+
Aa
-
like
comment

Vì sao đề xuất chỉ cho rút 50% bảo hiểm xã hội một lần?

Bích Vân - 26/10/2023 09:19

Ban soạn thảo đã tính toán 8% tiền lương lao động đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất gần bằng 50% mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định hiện hành.

Đánh giá chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là vấn đề nhạy cảm, tác động lâu dài đến an sinh, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án giải quyết trong hồ sơ Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Phương án một, phân loại hai nhóm lao động để giải quyết hưởng một lần. Người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) được rút một lần nếu sau 12 tháng nghỉ việc mà có nhu cầu. Nhóm còn lại bắt đầu đi làm và đóng BHXH từ sau 1/7/2025 sẽ không được rút, trừ trường hợp theo quy định.

Phương án hai, lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ.

Lý giải đề xuất cho rút 50% tổng thời gian tham gia BHXH, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết Ban soạn thảo đã phân tích số lao động rời lưới an sinh giai đoạn 2016-2022 cho thấy gần 80% ở độ tuổi 20-40 có nhu cầu cấp bách về tài chính. Việc cho rút 50% sẽ giải quyết cùng lúc hai bài toán đảm bảo quyền lợi rút bảo hiểm của lao động và vẫn bảo lưu được hưu trí về sau.

Về mức 50% mà không phải cao hơn hay thấp hơn, Ban soạn thảo nhận thấy rút cao hơn thì phần bảo lưu không đáng kể, lương hưu sau này sẽ thấp; rút thấp hơn lao động sẽ phản ứng bởi khoản tiền nhỏ không đủ giải quyết nhu cầu cấp bách.

Có ý kiến đề xuất hạn chế rút BHXH một lần theo hướng chỉ giải quyết dựa trên 8% tiền đóng BHXH của lao động vào Quỹ Hưu trí tử tuất (doanh nghiệp đóng 14%). Ông Cường phân tích quy định thế sẽ bất cập bởi tỷ lệ đóng vào quỹ mỗi thời kỳ khác nhau, trước năm 2010 là 5%, sau đó tăng dần lên 8% như hiện nay.

Ngoài ra, không phải toàn bộ lao động tham gia BHXH đều đóng 8%. Có nhóm đóng toàn bộ 22% vào quỹ như người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người hưởng chế độ phu nhân, phu quân, người đóng BHXH tự nguyện; có nhóm được cơ quan đóng 22% như hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên của lực lượng vũ trang nhân dân.

Bộ phận kỹ thuật đã thử tính toán nếu cho rút 8% phần đóng của lao động thì sẽ bằng 0,96 bình quân tiền lương tháng đóng BHXH với mỗi năm tham gia, tức bằng 48% mức hưởng một lần theo quy định hiện nay. Luật hiện quy định mức hưởng một lần bằng hai tháng bình quân tiền lương đóng BHXH cho mỗi năm tham gia.

Về mặt kỹ thuật, ông Cương cho rằng quy định cho rút 50% như dự thảo hợp lý hơn, để lao động không phải thắc mắc phần 14% doanh nghiệp đóng dẫn đến tranh luận đó có phải tiền đóng của chủ sử dụng hay không.

Về hướng giải quyết chế độ 50% tổng thời gian đóng BHXH bảo lưu trong hệ thống, ông Cường lấy ví dụ lao động có 10 năm tham gia BHXH, muốn rút sẽ được giải quyết tối đa 5 năm và phần thời gian này coi như xóa bỏ vì đã hưởng hết quyền lợi. 5 năm còn lại được bảo lưu trong hệ thống, nếu lao động tiếp tục đi làm và đóng BHXH thì được cộng nối tiếp để hưởng đầy đủ chế độ với quyền lợi cao hơn, như thai sản, ốm đau, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp…

Nếu đến tuổi về hưu mà chưa đóng đủ 15 năm BHXH, lao động có thể tiếp tục rút BHXH một lần; tự nguyện đóng một lần cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu; hoặc nhận trợ cấp hàng tháng. Cơ quan soạn thảo đang đề xuất hai phương án tính mức hưởng trợ cấp này đúng bằng khoản tiền họ rút bảo hiểm một lần hoặc tổng tiền đã đóng.

“Dù chọn phương án nào thì về lâu dài quyền lợi lao động đều được tích lũy trong hệ thống để có động lực tiếp tục tham gia lưới an sinh”, ông Cường nói, thêm rằng chính sách cho lao động rút BHXH một lần mang tính lịch sử, kế thừa trong các lần sửa Luật bảo hiểm xã hội. Muốn giảm thiểu làn sóng này cần đặt lộ trình chứ không thể không cho rút ngay vì có thể vấp phải phản ứng xã hội.

Thống kê giai đoạn 2016-2021, khoảng 99% lao động rút một lần sau một năm ngừng đóng và phần lớn làm việc trong doanh nghiệp. Lao động khối tư nhân và FDI chịu áp lực công việc lớn nên thường có tâm lý “nhảy việc”. Họ thường chọn nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc hưởng BHXH một lần trong thời gian tìm kiếm việc làm mới.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều