+
Aa
-
like
comment

Vì sao Nga muốn nắm nhà máy điện hạt nhân Chernobyl?

27/02/2022 13:15

 

Nga có thể không coi nhà máy điện hạt nhân này là tài sản quân sự, nhưng quan trọng là địa điểm từng xảy ra thảm họa hạt nhân này nằm ở vị trí chiến lược giữa Belarus và Kiev.

Vì sao Nga muốn nắm nhà máy điện hạt nhân Chernobyl? Nga muốn làm gì ở nơi "bỏ hoang" này?

Ngay trong ngày 24/2 khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở khu vực ly khai miền Đông Ukraine, quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại thành phố Chernobyl.

Hồi chuông cảnh báo vang lên ở ChernobylÍt nơi nào gợi ra nhiều điềm báo hơn Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân chết người năm 1986.

Vì vậy, hồi chuông cảnh báo đã vang lên ở phương Tây khi lực lượng Nga nắm quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động này ngay trong những giờ đầu khi mở chiến dịch đặc biệt ở Đông Ukraine.

Vì sao Nga lại nhắm một nhà máy điện không còn hoạt động và bị bao quanh bởi đất phóng xạ thành một trong những mục tiêu đầu tiên của họ ở Ukraine?

Mặc dù hiện không ai có câu trả lời đầy đủ ngoài các quan chức hàng đầu ở Moscow, nhưng thực tế trước mắt cho thấy câu trả lời là do vị trí chiến lược của Chernobyl.

Địa điểm này nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus đến Kiev, thủ đô của Ukraine, và do đó, tạo thành tuyến đường huyết mạch cho quân đội Nga.

Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng, khi chiếm được Chernobyl, Nga sẽ giành được con đường tấn công nhanh nhất từ Belarus tới Kiev.

Vì sao Nga muốn nắm nhà máy điện hạt nhân Chernobyl? Nga muốn làm gì ở nơi bỏ hoang này? - Ảnh 1.
Xe tăng Nga bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Ảnh chụp từ video

“Vị trí địa lý của nó rất quan trọng”, trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu tướng chỉ huy của Quân đội Mỹ ở Châu Âu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

“Nếu các lực lượng Nga tiến vào Kiev từ phía bắc, thì Chernobyl đang ở ngay vị trí trên đường đi và sẽ cản đường quân Nga”.

Chernobyl cách biên giới của Ukraine với Belarus, một đồng minh của Nga, chưa đầy 16km. Đó là cách nhanh nhất tới Kiev.

Tuyến đường từ Belarus đến Kiev qua Chernobyl có thể đặc biệt hấp dẫn các nhà hoạch định quân sự Nga vì nó sẽ cho phép họ băng qua sông Dnepr ở Belarus, tránh việc băng qua con sông lớn, chia cắt Ukraine, sau chiến tuyến của đối thủ.

Evelyn Farkas, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề Nga, Ukraine và Âu-Á dười thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, nhận định: “Nga muốn nắm quyền kiểm soát Chernobyl vì muốn kiểm soát toàn bộ Ukraine và bao vây thủ đô Kiev”.

Vì sao Nga muốn nắm nhà máy điện hạt nhân Chernobyl? Nga muốn làm gì ở nơi bỏ hoang này? - Ảnh 3.
Nga muốn nắm quyền kiểm soát Chernobyl để dễ dàng tiến vào Ukraine hơn.

Cựu tham mưu trưởng quân đội Mỹ Jack Keane cho biết, Chernobyl quan trọng vì nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus đến Kiev.

Tuyến đường này là một trong 4 “trục”: mà lực lượng quân sự Nga sử dụng để tiến vào Ukraine, ngoài một tuyến từ Belarus, một đường tiến về phía nam vào thành phố Kharkiv của Ukraine và một đường đẩy lên phía bắc từ bán đảo Crimea.

Chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài?Nhà máy Chernobyl được xây dựng từ thời Liên Xô. Năm 1986, thế giới đã chứng kiến thảm họa công nghệ lớn nhất ở Chernobyl.

Lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã bất ngờ phát nổ, phát tán một lượng lớn phóng xạ từ nhà máy ra các khu vực xung quanh.

Chernobyl được xem là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới và là lời cảnh báo về mặt trái của công nghệ hạt nhân.

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, độ phóng xạ của khu vực xung quanh nhà máy đã giảm trong nhiều thập kỷ kể từ khi thảm họa xảy ra và các nghiên cứu đã phát hiện ra các quần thể động vật hoang dã đang phát triển mạnh trong “khu vực loại trừ”, bất chấp sự ô nhiễm trong đất.

Vì sao Nga muốn nắm nhà máy điện hạt nhân Chernobyl? Nga muốn làm gì ở nơi bỏ hoang này? - Ảnh 4.

Nhà máy hạt nhân Chernobyl của Ukraine sau vụ nổ và hỏa hoạn ở lò phản ứng số 4 vào năm 1986.

Sau khi xảy ra sự cố nổ lò phản ứng hạt nhân, Liên Xô đã sơ tán khoảng 115.000 người dân khỏi những khu vực bị nhiễm phóng xạ nặng nề nhất trong năm 1986 và khoảng 220.000 người khác trong những năm sau đó.

Các cuộc giao tranh gần đây trong khu vực trong tuần này có thể khuấy động khu vực bị ô nhiễm và các mảnh vụn khác, làm dấy lên lo ngại về khả năng các tác động môi trường có hại có thể lan rộng ra ngoài khu vực.

Bà Farkas nói rằng ngay cả khi Tổng thống Nga Vladimir Putin không quan tâm đến việc nhà máy đã ngừng hoạt động, Moscow vẫn muốn đảm bảo nắm quyền kiểm soát cơ sở này, đặc biệt là với nguy cơ xảy ra một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine.

Bà nói: “Họ chắc chắn không muốn vật liệu hạt nhân trôi nổi xung quanh. Họ hiểu sự nguy hiểm ở đó”.

Nam Anh

Bài mới
Đọc nhiều