+
Aa
-
like
comment

Vì sao đợt dịch này nguy hiểm hơn lần bùng phát Covid-19 ở Đà Nẵng?

01/02/2021 22:18

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho rằng tỷ lệ ca F1 chuyển sang F0 tăng lên rõ rệt do chủng virus mới nguy hiểm hơn, thời gian phát bệnh ngắn hơn.

Báo cáo tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 1/2, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho hay đến nay, cơ quan này đã ghi nhận 19 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Trong đó có 4 trường hợp chưa được Bộ Y tế công bố, gồm 2 ca ở Mê Linh là F1 của bệnh nhân 1725, ca ở Đông Anh là công nhân nhà máy Z153 và ca ở Nam Từ Liêm là F1 của bệnh nhân 1814.

Tỷ lệ lây nhiễm 5%Cơ quan y tế ghi nhận 72 trường hợp F1 là người Hà Nội liên quan đến các ổ dịch trên cả nước. Những người này đã được lấy mẫu, trong đó có 3 trường hợp dương tính, còn lại âm tính với SARS-CoV-2.

Đến nay, Hà Nội có 19 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, CDC đã xác minh được 432 người tiếp xúc gần, tất cả đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm; trong đó, 368 mẫu có kết quả âm tính lần 1.

Nhận định về tình hình dịch, ông Hoàng Đức Hạnh bày tỏ quan ngại khi tỷ lệ các ca dương tính trên số lượng xét nghiệm cao hơn so với các giai đoạn trước. Trong 4 ngày, Hà Nội ghi nhận thêm 14 trường hợp, số người F1 chuyển sang F0 tăng nhanh.

ca mac Covid-19 Ha Noi, so ca mac Covid-19 anh 1
Hà Nội ghi nhận 19 trường hợp mắc Covid-19. Ảnh: Hồng Quang.

“Kết quả xét nghiệm 400 trường hợp F1, có 19 ca dương tính, tỷ lệ khoảng 5%. Thời gian từ khi tiếp xúc đến khởi phát cũng rất nhanh, chỉ 2-3 ngày, hệ số lây nhiễm rất cao”, ông Hạnh nói và cho biết nếu để lọt chỉ một ca F0 trong 7 ngày, có thể lây lan đến 300 người.

Cũng theo ông Hạnh, đợt dịch lần này có nhiều yếu tố nguy hiểm hơn lúc dịch bùng phát ở Đà Nẵng năm ngoái. Ở đợt dịch trước, TP xét nghiệm sàng lọc 75.000-80.000 người chỉ có 2-3 trường hợp dương tính.

“Trong khi hiện nay, mới làm 14.000 xét nghiệm đã có tới 5 trường hợp dương tính. Tình hình lây nhiễm của đợt này khác hẳn, có thể nói rất nghiêm trọng. Dịch lây nhanh, các bệnh nhân này đi lại rất phức tạp”, ông Hạnh nói thêm.

Ông Hạnh đề nghị các đơn vị tăng cường công tác truy vết, xét nghiệm, đặc biệt là trường hợp F1. Ông cho rằng mức độ rủi ro đối với các ca F2 cao hơn rất nhiều so với trước, nên Hà Nội có thể tính đến quản lý chặt trường hợp F3.

Về công tác xét nghiệm, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết CDC Hà Nội có thể xét nghiệm 3.000 mẫu/ngày, các bệnh viện trên địa bàn có thể hỗ trợ 2.300 mẫu/ngày. TP sẽ huy động thêm các bệnh viện để tăng cường năng lực xét nghiệm những ngày tới.

29 F1 chưa được cách ly tập trungÔng Nguyễn Huy Cường, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, cho biết trên địa bàn có 10 trường hợp F0, số trường hợp F1 là 122, trong đó có 5 trường hợp nghi ngờ cao. Đáng chú ý, ông cho biết 29 người chưa được đưa đi cách ly tập trung do khó khăn về cơ sở cách ly.

Đề cập đến ca bệnh ở phường Xuân Phương, đặc biệt là cháu bé mắc Covid-19 học lớp 3 ở trường Tiểu học Xuân Phương, ông Cường cho biết đây là trường hợp đặc biệt và phức tạp do bệnh nhân tiếp xúc nhiều người.

“Tình huống đặc biệt này đòi hỏi phải thành lập khu cách ly, sau khi xin ý kiến cơ quan chuyên môn, quận đã tổ chức khu cách ly tập trung tại trường. Hiện, 128 trường hợp F1 được cách ly tại đây”, ông Cường thông tin.

Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm và CDC đã lấy mẫu, xét nghiệm cho các học sinh đang cách ly ở đây, toàn bộ đã âm tính lần 1. Bên cạnh đó, quận cũng cố gắng đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, an toàn cho học sinh.

Ngoài ra, ông Cường cũng cho biết liên quan đến 3 ca dương tính tại phường Mỹ Đình 2, quận đã xác định được 7 trường hợp F1 và đã lấy mẫu xét nghiệm, chuyển những người này đến nơi cách ly theo quy định.

Chia sẻ với Zing chiều 1/2, tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết sau 24 giờ chạy mẫu liên tục, nhóm nghiên cứu Covid-19 do ông làm đại diện đã xác định kết quả giải trình tự gene của bệnh nhân mới mắc Covid-19 tại TP.HCM. Kết quả cho thấy bệnh nhân này nhiễm virus SARS-CoV-2 biến chủng B117.

Trước đó, nhóm nghiên cứu Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cùng với chuyên gia sinh học phân tử của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (Anh) do tiến sĩ Lê Văn Tấn đại diện đã giải trình tự gene từ mẫu bệnh phẩm phết hầu họng của bệnh nhân 1660, 28 tuổi, có địa chỉ thường trú tại tỉnh Hải Dương và tiếp xúc BN1612 (Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Kết quả phân tích đột biến bằng phần mềm CoV-GLUE cho thấy bộ gene của chủng virus này thu nhận từ BN1660 mang 17 đột biến tiêu biểu của biến chủng B117.

Biến chủng này được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây. Đây cũng là biến chủng đang gây nên sự bùng phát mạnh của đại dịch Covid-19 ở Anh cũng như các nước châu Âu. Tiến sĩ Châu nhận định kết hợp với yếu tố dịch tễ liên quan, nhiều khả năng ổ dịch ở Hải Dương là do biến chủng gây ra.

Bệnh nhân 1660 là trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 được ghi nhận tại TP.HCM có liên quan ổ dịch tại Hải Dương.

Sơn Hà/Zing 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều