Vì sao hải quân Mỹ cùng lúc phái 3 tàu sân bay tới Thái Bình Dương?
Lần đầu tiên sau gần ba năm, ba tàu sân bay Mỹ đang tuần tra trên vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương, một màn trình diễn lớn của lực lượng hải quân Mỹ trong một khu vực bị cuốn theo căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy hải quân Mỹ đã trở lại sau những ngày tồi tệ nhất do sự bùng phát coronavirus.
Sự xuất hiện bất thường của ba tàu sân bay, đi kèm là các tàu tuần dương, tàu khu trục, máy bay chiến đấu và các máy bay khác của hải quân, xuất hiện khi Mỹ leo thang chỉ trích phản ứng của Bắc Kinh đối với sự bùng phát của coronavirus, động thái nhằm kiểm soát Hong Kong và chiến dịch quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
“Đã có một số dấu hiệu trong các bài viết của người Trung Quốc cho thấy rằng họ nghĩ Mỹ bị COVID-19 tấn công dữ dội, sự sẵn sàng trong quân sự ở mức thấp, vì vậy có lẽ Mỹ đã nỗ lực để báo hiệu cho Trung Quốc rằng họ không nên tính toán sai”, bà Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nhận định.
“Người Trung Quốc chắc chắn sẽ mô tả điều này như một ví dụ về sự khiêu khích của Mỹ và là bằng chứng cho thấy Mỹ là nguồn gốc của sự bất ổn trong khu vực”.
Tổng thống Donald Trump, bị chỉ trích vì việc xử lý dịch coronavirus, đã lên án Trung Quốc vì những gì ông coi là sự không cảnh báo đầy đủ cho thế giới về mối đe dọa COVID-19. Chính quyền Mỹ cũng đã cấm các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc có liên kết với Quân đội Trung Quốc hoặc các dịch vụ an ninh khác ở Mỹ.
Sự hội tụ của ba nhóm tàu sân bay tấn công trong khu vực, theo AP, là không bình thường vì số lượng tàu sân bay hạn chế và thực tế là chúng thường phải thay nhau sửa chữa, thăm cảng, huấn luyện hoặc triển khai đến các nơi khác trên thế giới.
Tuy nhiên, trong tuần này, các chỉ huy của Hải quân Mỹ cho biết họ có thể tận dụng thời gian, đặc biệt là trong giai đoạn cạnh tranh quyền lực lớn với Trung Quốc.
Chiến lược quốc phòng của Mỹ coi Trung Quốc là mối quan tâm an ninh hàng đầu, và các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc đã nỗ lực chuyển nhiều tài nguyên và tài sản quân sự sang khu vực Thái Bình Dương để chống lại những gì họ thấy là ảnh hưởng kinh tế và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.
“Khả năng hiện diện một cách mạnh mẽ là một phần của cuộc cạnh tranh. Và như tôi luôn nói với các bạn của mình ở đây, bạn phải có mặt để giành chiến thắng khi thi đấu”, Chuẩn đô đốc Stephen Koehler, phụ trách tác chiến tại Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Mỹ nói.
NÓNG: Iran đánh thiệt hại nặng “tàu sân bay Mỹ”, căng thẳng tăng vọt – Diệt mục tiêu giả NÓNG: Iran tố Mỹ thực sự ra tay với các tàu dầu tới Venezuela, kết quả bất ngờ? TT Putin ra thông điệp cực rắn: Đừng động vào Syria – NATO họp khẩn – Lộ nghĩa địa siêu tăng Mỹ
“Các nhóm tàu sân bay là những biểu tượng phi thường của sức mạnh hải quân Mỹ. Tôi thực sự rất phấn khích vì hiện tại chúng tôi có ba tàu trong số chúng”.
Phát biểu với AP từ văn phòng ở Hawaii, ông Koehler nói Trung Quốc đang dần xây dựng các tiền đồn quân sự ở Biển Đông một cách có phương pháp, đặt các hệ thống tác chiến tên lửa và điện tử lên đó.
Mỹ và các đồng minh và đối tác khác trong khu vực đã tăng cường các hoạt động gần các đảo nhân tạo để cố gắng làm giảm sự phát triển của Trung Quốc, nhưng không có biện pháp nào thực sự phát huy tác dụng.
Koehler nói rằng gần đây nhất Trung Quốc đã triển khai máy bay trái phép tới Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa và hiện đang vận hành chúng từ đó.
Anh Minh/TP