Vì sao người biểu tình Mỹ đòi cắt ngân sách hoặc giải tán cảnh sát?
Trong các cuộc biểu tình trên toàn nước Mỹ để phản đối cái chết của George Floyd, nhiều người có chung khẩu hiệu: “Cắt ngân sách cho cảnh sát”.
Liệu cắt ngân sách cho cảnh sát có phải là giải tán cảnh sát? Philip McHarris, nghiên cứu sinh tiến sĩ về xã hội học tại Đại học Yale, cho biết có hai luồng ý kiến. Một số người ủng hộ tái phân bổ một phần, không phải là tất cả, ngân sách vốn dành cho các sở cảnh sát sang các dịch vụ xã hội. Trong khi đó, một số muốn cắt hoàn toàn tài chính và giải tán các sở cảnh sát.
Công chúng cũng muốn xóa bỏ quan điểm cảnh sát là những người bảo vệ cộng đồng. Nhiều người da màu cảm thấy họ không được cảnh sát bảo vệ, McHarris nói.
McHarris cho rằng cắt ngân sách cho cảnh sát sẽ giúp chấm dứt văn hóa trừng phạt trong hệ thống tư pháp hình sự. Đây là phương án duy nhất mà chính quyền địa phương chưa thử trong nỗ lực chấm dứt những cái chết trong quá trình bắt bớ. Các biện pháp đã được sử dụng như huấn luyện cho cảnh sát cách ứng xử và dùng camera gắn trên người đã không mang lại kết quả công chúng mong muốn.
McHarris lớn lên trong một khu phố có “nguy cơ bạo lực súng đạn rõ ràng” nhưng anh không bao giờ nghĩ đến chuyện gọi cảnh sát vì cảm thấy như vậy không an toàn cho chính mình. Thay vào đó, anh đặt lòng tin vào những người hàng xóm có thể giúp anh tránh được các mối đe dọa. McHarris đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu những người đó có thể cung cấp sự hỗ trợ tương tự toàn thời gian.
Để giải thích lý do ủng hộ ý tưởng này, Isaac Bryan, giám đốc Trung tâm chính sách Người da màu của UCLA, đưa ra dẫn chứng lịch sử: Lực lượng hành pháp ở miền nam nước Mỹ khởi điểm là một nhóm tuần tra nô lệ, được thuê để bắt lại nô lệ trốn thoát. Ngay cả sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ, cảnh sát vẫn thi hành luật Jim Crow, phân biệt đối xử với người da màu, cho đến năm 1965.
Hiện nay, cảnh sát vẫn có xu hướng sử dụng vũ lực nhiều hơn với người da màu và người da màu thường bị bắt và kết án nhiều hơn. “Lịch sử đó đã ăn sâu vào lực lượng hành pháp của chúng ta”, Bryan nói.
Patrisse Cullors, người đồng sáng lập phong trào “Mạng người da màu cũng quan trọng”, cho rằng cắt ngân sách cảnh sát nghĩa là tái phân bổ tài chính để hỗ trợ người dân và dịch vụ cho các cộng đồng thiệt thòi.
Cắt ngân sách cảnh sát “nghĩa là giảm nguy cơ lực lượng hành pháp có nguồn lực để làm tổn thương cộng đồng chúng tôi”, Cullors nói. “Số tiền đó nên được chuyển cho các cộng đồng da màu khó khăn”.
Ngân sách có thể được chuyển cho các dịch vụ xã hội về sức khỏe tâm thần, bạo lực gia đình và vô gia cư. Cảnh sát vốn là lực lượng phản ứng đầu tiên trước ba vấn đề này, Cullors cho biết.
McHarris thì cho rằng ngân sách có thể được chuyển cho các trường học, bệnh viện hay hỗ trợ về nhà ở và thực phẩm cho các cộng đồng đó – “tất cả những thứ rõ ràng sẽ gia tăng an toàn cho cộng đồng”, anh nói.
Ý kiến giải tán cảnh sát có vẻ cực đoan nhưng nó đang thu hút được ngày càng nhiều chú ý. MPD150, tổ chức vận động cộng đồng ở Minneapolis, tập trung vào yêu cầu giải tán cảnh sát địa phương. Họ cho rằng thay vì “những người lạ được trang bị súng”, lực lượng phản ứng đầu tiên khi các vấn đề phát sinh nên là những bên chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhân viên xã hội, những người đấu tranh cho các nạn nhân và các thành viên cộng đồng khác.
Tổ chức lập luận rằng lực lượng hành pháp không phải là bên khuyến khích luật pháp và trật tự. Cần làm việc đó thông qua giáo dục, cung cấp việc làm, dịch vụ sức khỏe tâm thần mà các cộng đồng thu nhập thấp thường không được tiếp cận.
Câu hỏi nhiều người đặt ra là liệu cắt ngân sách cho cảnh sát có làm tội ác bạo lực gia tăng? Việc này chưa từng được thực hiện trên quy mô lớn, vì vậy, rất khó để đánh giá.
“Sẽ có hậu quả, bạn sẽ thấy các vụ phạm tội gia tăng”, cảnh sát trưởng Houston Art Acevedo nói. Thị trưởng Chicago Lori Lightfoot cuối tuần trước cũng nói rằng: “Tôi thấy mọi người nêu ý kiến rằng họ muốn được cảnh sát bảo vệ nhiều hơn, chứ không phải ít đi”.
Trong khi đó, một báo cáo năm 2017, tập trung vào vài tuần trong năm 2014-2015 khi Sở Cảnh sát New York không “chủ động trị an”, cho thấy có ít hơn 2.100 tố giác tội phạm trong thời gian đó.
Nghiên cứu này định nghĩa “chủ động trị an” là thực thi biện pháp quyết liệt đối với các tội nhỏ và tăng cường sự hiện diện của cảnh sát trong các khu vực “được cho là có nguy cơ xảy ra phạm tội cao”. Đây chính là điều nhiều người biểu tình muốn chấm dứt.
Ý tưởng một thành phố của Mỹ hoạt động mà không có lực lượng hành pháp nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng nó đang được thúc đẩy ở Minneapolis, nơi xảy ra cái chết của George Floyd.
9 trong 12 thành viên của Hội đồng thành phố Minneapolis hôm 7/6 tuyên bố họ có ý định giải tán sở cảnh sát. Tuy nhiên, họ chưa có kế hoạch công bố hệ thống đảm bảo an ninh công cộng mới cho thành phố sẽ như thế nào. Họ hứa sẽ phát triển các kế hoạch bằng cách làm việc với cộng đồng, dựa vào các nghiên cứu, kinh nghiệm cải cách toàn quốc và trên thế giới.
Việc giảm ngân sách dễ thực hiện hơn giải tán cảnh sát. Sau khi người dân California từ chối đề xuất tăng ngân sách của Sở Cảnh sát Los Angeles lên 1,86 tỷ USD, Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti đã đồng ý cắt 100-150 triệu USD.
Đó không phải là một khoản lớn, nhưng đó là bằng chứng cho thấy các quan chức đang lắng nghe, Bryan nhận xét. Thị trưởng New York de Blasio cũng cam kết sẽ cắt ngân sách cảnh sát vốn chiếm 6% ngân sách thành phố và chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ xã hội.
“Một tuần trước, giảm ngân sách cho cảnh sát là điều không tưởng nhưng bây giờ chúng ta đang thảo luận về điều đó”, ông nói. “Giải tán cảnh sát giờ vẫn có vẻ là một phương án không tưởng, nhưng biết đâu tuần tới sẽ khác”.
Phương Vũ/VE