+
Aa
-
like
comment

Vì sao GDP 6 tháng tăng 5,64% bất chấp dịch bệnh?

30/06/2021 15:06

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, khu vực nông, lâm, thủy sản có mức tăng trưởng khá.

Vi sao bat chap dich benh, kinh te 6 thang van tang truong tot? anh 1

Tổng cục Thống kê cho biết GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Con số 5,64% được đánh giá là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chỉ ra trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.

Đại diện cơ quan thống kê nhìn nhận ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm với tốc độ tăng 11,42%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG GDP 6 THÁNG ĐẦU NĂM GIAI ĐOẠN 2011-2021

 

Điểm sáng công nghiệp chế biến, chế tạo

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 9,13% của 6 tháng đầu năm 2019 nhưng cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 3,01 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm.

Ngành khai khoáng giảm 6,61%, làm giảm 0,25 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 7,3% và khí đốt tự nhiên giảm 12,5%. Ngành xây dựng tăng 5,59%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 4,54% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2014-2021, đóng góp 0,37 điểm phần trăm.

Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất lúa đông xuân 6 tháng đầu năm tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá.

Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 4,24% của 6 tháng đầu năm 2011 trong giai đoạn 2011-2021, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,98% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,25%, cao hơn mức tăng 2,42% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 0,11 điểm phần trăm.

NHỮNG LĨNH VỰC ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC NHẤT CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ 6 THÁNG ĐẦU NĂM

Trong khu vực dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng chống dịch bệnh. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011-2021.

Cụ thể, bán buôn và bán lẻ tăng 5,63% so với cùng kỳ năm trước, là ngành đóng góp lớn nhất của khu vực dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,57 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%, đóng góp 0,49 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 0,39%, làm giảm 0,02 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 5,02%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%; khu vực dịch vụ chiếm 41,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là 14,16%; 33,51%; 41,99%; 10,34%).

Khó đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%/năm

Tổng cục Thống kê nhìn nhận dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

Việc bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực do sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt và rất sát sao của Chính phủ, Thủ tướng và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Các cơ quan, cả Trung ương và địa phương đã thực hiện tốt, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, thành lập Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vaccine, tiêm phòng miễn phí cho người dân nhằm quyết tâm đạt mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2021 cao nhất có thể.

Tuy nhiên, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, thừa nhận việc đạt được tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay mà Chính phủ đặt ra là rất khó khăn do tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,64%. Như vậy, muốn hoàn thành mục tiêu, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm phải là 7,2%.

Trong khi đó, dịch Covid-19 đang tấn công trực tiếp vào các lĩnh vực, địa bàn tăng trưởng của đất nước, đặc biệt là vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt dịch, gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất, xuất khẩu.

Điểm tích cực là các nền kinh tế, đối tác thương mại đầu tư lớn của Việt Nam đang có mức phục hồi nhanh. Điều này tạo thuận lợi về thị trường đầu vào, đầu ra cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong nước, thúc đẩy xuất khẩu và phát triển kinh tế.

“Trong bối cảnh hiện nay, việc kiểm soát dịch Covid-19 là yếu tố quan trọng, đóng vai trò quyết định tới ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế”, ông Hiếu khẳng định.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thống kê, dù khó đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% cả năm, Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Văn Hưng

Bài mới
Đọc nhiều