+
Aa
-
like
comment

Vì sao một loạt lãnh đạo Công an Đồng Nai bị kỷ luật?

24/08/2019 10:21

Giám đốc và phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2010-2015 bị kỷ luật cảnh cáo. Ông Huỳnh Tiến Mạnh – Giám đốc Công an tỉnh và ông Hồ Văn Năm – Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai, bị đề nghị kỷ luật.

cadongnai
(Từ trái qua): Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh – giám đốc Công an Đồng Nai (giai đoạn 2010-2015), Đại tá Lý Quang Dũng – phó giám đốc, Đại tá Trần Thị Ngọc Thuận – phó giám đốc, Đại tá Nguyễn Văn Kim – phó giám đốc, Đại tá Ngô Minh Đức – phó giám đốc (đã nghỉ hưu)

Chiều 23-8, tại thông cáo báo chí về nội dung kỳ họp thứ 38 diễn ra ở Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) trung ương cho biết đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai và một số cá nhân về các vi phạm đã được kết luận tại kỳ họp 37 của UBKT trung ương.

Từ quản lý súng lỏng lẻo…

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong cả hai nhiệm kỳ trên, trong các vấn đề mà UBKT trung ương quan tâm làm rõ sai phạm còn có việc quản lý súng lỏng lẻo dẫn đến việc bắn chết người.

Tháng 9-2013, sau vụ phó trạm CSGT Suối Tre bị đồng đội bắn chết ngay trong trạm, chỉ vài tháng sau tiếp tục xảy ra một vụ án khác cũng do súng.

Cụ thể, vào chiều 4-1-2014, thượng sĩ Vũ Thanh Bảo (Công an huyện Cẩm Mỹ) đi bắt sòng bạc trong một tiệc cưới ở ấp Tân Hòa, xã Bảo Bình đã xảy ra vụ việc nổ súng khiến anh L.N.S. chết. Sau đó, vụ án đã được khép lại với lý do súng “cướp cò”.

Đến tháng 1-2018 lại xảy ra việc trung úy Nguyễn Tấn Phước (Phòng CSGT) dùng súng bắn chết người ở nhà trọ tại Đồng Nai. Phước cũng chính là tài xế riêng của thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh – giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai (nhiệm kỳ 2010-2015).

Tướng Khánh (bị kỷ luật cảnh cáo) đã nhận trách nhiệm là người đồng ý cấp súng cho Phước dẫn đến việc bắn chết người. Việc tướng Khánh nghỉ hưu nhưng cơ quan quản lý Phước không thu hồi súng, để Phước bắn chết người cũng là một trong nhiều nguyên nhân kỷ luật thêm một số lãnh đạo công an.

UBKT trung ương đã xác định đại tá Trần Thị Ngọc Thuận (bị kỷ luật cảnh cáo) – phó giám đốc Công an tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020) – chịu trách nhiệm trong vụ trung úy Phước bắn chết người vì bà Thuận là người trực tiếp quản lý Phòng CSGT.

Ngoài ra, UBKT trung ương còn xác định trước khi được bổ nhiệm làm phó giám đốc, đại tá Thuận lúc còn làm trưởng Công an huyện Cẩm Mỹ đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý vũ khí, để thượng sĩ Vũ Thanh Bảo nổ súng làm chết người.

Đại tá Lý Quang Dũng – phó giám đốc Công an Đồng Nai (thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra) – đã bị kỷ luật bằng hình thức cách chức ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020. Đại tá Dũng đã chỉ đạo một số vụ án không đúng thẩm quyền, đình chỉ án không đúng quy định.

Với trường hợp đại tá Nguyễn Văn Kim (bị kỷ luật cảnh cáo), phó giám đốc Công an Đồng Nai (thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra), qua kiểm tra một số vụ án, UBKT trung ương khi kiểm điểm đã đánh giá ông Kim là người đứng đầu cơ quan điều tra nhưng đã để xảy ra các vi phạm về hoạt động tố tụng.

Thậm chí, khi biết đại tá Huỳnh Tiến Mạnh – giám đốc Công an tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020) – chỉ đạo một số vụ án chưa đúng nhưng không có ý kiến với Ban thường vụ Đảng ủy công an và ban giám đốc nên đã xảy ra một số vụ việc sai trái ở cả lãnh đạo cấp phòng…

…Đến lập, sử dụng quỹ trái phép

Dưới thời thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh làm giám đốc, hai đại tá Nguyễn Xuân Kim, Ngô Minh Đức (đã nghỉ hưu và chịu kỷ luật cảnh cáo) từng đảm đương các nhiệm vụ xây dựng lực lượng và quản lý các phòng hậu cần – kỹ thuật.

Khi đoàn UBKT trung ương vào kiểm tra đã phát hiện các dấu hiệu sai phạm về quản lý tài chính như lập quỹ, sử dụng quỹ trái phép… với một công ty của quân đội.

Đáng chú ý nhất là vụ án tham ô tài sản hơn 7 tỉ đồng ngay tại Công an tỉnh Đồng Nai vào giai đoạn 2011-2012. Khi đó, quá trình điều tra vụ án được xác định có liên quan đến nhiều lãnh đạo cấp tá ở một số phòng. Tuy nhiên, sau đó cơ quan điều tra cho nhiều cán bộ cấp tá khắc phục số tiền trên 2,2 tỉ đồng, chỉ truy tố 2 cán bộ nữ.

Một số người theo dõi quá trình kiểm tra sai phạm ở Công an tỉnh Đồng Nai cho hay việc nhiều lãnh đạo công an phải chịu nhận mức kỷ luật rất nặng vì việc quản lý, bổ nhiệm cán bộ ở cả hai nhiệm kỳ chưa chặt chẽ. Chỉ đến khi Ủy ban Kiểm tra trung ương vào kiểm tra nhiều tháng mới phát hiện nhiều sai phạm có dấu hiệu bị bao che và dẫn đến mất đoàn kết nội bộ.

Các kỷ luật khác

Đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với đại tá Huỳnh Tiến Mạnh – ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, bí thư Đảng ủy, giám đốc Công an tỉnh và ông Hồ Văn Năm – ủy viên Ban thường vụ, trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai.

Đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai thi hành kỷ luật Ban thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.

Nhóm PV/ Theo Tuổi trẻ

Bài mới
Đọc nhiều