Vì sao nghị định 100 ban hành 2 ngày sau đã áp dụng?
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được Thủ tướng ký ban hành ngày 30-12-2019 và có hiệu lực ngày 1-1-2020.
Vì sao nghị định này có hiệu lực gần như ngay lập tức, thay vì có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký như những nghị định khác?
Trao đổi với PV, bà Hoàng Hồng Hạnh – phó vụ trưởng Vụ Pháp chế – thanh tra, Tổng cục Đường bộ VN – giải thích: Trong quá trình soạn thảo nghị định 100 để thay thế nghị định 46, do tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình tai nạn giao thông nên Chính phủ đã có những cuộc họp chỉ đạo, cho phép xây dựng dự thảo theo trình tự rút gọn.
Nghị định 100 không chỉ phục vụ thực thi Luật phòng chống tác hại của rượu bia mà còn để bổ sung, quy định nhiều hành vi liên quan đến Luật giao thông đường bộ và Luật đường sắt khi thực tế phát sinh những yếu tố đòi hỏi phải có quy định pháp luật phù hợp hơn.
Do nghị định có tác động rất lớn nên để đảm bảo chất lượng của nghị định, trong quá trình soạn thảo Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành lấy ý kiến góp ý, thảo luận rất kỹ lưỡng, rộng rãi theo các quy trình bình thường. Nghị định 100 vừa đáp ứng nhu cầu bức thiết về an toàn giao thông và để thực thi Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.
* Nghị định 100 bổ sung nhiều hành vi và tăng mức xử phạt với 218 hành vi, nhóm hành vi, trong đó tăng mức xử phạt cao với 61 hành vi, nhóm hành vi. Vì sao lại tăng mức phạt và bổ sung hành vi?
– Thực ra một số nội dung đã có quy định của pháp luật rồi nhưng có những hành vi chưa quy định hoàn toàn cụ thể, cần bổ sung để thực thi tốt hơn, phù hợp hơn.
Nghị định cũng bổ sung một số hành vi mới như: xe không đủ điều kiện nộp phí tự động nhưng đi vào làn thu phí tự động trước đây có thể xử phạt theo lỗi đi không đúng làn đường, phần đường, nhưng nghị định 100 tách ra thành một hành vi có mức xử phạt thấp hơn với tính chất tuyên truyền để mọi người quen dần với thu phí tự động.
Với nhiều hành vi khác, Bộ Công an đã có tổng kết những hành vi có nguy cơ gây tai nạn cao, là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn trong quá trình thực thi nghị định 46. Do vậy, những hành vi này cần xử phạt cứng rắn hơn. Tiêu biểu là hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức 3, sử dụng ma túy bị phạt nặng nhất. Tương tự, hành vi chạy quá tốc độ cũng gây nhiều tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nên nâng mức phạt.
* Có những ý kiến thắc mắc nghị định 100 không nhắc tới Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Trong khi đó, Luật giao thông đường bộ năm 2008 không quy định xử phạt với người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn, không xử phạt người điều khiển xe máy có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở. Bà giải thích thế nào?
– Nghị định 100 căn cứ những văn bản bao quát như Luật giao thông đường bộ, Luật đường sắt, Luật xử lý vi phạm hành chính… Có thể phần căn cứ không trích dẫn hết những quy định pháp luật liên quan, nhưng vẫn phải đảm bảo là không phải không có căn cứ mà quy định. Việc không trích dẫn cũng không có nghĩa là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Không nên bắt bẻ nhiều mà cứ thế làm cho tốt
Trước băn khoăn liệu có đủ lực lượng để thực thi, xử lý vi phạm khi diện kiểm soát, xử lý vi phạm sẽ nhiều hơn, rộng hơn, ông KHUẤT VIỆT HÙNG – phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia – cho biết:
“Khi bàn về dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia cũng đã nêu băn khoăn này. Những băn khoăn đó là chính đáng, có trách nhiệm. Nhưng không có một quốc gia nào có thể xử phạt hết hành vi vi phạm hành chính, nhất là vi phạm giao thông, nên chúng ta đừng quá cầu toàn đòi hỏi phải xử phạt hết. Chúng ta cũng không thể xử phạt hết người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm hay đi xe máy không có gương chiếu hậu.
Tuy nhiên, nếu lực lượng chức năng xử phạt nghiêm khắc vi phạm sẽ có tính răn đe cao, khiến người khác không vi phạm và có sự điều chỉnh”.
Theo ông Hùng, lực lượng chức năng vẫn sẽ cố gắng cao nhất để xử phạt những hành vi vi phạm kể cả ở đô thị, nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, phải trang bị tốt hơn thiết bị, phương tiện nghiệp vụ để công an, đặc biệt là cảnh sát giao thông đảm bảo bao phủ tối đa những không gian xảy ra vi phạm.
Tuấn Phùng/ TTO