+
Aa
-
like
comment

Vì sao không nên mở rộng cao tốc Pháp Vân lên 8 – 10 làn xe?

22/01/2021 14:10

Mở rộng cao tốc Pháp Vân lên 10 làn xe sẽ không phát huy được năng lực đầu tư cũng như năng lực lưu thông phương tiện vào trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, cao tốc Pháp Vân hiện nay đã mở thành 6 làn, với lưu lượng ngày càng tăng cao trong điều kiện cửa ngõ phía Nam Hà Nội đang ùn tắc trầm trọng thì mở rộng sẽ không phát huy được hiệu quả đầu tư.

Ông phân tích, với điều kiện giao thông hiện nay xe các tỉnh phía Bắc ra vào Hà Nội đều tập trung hết về cao tốc Pháp Vân. Đặt tình huống, chỉ một vụ tai nạn xảy ra thì năng lực thông qua sẽ bị hạn chế, nặng thì đường tắc “toàn tập”, nhẹ thì ùn ứ.

Đó là chưa kể khi cao tốc Pháp Vân được mở lên 10 làn phương tiện dồn về nhanh thì nút giao Pháp Vân vành đai 3 thêm ùn tắc trầm trọng.

Không nên mở rộng cao tốc Pháp Vân lên 8 10 làn xe
Mở cao tốc Pháp Vân lên 8-10 làn xe, thêm áp lực ùn tắc cửa ngõ phía Nam 

“Nguyên lý đơn giản không thể dồn phương tiện về một nơi vì giao thông vào cửa ngõ khó khăn. Hà Nội tiến tới là siêu đô thị 15-20 triệu dân thì việc phương tiện ra vào TP phải phân tán qua nhiều tuyến đường, không nên dồn hết vào một cửa”, ông Sỹ nói và cho rằng, cần sớm đầu tư đường vành đai 3,5 và vành đai 4 kết nối với cao tốc Pháp Vân Ninh Bình để giảm áp lực cho tuyến cao tốc này.

Ông Sỹ nêu thực tế, hiện nay cao tốc Pháp Vân dù được mở thành 6 làn nhưng năng lực thông xe vẫn bị hạn chế so với cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình. Nguyên nhân do lưu lượng xe đường Pháp Vân lớn nên tốc độ xe chạy chỉ 100 km/h. Trong khi ra đến đầu cao tốc Cầu Giẽ đi Ninh Bình, lưu lượng được phân tán cả ra đường QL1 nên dù có 4 làn xe vẫn chạy được với tốc độ 120 km/h.

Một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói thêm, nguyên lý đường vào các siêu đô thị như Hà Nội phải phân tán qua nhiều tuyến đường. Không nên dồn vào một tuyến sẽ làm hạn chế năng lực thông qua và gâp áp lực giao thông bên trong TP.

Trong khi đường vành đai 3,5 và vành đai 4 lại chưa được đầu tư phù hợp thì cần tập trung làm càng nhanh càng tốt để lưu lượng phân tán đi nhiều hướng, không phải cứ nhất thiết qua cao tốc Pháp Vân mới vào được.

Ông cũng dẫn chứng ở các nước phát triển cao tốc có nhiều phương tiện đến mấy thì cũng phải kết nối theo nhiều hướng vào TP, giảm áp lực phương tiện dồn vào một nơi gây ùn tắc cho bên trong TP.

“Kinh nghiệm quốc tế, tuyến cao tốc từ Pháp đi Hà Lan dài 1.200 km có trục chính 12 làn xe (mỗi bên 6 làn), nhưng đến trung tâm TP, người ta mở các đường rẽ đi nhiều hướng để phân tán lưu lượng. Việc này góp phần quan trọng làm giảm áp lực cho giao thông khu vực nội đô”, vị này dẫn chứng và cho rằng cao tốc Pháp Vân cũng không phải ngoại lệ.

Cao tốc Pháp Vân cần thêm nút giao để giảm tải

Không nên mở rộng cao tốc Pháp Vân lên 8 10 làn xe
Cao tốc Pháp Vân có lưu lượng phương tiện lớn, nhưng thường xuyên bị ùn tắc do kẹt ở cửa ngõ vào nội đô Hà Nội

Một chuyên gia giao thông cho rằng, với lưu lượng giao thông qua cao tốc Pháp Vân ngày càng lớn, thay vì mở rộng đường lên 8-10 làn xe thì nên tính phương án mở thêm nút giao kết nối với đường 70 qua Văn Điển (Thanh Trì) và kết nối với đường Tam Trinh – cầu Thanh Trì.

Khi nút giao này được đầu tư, hoàn thành thì các phương tiện, nhất là xe tải trọng lớn từ cao tốc Pháp Vân ra vào Hà Nội có thể chủ động sang cầu Thanh Trì và đường 70 để đi các tỉnh phía Bắc, hạn chế phương tiện không cần thiết đi vào nội đô Hà Nội như hiện nay.

UBND TP Hà Nội đã trình phương án nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ với vành đai 3.

Địa điểm thực hiện dự án tại quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách TP, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2020-2022.

Dự kiến tuyến đường có chiều dài 3,4km (tính cả chiều dài các nút giao), bề rộng mặt cắt ngang đường chính 60m. Điểm đầu tuyến tại điểm cuối nhánh rẽ phải từ cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ vào đường 70 thuộc nút giao Tứ Hiệp và điểm cuối là nút giao với vành đai 3.

Các hạng mục chính bao gồm: nút giao bán hoa thị Tứ Hiệp; đoạn tuyến từ nút giao Tứ Hiệp đến nút giao vành đai 3; đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, tổ chức giao thông trên tuyến đường chính, các nhánh kết nối và đường gom…

Theo tính toán, tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 39,39ha, chi phí giải phóng mặt bằng sơ bộ dự kiến 1.039 tỷ đồng.

Vũ Điệp/TNO

Bài mới
Đọc nhiều