Vì sao Mỹ viện trợ giúp Việt Nam chống COVID-19?
Mỹ cam kết tổng cộng 274 triệu USD viện trợ nhân đạo cho 64 quốc gia/vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng nặng nhất từ COVID-19, bao gồm Việt Nam.
Từ ngày 27-3, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố gói 274 triệu USD hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp cho các nước chống dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra.
Trao đổi với PV, giám đốc phụ trách USAID tại Việt Nam Michael Greene lý giải về tiêu chí chọn 64 quốc gia/vùng lãnh thổ nêu trên.
Tương tự những gì Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã nói với Tuổi Trẻ, ông Greene cho biết Việt Nam là nước nằm ở “tiền tuyến” trong việc kiểm soát mối đe dọa của lây lan dịch bệnh, xét về yếu tố địa lý và các mối tương tác quốc tế.
Việt Nam nằm trong số các nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Philippines, Indonesia… nhận khoản hỗ trợ tổng cộng 18,3 triệu USD của phía Mỹ vừa qua.
Số tiền được dùng cho việc chuẩn bị các phòng thí nghiệm để xét nghiệm COVID-19 quy mô lớn, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, truyền thông nguy cơ… Các khoản hỗ trợ khẩn cấp này bổ sung vào khoản hỗ trợ y tế công cộng gần 3,5 tỉ USD mà Mỹ đã cung cấp cho các quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong 20 năm qua.
Phía Mỹ đánh giá Việt Nam cũng như ASEAN nói chung đang là khu vực hội nhập sâu rộng, nhu cầu di chuyển quốc tế lớn, nên cũng là một mặt trận dễ “nhập khẩu virus”.
Theo ông Greene, nhìn chung khi Mỹ đánh giá các tiêu chí về “khả năng tổn thương”, có thể xét tới yếu tố chính trị, xã hội, cũng như xét hệ thống y tế có yếu kém hay không, hoặc điểm số thấp trong đánh giá năng lực y tế – ví dụ căn cứ theo Quy định về sức khỏe quốc tế (2005).
“Ngoài ra, khả năng tổn thương cũng được xét bằng các yếu tố như tính liên kết với các điểm nóng truyền nhiễm, số lượng ca nhiễm COVID-19, và khả năng có truyền nhiễm, lây lan trong cộng đồng kéo dài”, ông giải thích.
Về quản lý tình hình chi tiêu, vị giám đốc USAID cho biết đã thiết lập các hệ thống gồm các đối tác thực hiện việc giám sát hoạt động và báo cáo tài chính. “Vì đây là khoản viện trợ khẩn cấp 6 tháng cho COVID-19, USAID sẽ phối hợp chặt chẽ với tất cả các đối tác để đảm bảo đạt kết quả, hợp tác và hỗ trợ phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam”, ông nói.
Ngoài việc hỗ trợ lâu dài tại Việt Nam nhằm tăng cường an ninh y tế toàn cầu, USAID hiện cung cấp 2,9 triệu USD cho công tác ứng phó COVID-19 cho các đối tác tại Việt Nam, bao gồm Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF); Quan hệ đối tác vì tiến bộ y tế tại Việt Nam…
Các quỹ sẽ được sử dụng với sự cộng tác và hỗ trợ của công tác ứng phó dịch của Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam.
“Việt Nam đã dần tăng cường hệ thống y tế dự phòng, và hiện có một nền tảng vững chắc cả về thể chế và nguồn nhân lực để giải quyết các mối quan tâm chính về sức khỏe cộng đồng. Tại nhiều nước, những hạn chế về nguồn lực và nhu cầu ngân sách đang đặt ra các thách thức hiện hành. Ở một quốc gia lớn như Việt Nam, sẽ có khó khăn trong việc đảm bảo vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa có thể phát triển đầy đủ và được hỗ trợ tương xứng”, ông Greene nhận định.
Đề cập tới năng lực xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam, ông Green nói rằng Việt Nam có năng lực kỹ thuật mạnh mẽ đối với xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, được xác nhận bằng mạng lưới hơn 25 phòng thí nghiệm được ủy quyền cho xét nghiệm COVID-19.
“Việt Nam cũng có thể sản xuất các bộ dụng cụ xét nghiệm và đã thực hiện một chiến lược rộng khắp để xác định các trường hợp mắc COVID-19, cũng như theo dõi và giám sát dịch bệnh”, đại diện USAID nói với PV.
NHẬT ĐĂNG/ TTO