Vì sao lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội ‘thoát’ kết luận thanh tra chế phẩm Redoxy-3C?
Hồ sơ mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C thể hiện nhiều “dấu ấn” của các lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, Võ Nguyên Phong, Đồng Phước An, Hoàng Cao Thắng, nhưng vì sao kết luận thanh tra không nhắc tới?
Mới đây, ngày 20.8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội), để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015.
Hành vi của ông Võ Tiến Hùng có liên quan đến việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C của Đức để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội.
Đây là 1 trong 3 vụ án hình sự có liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, người vừa bị khởi tố bị can, bắt tạm giam vào ngày 29.8.
Sự việc ông Võ Tiến Hùng và ông Nguyễn Đức Chung bị bắt tạm giam đã bộc lộ nhiều góc khuất trong việc mua sắm chế phẩm Redoxy-3C, cũng như trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan, trong đó có Sở Xây dựng Hà Nội.
Hồ sơ, tài liệu mà PV thu thập được liên quan đến vụ mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C cho thấy có nhiều “dấu ấn” của một số lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội như ông Lê Văn Dục, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội; và ông Võ Nguyên Phong, đương kim Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.
“Dấu ấn” của nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục
Cụ thể, ngày 14.10.2016, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ký tờ trình gửi UBND TP.Hà Nội “về đề xuất của Công ty Thoát nước Hà Nội về việc sử dụng chế phẩm Redoxy-3C phục vụ công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ trên địa bàn Hà Nội”.
Đến ngày 2.12.2016, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản do ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở, ký báo cáo UBND TP.Hà Nội về công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ trên địa bàn TP.Hà Nội bằng chế phẩm Redoxy-3C.
Theo báo cáo, giá mua chế phẩm Redoxy-3C nhập theo đường hàng không là 326.000 đồng/kg; đường biển là 295.000 đồng/kg, chưa gồm thuế VAT.
Tại báo cáo này, Sở Xây dựng Hà Nội nêu, cuối tháng 10.2016, Công ty Thoát nước Hà Nội đề xuất thực hiện xử lý ô nhiễm tại 68 hồ tại nội thành trong quý 4.2016, tổng kinh phí khoảng 35,5 tỉ đồng…
Về quy trình, định mức, đơn giá tạm thời công tác xử lý duy trì chất lượng nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C đang xây dựng trên cơ sở quy trình tạm thời đã được Sở Xây dựng Hà Nội chấp thuận bằng văn bản ngày 4.11.2016.
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đã đề nghị UBND TP.Hà Nội cho phép Công ty Thoát nước Hà Nội xử lý ô nhiễm 68 hồ nội thành trong quý 4.2016 theo hình thức đặt hàng; giao Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện; kinh phí lấy từ nguồn ngân sách Thành phố giao Sở Xây dựng Hà Nội.
Đồng thời, giao Công ty Thoát nước xây dựng phương án, kế hoạch xử lý, duy trì ô nhiễm môi trường nước hồ trên địa bàn thành phố năm 2017.
Bên cạnh đó, tại văn bản này, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề nghị UBND TP cho phép Công ty Thoát nước Hà Nội xử lý ô nhiễm 5 hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C ở ngoại thành, cũng bằng hình thức đặt hàng, vốn ngân sách. Đồng thời, giao Công ty Thoát nước Hà Nội chủ động phối hợp các huyện, thị xã xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ trong năm 2017 bằng chế phẩm Redoxy-3C.
Sau văn bản đề xuất mang tính cơ sở này, từ ngày 9 – 30.12.2016, Sở Xây dựng Hà Nội liên tiếp ký các văn bản thông báo kết quả thẩm định hồ sơ dự toán, kèm theo quyết định phê duyệt hồ sơ dự toán công tác xử lý nhiều hồ trên địa bàn TP.Hà Nội.
Ông Võ Nguyên Phong và 2 phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội vô can?
Cụ thể, trong cùng ngày 9.12.2016, ông Võ Nguyên Phong, lúc này là Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội (nay là đương kim Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội), ký thông báo thẩm định hồ sơ dự toán và quyết định phê duyệt hồ sơ dự toán xử lý thử nghiệm nước hồ Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu bằng chế phẩm Redoxy-3C, với giá dự toán là hơn 1,6 tỉ đồng.
Ngày 20.12.2016, ông Võ Nguyên Phong cũng đồng thời ký thông báo kết quả thẩm định hồ sơ dự toán và quyết định phê duyệt hồ sơ dự toán công tác xử lý thử nghiệm nước thải bãi bùn khu C Yên Sở bằng chế phẩm Redoxy-3C.
