+
Aa
-
like
comment

Vì sao F0 ở Hà Nội liên tục tăng cao, lập đỉnh?

26/12/2021 15:30

Những ngày qua, thông tin từ Bộ Y tế cho thấy số ca F0 tại Hà Nội tăng cao và liên tục đứng đầu cả nước. Tại sao lại như vậy? Hà Nội sẽ có phương án gì để ngăn tình hình dịch bệnh lây lan?

7 ngày liên tiếp từ 19-12 đến 25-12, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 11.869 ca COVID-19 – Ảnh: NAM TRẦN

Mầm bệnh đã ở trong cộng đồng

Theo bà Trần Thị Nhị Hà – giám đốc Sở Y tế Hà Nội – nguyên nhân số ca COVID-19 liên tục tăng cao là do mầm bệnh đã ở trong cộng đồng, các hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh trở lại sau giai đoạn giãn cách.

Ngoài ra, theo bà Hà, khí hậu mùa đông – xuân cũng là điều kiện thuận lợi để virus phát triển, đặc biệt là tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân khi đã tiêm vắc xin.

“TP đang thực hiện theo tinh thần nghị quyết 128 của Chính phủ, đã có giải pháp cụ thể như các quận, huyện đánh giá cấp độ dịch hằng tuần, có biện pháp hành chính tương ứng cho hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn.

Ngành y tế tiếp tục truy vết, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm, cách ly hẹp nhất có thể. Tuyến y tế cơ sở tập trung chăm sóc người dân, giải tỏa cho tuyến trên. TP đang chủ động trong phòng chống dịch bệnh”, bà Hà nói.

Ca chuyển nặng tăng

Đến sáng 26-12, số chuyển nặng tại Hà Nội trên 330 ca, tăng hơn ngày 25-12 trên 40 ca, số ca tử vong cũng đang trong xu hướng tăng, cao điểm nhất là ngày 20-12 ghi nhận tới 8 ca tử vong, trong khi trước đây nhiều ngày Hà Nội không có ca tử vong.

Theo số liệu của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Hà Nội ghi nhận 108 ca tử vong từ đầu mùa dịch, chiếm tỉ lệ 0,3% trên số mắc, thấp hơn nhiều tỉnh thành, trong khi Hà Nội đang ở trong nhóm 10 tỉnh thành có số mắc mới, số đang điều trị, số ca chuyển nặng cao nhất cả nước.

“Từ tháng 10 đến nay áp dụng bình thường mới, đi lại, kinh doanh tự do, trong khi chủng Delta lây nhiễm cao, tỉ lệ người dân được tiêm vắc xin cao hơn nhưng tỉ lệ được bảo vệ chỉ được 90%, số 10% vẫn có nguy cơ lây nhiễm” – chuyên gia của Bộ Y tế cho biết.

Một nguyên nhân nữa khiến số ca mắc tăng cao, theo chuyên gia này, Hà Nội là đầu mối giao thông, người đi/đến Hà Nội nhiều.

Chuyên gia này đánh giá điểm quan trọng hiện nay ở Hà Nội là đánh giá số mắc trong nhóm nguy cơ cao và nhóm chưa tiêm vắc xin, nếu số mắc đông trong nhóm nguy cơ cao thì đáng lo ngại hơn.

“Chiến lược hiện nay vẫn là giảm lây nhiễm và bảo vệ nhóm nguy cơ” – ông Phan Trọng Lân, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo.

Cấp thêm thuốc điều trị F0 

Hàng quán ở một số quận huyện chỉ bán mang về – Ảnh: PHẠM TUẤN

Trong ngày 25-12, UBND TP Hà Nội thông báo cấp độ dịch trên địa bàn, trong đó nhiều quận chuyển sang ‘vùng cam’ do ghi nhận số lượng lớn ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Theo đó, toàn Hà Nội được xác định thuộc cấp độ 2 nhưng đã có 8 quận cấp độ 3 như: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ. Hiện “vùng xanh” duy nhất của thủ đô là huyện Phúc Thọ.

Sau khi xác định dịch ở cấp độ 3 (màu cam), các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ đã điều chỉnh biện pháp chống dịch, dừng ăn uống tại chỗ. Trước đó, quận Đống Đa và Hai Bà Trưng cũng thắt chặt các biện pháp trên.

6 quận gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm và Tây Hồ quyết định cho học sinh ngừng đến trường từ ngày 27-12 do dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trước đó, Hà Nội có quận Hai Bà Trưng và Đống Đa cũng chuyển từ “vàng” sang “cam”, học sinh phải ngừng đến trường.

Về điều trị F0 tại nhà, với ca COVID-19 tại Hà Nội liên tục tăng cao, không ít bệnh nhân loay hoay tìm cách điều trị tại nhà khi chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời của y tế địa phương.

Theo UBND TP Hà Nội, số lượng thuốc điều trị mà Bộ Y tế cung cấp cho Hà Nội chỉ đáp ứng được một phần và trong thời gian ngắn. UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm thuốc điều trị kháng COVID-19 cho TP.

Đến tối 23-12, Sở Y tế TP cho biết Bộ Y tế đã cấp thêm cho Hà Nội 200.000 viên thuốc Molnupiravir 200mg và yêu cầu khẩn trương cấp phát cho các F0 đủ điều kiện.

Phải hết sức bình tĩnh

Trao đổi với PV sáng 26-12, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí – chủ tịch Hội Huyết học truyền máu Việt Nam – cho biết khi chúng ta bước qua giai đoạn sống chung với dịch bệnh thì số ca nhiễm mới tăng là điều tất yếu.

Ông khuyến cáo người dân hết sức bình tĩnh, không hoảng loạn, bởi số ca nhiễm tăng là xu hướng chung của tình hình dịch COVID-19 thế giới.

“TP nên đặc biệt quan tâm tới các trường hợp F0 quản lý tại nhà, không bỏ rơi họ, phải hướng dẫn, sát sao điều trị, quản lý, động viên để các F0 không chuyển nặng”, ông Trí nói thêm.

Hà Nội đã ghi nhận hơn 37.000 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó xấp xỉ 50% đã khỏi. Theo Bộ Y tế, trong ngày 25-12, Hà Nội có 5 ca tử vong vì COVID-19.

Hơn 94% dân số trên 18 tuổi và trên 70,1% tổng dân số của TP đã tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19; trên 83% dân số trên 18 tuổi tiêm mũi 2; TP cũng đã triển khai tiêm bao phủ vắc xin mũi 1 cho 92,2% trẻ em từ 15-17 tuổi và 41,4% cho trẻ em 12-14 tuổi.

Mai Anh

Bài mới
Đọc nhiều