+
Aa
-
like
comment

Vì sao Hà Nội vay lại 2.300 tỷ vận hành đường sắt Cát Linh?

08/07/2019 19:34

Hà Nội sẽ vay lại số tiền tương đương 2.300 tỷ từ tổng số vốn vay ODA của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đây là phần kinh phí để khai thác, vận hành dự án.

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND Hà Nội sáng 8/7, UBND thành phố đã trình HĐND xem xét báo cáo phương án vay lại vốn thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Kết quả, đa số đại biểu có mặt thống nhất với phương án này.

Theo đó, Hà Nội sẽ vay lại 98,35 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng) từ tổng số vốn vay ODA của dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông. Đây là phần kinh phí để khai thác, vận hành dự án.

Dự án Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư đã điều chỉnh là hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là hơn 13.800 tỷ đồng, tương đương 669,62 triệu USD.

Theo cơ chế tài chính trong nước được Thủ tướng phê duyệt, phần chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án với giá trị 577,1 triệu USD áp dụng cơ chế ngân sách Nhà nước cấp phát vốn vay nước ngoài.

Phần chi phí liên quan trực tiếp đến việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải áp dụng với giá trị 92,52 triệu USD, theo cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài. Đến năm 2016, con số này tăng lên là 98,35 triệu USD.

UBND Hà Nội có trách nhiệm tiếp nhận khoản vay 98,35 triệu USD này với hạn trả cuối cùng vào tháng tháng 9/2032. Lãi suất cho vay lại là 4%/năm.

Vi sao Ha Noi vay lai 98 trieu USD van hanh duong sat Cat Linh? hinh anh 1
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền. Ảnh: Ngọc Tân.

Báo cáo tóm tắt về phương án vay lại, Phó chủ tịch HĐND Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh nguyên tắc địa phương nào thụ hưởng dự án thì có trách nhiệm trả nợ nguồn vay ODA theo Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công.

Theo bà Hà, khoản vay này đã được Chính phủ chỉ đạo, không làm vượt hạn mức dư nợ hàng năm và cũng không tính vào bội chi ngân sách TP năm 2019.

Làm rõ thêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Nguyễn Mạnh Quyền giải thích, Hà Nội là địa phương tự chủ ngân sách. Theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Tài sản công, địa phương nào được hưởng thụ công trình được đầu tư bằng vốn vay ODA thì địa phương đó có trách nhiệm trả nợ ODA.

Vì thế các khoản vay để chi phí vận hành dự án sẽ được bàn giao lại cho Hà Nội để thành phố có trách nhiệm trả nợ cho ngân sách Trung ương.

Ông Quyền cũng thông tin thời điểm nhận nợ là lúc Bộ Giao thông Vận tải bàn giao dự án cho Hà Nội và dự án chính thức đi vào hoạt động.

(Theo Zing News)

Bài mới
Đọc nhiều