Vì sao doanh nhân làm đại biểu Quốc hội như ông Phạm Phú Quốc lại có 2 quốc tịch?
Câu chuyện doanh nhân làm đại biểu Quốc hội có 2 quốc tịch như ông Phạm Phú Quốc bị phát hiện không phải là lần đầu. Nhưng câu hỏi đặt ra, tại sao một doanh nhân trở thành đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói cử tri cả nước lại mang thêm một quốc tịch nữa?
Liên quan đến việc đại biểu Phạm Phú Quốc thừa nhận ông có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018 nhưng do gia đình bảo lãnh chứ không phải ông “mua” quốc tịch như thông tin công bố từ hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar). Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, khi sự việc được công bố ông Quốc mới thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo theo đúng quy định về việc này cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Điều đáng nói ở đây, dù bản thân đã có quốc tịch thứ 2 từ lâu, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, khi sự việc được công bố ông Quốc mới thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo theo đúng quy định về việc này cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trao đổi với PV về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, với Đại biểu Quốc hội thì sự việc trên vi phạm rất nghiêm, vì quy định ĐBQH phải là công dân Việt Nam, trong khi đó ông Phạm Phú Quốc khi có quốc tịch thứ 2 không tiến hành báo cáo cho cơ quan liên quan.
Trước ông Phạm Phú Quốc cũng có ĐBQH khác vướng lùm xùm mang hai quốc tịch là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ĐBQH khoá XIII trúng cử khoá XIV thuộc khối doanh nhân. Bà Hường bị phát hiện mang 2 quốc tịch Việt Nam và Malta. Sau đó, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết bãi miễn đại biểu HĐND TP. Hà Nội đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
“Đối với ông Phạm Phú Quốc, nếu cơ quan có thẩm quyền xác minh sự việc đúng như ông thừa nhận, tôi nghĩ ông Quốc có lẽ cũng sẽ bị thôi ĐBQH. Bên cạnh đó, sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có vi phạm thêm pháp luật Việt Nam”, ông Doanh cho hay.
Câu chuyện đặt ra với ông Phạm Phú Quốc hay bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường lại là câu chuyện doanh nhân có liên quan đến chính trị. Là doanh nhân, hoạt động đầu tư ra nước ngoài được chính sách khuyến khích bởi điều này mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước. Nhưng đại biểu quốc hội lại là người đại diện cho tiếng nói cử tri cả nước nên mỗi hành động đều phải đại diện cho lợi ích của cử tri, đất nước.
Theo ông Doanh, về mặt kinh tế, khó để xác định được việc ĐBQH cũng là doanh nhân điều hành doanh nghiệp có quốc tịch thứ 2 gây thất thoát tiền của về mặt tiền thuế nhà nước. Điều này, phải chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
“Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra về mặt tổ chức vì sao lại để tồn tại sơ hở nghiêm trong như vậy? Bên cạnh đó, hoạt động của ông Phạm Phú Quốc trong quá trình làm ĐBQH đã đóng góp được những gì?”, Ông Doanh nói .
Cũng liên quan đến sự việc này, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy cho biết, ông chưa nhận được báo cáo chính thức về việc sở hữu 2 quốc tịch của đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM), mà mới tiếp nhận thông tin qua báo chí và mạng xã hội.
“Tôi có đọc báo, thấy đại biểu Phạm Phú Quốc xác nhận việc có 2 quốc tịch. Tôi đã chỉ đạo cơ quan giúp việc của Ban Công tác đại biểu xác minh thông tin này”, ông Túy nói.
Người Việt cần bao nhiêu tiền để nhập quốc tịch “thiên đường thuế” đảo Síp?Đọc ngay
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, để xử lý việc này, trước hết, cơ quan quản lý hộ chiếu phải có thông tin chính thức để xác định đại biểu Phạm Phú Quốc có 2 hộ chiếu hay không.
Trên cơ sở đó, Ban Công tác đại biểu mới đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM phát biểu quan điểm vì Mặt trận là cơ quan tổ chức hiệp thương để giới thiệu ông Quốc cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, năm 2016.
Sau quy trình xác minh, lấy ý kiến các cơ quan liên quan này, toàn bộ hồ sơ sẽ được trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Trước đó, ngày 25/8, Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đang xác minh tính xác thực về việc Hãng thông tấn Al-Jazeera ngày 24/8 đưa tin, Quốc đảo Síp (Cyprus) đang bán quyền công dân cho nhiều nhân vật chính trị và những tội phạm bị truy nã. Đáng chú ý, trong danh sách này có tên ông Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc đoàn đại biểu TP. HCM.
Theo trao đổi của đại biểu Phạm Phú Quốc với báo chí thì ông đã có quốc tịch Cộng hoà Síp từ giữa năm 2018. Nhưng quốc tịch này do gia đình ông bảo lãnh, thông tin về việc ông mua quốc tịch thứ hai là không chính xác.
Tại một số quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, công dân nước này có quyền hợp pháp được nộp đơn xin thường trú hoặc nhập quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên, một khi công dân đó nhập quốc tịch nước ngoài, điều này đồng nghĩa với việc họ tự động mất toàn quyền công dân Trung Quốc, do Bắc Kinh hiện không công nhận chế độ hai quốc tịch.
Do đó, các doanh nhân giàu có tại Trung Quốc, thường kiêm nhiệm vai trò trong các cơ quan lập pháp địa phương hoặc ủy ban tham vấn chính trị; có thể bị tước ngay tư cách thành viên nếu bị phát hiện mang quốc tịch nước ngoài hoặc không khai báo cư trú tại nước ngoài.
Chính phủ Trung Quốc có những quy định đặc biệt nghiêm ngặt với nhân viên các cơ quan chính phủ và tổ chức công cũng như các giám đốc điều hành, người lãnh đạo tại doanh nghiệp nhà nước. Một luật mới được Bắc Kinh ban hành, có hiệu lực từ tháng 7/2020 quy định cán bộ làm việc trong lĩnh vực công có thể bị sa thải nếu bị phát hiện có quốc tịch nước ngoài hoặc không khai báo thường trú tại nước ngoài.
(Theo DV)