Ngày 23.12.2016, cũng chính ông Võ Nguyên Phong ký thông báo kết quả thẩm định hồ sơ dự toán và quyết định phê duyệt hồ sơ dự toán công tác xử lý nước hồ Bắc Thổ Mô, Nam Thổ Mô bằng chế phẩm Redoxy-3C.
Ngày 30.12.2016, lại là ông Võ Nguyên Phong ký thông báo kết quả thẩm định hồ sơ dự toán và quyết định phê duyệt hồ sơ dự toán công tác xử lý nước hồ Tây bằng chế phẩm Redoxy-3C, kinh phí dự toán là hơn 2,2 tỉ đồng.
Cũng trong ngày cuối cùng của năm 2016 này, ông Võ Nguyên Phong đồng thời ký thông báo kết quả thẩm định hồ sơ dự toán và quyết định phê duyệt hồ sơ dự toán công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ trên địa bàn TP.Hà Nội bằng chế phẩm Redoxy-3C quý 4.2016, với kinh phí dự toán là hơn 28,1 tỉ đồng.
Đáng chú ý, dù ngày ký quyết định là 30.12.2016, nhưng thời gian thực hiện vẫn là quý 4.2016.
Trong các năm 2017, 2018 và 2019, các lãnh đạo Sở này gồm: ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội; 3 phó giám đốc Sở là các ông Võ Nguyên Phong, Hoàng Cao Thắng, Đồng Phước An thay nhau ký nhiều thông báo kết quả thẩm định hồ sơ dự toán và quyết định phê duyệt hồ sơ dự toán công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước, duy trì chất lượng nước các hồ trên địa bàn TP.Hà Nội bằng chế phẩm Redoxy-3C, với kinh phí lên đến hàng chục tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách.
Các hồ sơ, tài liệu việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C thể hiện rõ “dấu ấn” của các lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, nhưng Kết luận thanh tra số 794 của Thanh tra Hà Nội ban hành ngày 26.2.2020 lại không hề nhắc tới trách nhiệm các vị này, khiến nhiều người không khỏi đặt nghi vấn.
Đáng chú ý, 14 ngày trước khi ký ban hành Kết luận thanh tra số 794, ông Nguyễn An Huy, Chánh thanh tra Hà Nội, cũng ký ban hành Kết luận thanh tra số 555 về việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C, trong đó chỉ ra một số tồn tại, trách nhiệm của cán bộ, như ông Lê Văn Dục, nhưng không hề nhắc tới các phó giám đốc Sở Xây dựng: Võ Nguyên Phong, Đồng Phước An, Hoàng Cao Thắng. Tuy nhiên, tại Kết luận thanh tra số 794 sau đó, Thanh tra Hà Nội đã “đục bỏ” phần tồn tại mà không có lý do giải thích.
PV đã nhiều lần liên lạc với ông Nguyễn An Huy để làm rõ vì sao một vụ việc lại có 2 kết luận thanh tra; và vì sao Kết luận thanh tra số 794 đã “đục bỏ” toàn bộ phần tồn tại như đã nêu, nhưng không nhận được phản hồi.
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Hà Nội, từ năm 2016 đến quý 1.2019, Công ty Thoát nước Hà Nội ký hợp đồng với Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước hồ với khối lượng là hơn 403 tấn, giá trị hơn 137,6 tỉ đồng.
Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic có dấu ấn của ông Nguyễn Đức Hạnh, là con trai Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Cụ thể, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào năm 2015, do 2 thành viên góp vốn, gồm: ông Đào Xuân Tấn và ông Nguyễn Đức Hạnh. Người đại diện theo pháp luật là ông Đào Xuân Tấn.
Tháng 6.2016, ông Đào Xuân Tấn chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho ông Nguyễn Trường Giang. Ngày 23.7.2016, ông Nguyễn Đức Hạnh cũng ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của mình cho người khác.
Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic ký hợp đồng phân phối độc quyền chế phẩm Redoxy-3C vào đầu tháng 8.2016 với nhà sản xuất là Công ty Watch Water GmbH của Cộng hòa liên bang Đức.
Diễn biến của vụ việc này đã và đang đặt ra hàng loạt câu hỏi, bởi lẽ UBND TP.Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C trong giai đoạn 2016 – 2019 có sự chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Công ty Arktic do người thân của ông Nguyễn Đức Chung có đóng góp cổ phần…
PV/TN