+
Aa
-
like
comment

Bạn phải biết vì sao kinh tế Việt Nam đi nhanh hơn Indonesia?

Tuệ Ngô - 13/12/2022 11:28

Mới đây, trang Publika của Indonesia đã cho đăng tải một bài viết rất đáng chú ý liên quan đến Việt Nam với tiêu đề: “Bạn phải biết vì sao kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn Indonesia?”. Qua bài viết, trang Publika đã phân tích những ưu thế và đường lối kinh tế giúp Việt Nam định hình vị thế tại khu vực.

Bài viết đã đi vào phân tích về những động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, so sánh đôi chút với nền kinh tế Indonesia, trong đó tập trung nhấn mạnh về chiến lược ngoại giao khéo léo của đã giúp kinh tế Việt Nam phát triển vô cùng nhanh, ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế.

Cụ thể, tờ báo này viết, cách đây một thời gian, BPS đã công bố một dự báo về tăng trưởng kinh tế của Indonesia đạt mức tăng trưởng 5,2% trong quý 3, vượt qua Trung Quốc và Mỹ khiến Indonesia vô cùng tự hào. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn chưa là gì so với một quốc gia ASEAN có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt xa Indonesia gấp hơn 2 lần với tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 3 đạt 13,7% đáng kinh ngạc. Không ai khác chính là Việt Nam, theo Publika.

Điều gì đã khiến Việt Nam có bước tăng trưởng vượt bậc như vậy? Trên thực tế, Việt Nam không có nhiều ngân quỹ dành cho Covid, cũng không có những gói kích thích kinh tế lớn, không có các dự án đường sắt cao tốc, không có chính sách hỗ trợ từ ngân hàng trung ương bằng việc nới lỏng thâm hụt chi tiêu của chính phủ thêm 3% như Indonesia. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam lại rất ấn tượng.

Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, một số ngành còn cao hơn cả lúc trước khi dịch bệnh xảy ra. Nguồn: Oxford Economics – Chú thích: Màu đỏ: GDP; màu vàng: Xây dựng; màu xanh: Sản xuất; màu tím: Nông nghiệp; màu xám: Dịch vụ.

Có một điều thú vị để người dân Indonesia biết về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đó là Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng nhanh và đã duy trì liên tục trong một thời gian dài suốt 30 năm qua mà không phải chỉ tăng trưởng trong một thời gian ngắn hạn trong một vài năm như các quốc gia Philippines, Indonesia hay Thái Lan mà họ đã duy trì thường xuyên, liên tục, đặc biệt là trong năm qua. Vậy lý do là gì?

Bước ngoặt của sự hồi sinh kinh tế Việt Nam

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một loạt những cải cách kinh tế vào năm 1986, được gọi là đổi mới. Sự chuyển đổi này đã dẫn đến tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam khi tăng trưởng GDP, bình quân đầu người của họ đã đạt mức trung bình 6,4 % kể từ năm 2000 cho đến nay. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương PPP tăng từ 970 đô la vào những năm 2000 nên 6,023 đô la vào năm 2015 và 10,081 đô la vào năm 2021.

Kinh tế đang có dấu hiệu tăng trưởng đáng mừng.

Từ một trong những quốc gia nghèo với tỷ lệ nghèo đói trên 70% vào những năm 90, nay chỉ còn dưới 5%. Giờ đây, hơn 10 triệu người Việt Nam đã thoát nghèo, chỉ trong những năm 2010 và GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng hơn 10 lần kể từ dưới 300 đô la vào những năm 1990 hiện đã lên 3,800 đô la vào năm 2021. Việt Nam từng xếp cuối ASEAN về thu nhập bình quân đầu người hiện đã vươn lên thứ 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Một trong những yếu tố giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh được cho là mức lương nhân công hợp lí, giúp Việt Nam đã trở thành một địa điểm hấp dẫn để đầu tư. Từ đó đưa Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho sản xuất hàng dệt may, giày dép và hàng điện tử.

Khéo léo nắm bắt cơ hội trong khó khăn

Những điểm mấu chốt nhất quyết định thành quả tăng trưởng của Việt Nam là Việt Nam đã khéo léo nắm bắt được động lực tăng trưởng từ sự căng thẳng trong quan hệ Trung Mỹ và tình hình biến động của thế giới.

Bởi những ưu thế đáng tự hào, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của FDI. Ngay cả khi cả thế giới chìm trong khủng hoảng, Việt Nam vẫn được mức GDP dương trong năm 2020, đó được xem là điều làm nên kỳ tích khiến cả thế giới ngạc nhiên, theo Publika.

Tại Việt Nam, công nghiệp và xây dựng là ngành kinh tế lớn nhất, đóng góp 41% tổng GDP. Tuy nhiên, trong sáu năm qua, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ đã vượt xa đáng kể tất cả các lĩnh vực khác. Khu vực dịch vụ hiện chiếm 37% GDP. Cuối cùng, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22% tổng sản lượng .

GDP của Việt Nam tăng 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 3 năm 2022, nhanh hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7,72% trong quý 2 và đánh dấu quý thứ tư liên tiếp tăng trưởng.

Sản lượng tăng cường cho công nghiệp và xây dựng (12,91% so với 7,70% trong Quý 2), dịch vụ (18,86% so với 6,60%) và nông nghiệp (3,24% so với 2,78%). Tính chung 3 quý đầu năm nay, GDP tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất trong 9 tháng giai đoạn 2011-2022 do hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng sau dịch Covid-19, chính sách phục hồi và các điều kiện kinh tế xã hội của chính phủ xây dựng.

Tuệ Ngô (Theo Publika)

Bài mới
Đọc nhiều