+
Aa
-
like
comment

Vì sao đến thời điểm này mới bắt Nguyễn Kim Chung Thái tội đồng phạm hành hạ người khác?

31/12/2021 08:38

Tin mới nhất, đêm qua 30/12, các cơ quan chức năng đã tiến hành thủ tục bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Kim Chung Thái – là bố đẻ của cháu bé 8 tuổi bị hành hạ đến tử vong. Đặc biệt, theo thông tin mà báo chí đăng tải thì Thái bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi đồng phạm, giúp sức trong vụ án “hành hạ người khác” mà cơ quan tố tụng đã khởi tố trước đó.

Nếu khởi tối vụ án với tội danh “giết người” hoặc “cố ý gây thương tích” thì chỉ có duy nhất đối tượng Võ Nguyễn Quỳnh Trang bị xử lý. Cơ quan chức năng chỉ có thể khởi tố, điều tra và xử lý được những hành vi phạm tội liên quan đến duy nhất vụ việc khiến cháu bé bị tử vong, tức là vụ việc xảy ra ngày 22/12. Vì khi xảy ra sự việc này đối tượng Thái không có mặt ở nhà, không biết sự việc nên không thể bị xử lý vì bất cứ lỗi gì. Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì không phải, đồng phạm giúp sức cũng càng không thể. Tuy nhiên, nếu khởi tố về tội “hành hạ người khác” thì lại khác – có thể điều tra vụ việc theo diễn biến cả một quá trình dài và chính Thái cũng đã thừa nhận rằng có biết việc con gái mình bị Trang đánh nhiều lần. Thậm chí, nếu có căn cứ Thái đồng tình, ủng hộ Trang “dạy dỗ” cháu bé bằng đòn roi dã man thì yếu tố đồng phạm trong các hành vi hành hạ cháu bé càng rõ ràng và tội sẽ càng nặng.

Bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang và các dấu tích của vụ bạo hành – Ảnh: Công an cung cấp trên báo Tuổi trẻ

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành (Điều 140 BLHS) thì tội “Hành hạ người khác” không có khung xử lý đối với trường hợp gây hậu quả chết người và mức hình phạt nặng nhất đối với tội danh này chỉ là 2 năm tù giam. Vậy nên, với những tình tiết được đăng tải qua báo chí, truyền thông – nếu tách hành vi phạm tội của các đối tượng ra để khởi tố, điều tra và xử lý về 2 tội danh khác nhau thì tính răn đe sẽ cao hơn. Theo đó:

– Đối tượng Võ Nguyễn Quỳnh Trang cần phải bị khởi tố về 2 tội danh là “hành hạ người khác” và “cố ý gây thương tích”. Tội danh “hành hạ người khác” là đối với các hành vi đánh đập, hành hạ cháu bé trong thời gian dài trước khi xảy ra sự việc dẫn đến cái chết của cháu bé hôm 22/12; Tội danh “cố ý gây thương tích” là đối với riêng các hành vi đánh đập gây thương tích dẫn đến cái chết của cháu bé. Kết quả giải phẫu tử thi cho thấy cháu bé bị gãy 3 xương sườn, phù phổi. Đây là những dấu vết rất quan trọng làm cơ sở để cơ quan điều tra đấu tranh với đối tượng Trang để mang lại công bằng cho cháu bé.Việc khởi tố tách biệt 2 tội danh này là hoàn toàn có căn cứ theo quy định của Pháp luật. Riêng với tội danh “cố ý gây thương tích” với tình tiết tăng nặng là gây hậu quả chết người thì mức hình phạt cao nhất được quy định tại khoản 5 Điều 134 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là từ 10 đến 15 năm tù giam. Mức án này đủ sức răn đe, trừng phạt đối với đối tượng phạm tội.

– Đối với đối tượng Nguyễn Kim Chung Thái: Không thể khởi tố, điều tra và xử lý đối tượng này liên quan đến vụ việc dẫn đến cái chết của cháu bé vì đối tượng không biết, không tham gia bàn bạc, chuẩn bị hay giúp sức gì với đối tượng Võ Nguyễn Quỳnh Trang khi đối tượng này đáng đập cháu bé ngày 22/12. Tuy nhiên, với việc đối tượng biết việc cháu bé bị người tình của mình đánh đập nhiều lần trong thời gian dài nhưng không có thái độ và hành động ngăn chặn thậm chí là đồng tình với việc “dạy dỗ” con mình như thế thì Nguyễn Kim Chung Thái hoàn toàn đủ điều kiện để bị khởi tố và xử lý về tội danh “hành hạ người khác” với vai trò đồng phạm, giúp sức. Qua báo chí thông tin, thì chính Thái cũng đã từng chở con gái đi khâu vết thương, đây là một tình tiết rất đáng lưu tâm.

Tại sao tới bây giờ mới bắt Nguyễn Kim Chung Thái? Mặc dù, dư luận rất phẫn nộ không thể nào chấp nhận được việc cha ruột mà lại để người tình hành hạ con mình đến vậy. Nhưng đấy là cảm xúc còn về pháp luật thì để có thể bắt được Thái cơ quan chức năng phải có cơ sở, có bằng chứng. Và cho đến thời điểm hiện tại đã bắt được Thái có thể là do cơ quan điều tra đã thu thập đầy đủ bằng chứng, đặc biệt là từ lời khai của đối tượng Trang.

Mới đây, Phó Thủ tưởng đã chỉ đạo rõ không để lọt tội phạm trong vụ án, tin chắc rằng, chỉ nay mai đây những kẻ thủ ác, là người nhưng lòng dạ ác thú sẽ phải đền tội. Để trả lại công bằng cho bé A. và cả những nỗi đau xé lòng mà người mẹ ruột bé đang phải gánh chịu.

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 9617/VPCP-NC ngày 30/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về xử lý hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em.

Văn bản nêu rõ: Những ngày qua, các phương tiện thông tin, truyền thông đăng nhiều tin, bài phản ánh vụ việc cháu bé 8 tuổi, trú tại Phường 22 (quận Bình Thạnh, TPHCM) bị hành hạ dẫn đến tử vong, gây bức xúc dư luận; Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giữ đối tượng có liên quan.

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau:

1. Bộ Công an, UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.

2. Các Bộ: Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị: số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, số 08/CT-TTg ngày 4/2/2020 đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình, số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, bạo lực học đường..; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử lý các vụ hành hạ, xâm hại trẻ em.

3. Đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ đạo tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; xử lý nghiêm minh các vụ án có liên quan đến hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

4. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội lên án mạnh mẽ, kịp thời phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác các hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em; tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em.

5. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình đề cao trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ trẻ em.

Hạnh Nhân

Bài mới
Đọc nhiều