Đồng tiền số giữa thời đại số
Gần 100 quốc gia, chiếm hơn 90% GDP toàn cầu hiện nay đang tích cực nghiên cứu một loại tiền tệ kỹ thuật số cho Ngân hàng Trung ương (NHTW), nhằm phục vụ khi xu hướng số hóa của nền kinh tế ngày một chuyển biến mạnh mẽ.
Kinh tế số cần một đồng tiền số
Nếu xu hướng đầu tiên trong mục tiêu số hóa nền kinh tế vừa qua chính là thúc đẩy thói quen chi tiêu không dùng tiền mặt, thì chặng đường tiếp theo cũng đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn thế giới. Đó chính là tạo ra một đồng tiền kỹ thuật số phát hành bởi NHTW.
Câu hỏi đặt ra là vì sao một đồng tiền kỹ thuật số lại cần thiết vào lúc này, trong khi tiền máy tính, tức tiền lưu thông trên các thiết bị điện tử, con số hiển thị trên màn hình máy tính, điện thoại, trụ atm,… cũng đã đủ phục vụ nhu cầu thanh toán không tiền mặt của người dùng?
Về bản chất, đồng tiền kỹ thuật số này chính là phiên bản số hóa của đồng tiền quốc gia, thay vì dùng tiền mặt hay tiền máy tính, thì người dùng sẽ được cung cấp ví với những đồng tiền số.
Đồng tiền kỹ thuật số phát hành bởi NHTW, gọi tắt là CBDC có sự khác biệt lớn với tiền máy tính dùng trong hình thức chi tiêu không tiền mặt hiện nay, nằm ở chỗ là việc NHTW không chỉ phát hành mà còn có thể lập trình những chức năng cho từng đồng tiền.
Khả năng này được cho là sẽ mang lại sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hành vi rửa tiền cũng như giúp các nhà quản lý bắt kịp được với sự chuyển động nhanh của kinh tế số.
Chẳng hạn như khi có thảm họa thiên nhiên xảy ra, ảnh hưởng đến đời sống người dân, chính phủ có thể gửi cho công dân tiền kỹ thuật số, nhưng lập trình để nó chỉ có thể chỉ được chi tiêu cho thực phẩm và thuốc men, các nhu yếu phẩm khác và loại trừ các giao dịch liên quan đến giải trí, cờ bạc… Việc đó sẽ giúp cho các khoản tiền trợ cấp được dùng đúng mục tiêu.
Mặt khác, đồng tiền số cũng mang lại nguồn dữ liệu trực tiếp cho Chính phủ, do toàn bộ chúng đều sẽ được lưu trữ trên một không gian mạng được NHTW tạo ra.
Nếu hiện nay, với việc chi tiêu không dùng tiền mặt, mọi dữ liệu giao dịch, mua sắm của người dân sẽ nằm trong tay các doanh nghiệp dịch vụ thanh toán. Và khi cần phục vụ cho công tác điều tra, các cơ quan chức năng sẽ cần thông qua trung gian là các công ty thanh toán, một mặt việc đó làm kéo dài thời gian, mặt khác dữ liệu cũng chưa đảm bảo được tính chính xác.
Nhưng với những đồng tiền số, tất cả chúng đều sẽ kết nối với một không gian hệ thống do NHTW tạo ra, nên sự luân chuyển của đồng tiền trong nền kinh tế, mọi dữ liệu giao dịch, đều sẽ được Chính phủ trực tiếp quản lý. Từ đó giúp việc truy xuất dữ liệu nhanh hơn cũng như có được sự đồng bộ trong hệ thống thông tin.
Với từng đồng tiền số có chức năng nhất định và kết nối với một hệ thống lưu trữ, giám sát kể trên, các nhà điều hành gần như không cần nhấc một ngón tay, dữ liệu đều tự động đến với họ thông qua màn hình.
Khả năng đó sẽ cho phép Chính phủ nắm bắt được các giao dịch bất hợp pháp trong nền kinh tế số, các hành vi tham nhũng, cắt xén ngân sách đầu tư công,… Khả năng này cũng cho phép NHTW có thể trực tiếp làm tê liệt những đồng tiền trong ví của cá nhân/tổ chức, để phục vụ công tác điều tra và đóng băng các nguồn tiền bất hợp pháp ngay khi cần thiết.
Về hành vi rửa tiền, đồng tiền số quốc gia cũng phát huy một vai trò nhất định. Bởi với khả năng lập trình được những chức năng, NHTW gần như có thể dùng đồng tiền số như một công cụ để truy vết các giao dịch rửa tiền. Trong đó đặc biệt là có thể phát hiện được các đối tượng nếu giao dịch có liên quan đến các đồng tiền phi chính phủ như Bitcoin.
Nhìn chung, tiền kỹ thuật số là một đồng tiền với những chức năng thực, có ích cho nền kinh tế, khác hoàn toàn với số tiền được hiển thị đơn thuần trên màn hình máy tính. Do đó khi các giao dịch trên nền kinh tế số đang được xử lý với số lượng ngày một nhiều và tốc độ ngày một nhanh, tạo điều kiện cho các giao dịch bất hợp pháp diễn ra nhanh hơn và tinh vi hơn. Thì kinh tế số sẽ cần đến một đồng tiền số, cũng đã đến lúc đồng tiền cần phát huy nhiều vai trò hơn là việc chỉ để dùng thanh toán.
Tiền kỹ thuật số quốc gia cũng sẽ công cụ giải quyết được nỗi lo của các nhà điều hành hiện nay. Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua đã bày tỏ sự “sốt ruột” với những đồng tiền phi chính phủ, khi pháp luật chưa công nhận, đã cấm nhưng các giao dịch vẫn diễn ra trong thực tế và cho rằng cần sớm phải nghiên cứu chế tài để xử lý vấn đề này để ngăn chặn hành vi rửa tiền.
Không chỉ riêng ở Việt Nam, hầu hết các chuyên gia quốc tế hiện nay đều tin rằng kể cả khi NHTW phát hành tiền kỹ thuật số thì cũng không thể tạo ra sự thay thế trong nhu cầu đối với các loại tiền điện tử phi tập trung như bitcoin. Đồng Bitcoin hay các đồng tiền mã hóa khác vốn có tính tự do rất lớn, tương đối riêng tư và không bị kiểm soát bởi bất kỳ chính phủ nào. Vì thế, thường được các nhà kinh doanh bất hợp pháp ưa thích nắm giữ và lợi dụng để rửa tiền xuyên quốc gia.
Mặc dù không thể thay thế nhưng việc một đồng tiền số quốc gia có thể lập trình và sáng tạo những chức năng, sẽ có thể phần nào giúp phát hiện các giao dịch bất hợp pháp, khi giao dịch có liên quan đến đồng Bitcoin cũng như các đồng tiền số phi chính phủ khác.
Cần phải nhìn vào thực tế là luật, chế tài có thể sẽ không theo kịp với các hành vi rửa tiền công nghệ cao, bởi không một chính phủ nào có thể can thiệp vào thị trường đồng Bitcoin. Do đó phát triển đồng tiền số quốc gia sẽ giúp Chính phủ có thêm một công cụ truy quét được những vi rửa tiền hiệu quả hơn.
Huy Hoàng