụng tôn giáo và tín ngưỡng để dụ dỗ con người sa vào u mê, lầm lạc. Đáng chú ý, trong số này không ít người là giới trí thức, có địa vị trong xã hội.

Lý giải việc CLB Tình Người hay những tổ chức tâm linh đa cấp lừa đảo thu hút được nhiều người có học hành, hiểu biết và có địa vị trong xã hội, GS Lê Văn Lan cho rằng, những tổ chức này đã vận dụng khéo léo, tinh vi và quỷ quyệt kỹ thuật chinh phục đám đông hiện đại.

“Hiệu ứng đám đông luôn là một sức mạnh, ở đây sức mạnh đó đã bị lợi dụng”, GS Lê Văn Lan lý giải.

 Vì sao người trí thức, địa vị vẫn bị CLB Tình Người lừa đảo, 'tẩy não'? - 1
Giáo sư sử học Lê Văn Lan chia sẻ tại buổi tọa đàm.

“Tôi có thể nói một ví dụ thế này, chúng tôi đi tìm hàng ăn, thấy hàng nào có nhiều xe bên ngoài, tức là đông, tức là ngon. Hiệu ứng đám đông buồn cười như thế. Nếu nó ứng dụng vào kinh doanh là bán hàng đa cấp, hiệu quả rất lớn nhưng hậu quả rất khủng khiếp. Hiệu ứng đám đông đã được vận dụng và chinh phục nhiều người, cả người có trình độ cũng không thoát ra được là vậy”, GS Lê Văn Lan nêu ví dụ.

Vị chuyên gia phân tích rằng những người trót tham gia tổ chức tâm linh đa cấp, họ có đủ hiểu biết, nhận thức nhưng càng ngày càng lún sâu. Nhưng những người này tay trót nhúng chàm, đã theo đám đông, nếu dũng cảm lộn trở lại thì sẽ mang tiếng phản bội.

Không chỉ vậy, các hội kín còn có những kỷ luật mà thời trung cổ đã xuất hiện, sẽ trừng trị, theo dõi hội viên, làm đủ chuyện như đe doạ bằng những giáo điều, giáo lý. Chính vì thế, dù người tỉnh ra nhưng vì việc tuyên truyền, sử dụng hiệu ứng đám đông của các hội nhóm khiến người tham gia không thoát được.

“Những người bị “tẩy não” thường không hiểu rõ thế nào là tâm linh, thế nào là nghiệp, thế nào là vong. Họ có thể thành thạo trong việc kinh doanh nhưng chưa đạt tới tiêu chuẩn của những người doanh nhân hiện đại là phải hiểu biết thấu đáo. Đây là những người hiểu biết nhưng là hiểu biết vụn vặt và hiểu biết hình thức phiến diện, khi gặp phải những quyển sách nói toàn những chuyện cao siêu, ghê gớm thì sẽ bị thuyết phục”, GS Lê Văn Lan nêu quan điểm.

Ông Lan cũng chỉ ra, CLB Tình Người dựa vào cuốn Pháp Bảo để vận hành, đây là cuốn sách hổ lốn và tầm thường, dựa trên quan điểm tín ngưỡng từ thời nguyên thủy là vong, hồn và dùng các thủ pháp hiện đại kết hợp vào các vấn đề, chi tiết của Phật giáo.

Theo nhà Sử học Lê Văn Lan, để người u mê trở về cuộc sống bình thường thì mọi người cần tự giác nâng cao sự hiểu biết của mình, trí tuệ của mình: “Ngôn ngữ của đạo Phật nhấn rất kỹ đến chữ tuệ. Đó là tuệ giác, tuệ tâm, thậm chí là nhìn cũng phải là tuệ nhãn. Tôi rất mong mọi người hãy theo lời dạy của Phật, đề cao và nhắc nhở mình, tự rèn luyện chữ tuệ trong tất cả các lĩnh vực, từ tâm cho đến sự hiểu biết. Chúng ta thực hành tín ngưỡng, đi lễ chùa, thờ Thánh ở đền, chúng ta đi cầu nguyện cho bản thân, cho sự tu tập, cho xã hội, đồng bào, cho những người có thân phận không tốt đẹp…

Tất cả những điều ấy nên đặt vào bối cảnh chung, cũng như bối cảnh của từng người. Hãy có trí tuệ, bên cạnh cái tâm tốt đẹp nên có tuệ. Có tuệ và có tâm, khi đi lễ, làm việc thiện hay đi nghe giảng đạo thì sẽ tránh được sự lôi kéo, ma mị, chủ động, sáng suốt”.

“Tôi rất phục ở những người đã ra khỏi CLB Tình Người, không chỉ tự nguyện đi ra, mà còn phản tính, tố giác. Đấy là biểu hiện trí tuệ. Đấy là biểu hiện của người hiện đại toàn bộ”, GS Lê Văn Lan nêu quan điểm.

Đa cấp tâm linh

Tại cuộc họp về một số vấn đề hoạt động của CLB Tình Người liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, phương thức hoạt động của CLB biểu hiện dưới dạng “đa cấp tâm linh”. Những người tham gia tại đây sẽ được yêu cầu đi “gieo duyên” cho người thân, bạn bè nhằm mở rộng quy mô của CLB.

Thành lập từ tháng 7/2019 tại Hà Nội, đến nay CLB Tình Người đã mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều địa phương, trong đó có các cơ sở tại TP.HCM, Quảng Trị, Hà Giang, với hàng vạn lượt người tham gia.

CLB được cơ cấu gồm Ban chấp hành và 7 Ban Chuyên môn; hoạt động dưới hình thức các buổi truyền giảng, lan tỏa trí tuệ tới cộng đồng

Bên cạnh đó, CLB lập ra nhiều website như tinhnguoi.vn, trituecongdong.com, tamlongvang.org, nhandao.org… để tuyên truyền hoạt động.

Núp bóng các hoạt động thiện nguyện và những khẩu hiệu “cho đi là còn mãi”, “lan tỏa trí tuệ tới cộng đồng” được nêu trong tôn chỉ, mục đích hoạt động, CLB đã tiếp tay cho việc tuyên truyền kiến thức tâm linh không có căn cứ.

Từ đây, các thành viên được chỉ dẫn phải bỏ tiền làm từ thiện để giải nghiệp, hoặc chi tiền để CLB “mua hộ”, “đặt hộ” những bộ đồ thờ bằng đồng được quảng cáo là có tính thiêng đặc biệt, với giá tiền đắt gấp nhiều lần so với ngoài thị trường.

Mặc dù kêu gọi từ thiện, nhưng các hoạt động này lại không được công khai mà chủ yếu qua hình thức truyền tai, nhắn tin từ người này sang người khác. Việc quyên góp cũng chỉ được làm âm thầm, bí mật, không được tiết lộ cho gia đình, người thân.

CLB Tình Người trực thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng không phải là tổ chức tôn giáo, không có mối liên hệ với bất kỳ tổ chức tôn giáo nào, người đứng đầu CLB cũng không phải là chức sắc tôn giáo.

Chiếu theo khoản 5, Điều 5 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động của CLB Tình Người có dấu hiệu vi phạm Luật ở hai khía cạnh: lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan và có biểu hiện trục lợi.

Minh Tuệ – Văn Giang

Bài mới
Đọc nhiều