Vì sao “đại bàng” Singapore lại chọn TP.HCM để tập trung làm tổ?
Singapore hiện là quốc gia có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ kinh doanh tại TP.HCM với mức đầu tư lên tới 14 tỷ USD. Một con số khổng lồ không chỉ góp phần thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa hai quốc gia mà còn chứng tỏ rằng TP.HCM là điểm đến vô cùng tiềm năng của nguồn vốn FDI.
Bên cạnh Hàn Quốc thì Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 4 và là nước đầu tư lớn thứ 2 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Chỉ riêng tại TP.HCM, Singapore là quốc gia có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong số các nước đối tác của thành phố, với hơn 1.557 dự án được triển khai, tổng mức đầu tư gần 13,6 tỷ USD.
Tại đây, các doanh nghiệp Singapore hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, tài chính – ngân hàng, dịch vụ vận tải, dầu khí, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ và dịch vụ hỗ trợ tiện ích, y tế, giáo dục, nhà hàng – khách sạn… Bên cạnh đó, họ không chỉ đến để đầu tư mà còn để giao lưu, kết nối với các doanh nghiệp của thành phố để cùng nhau nâng cao chất lượng dịch vụ và chiến lược kinh doanh.
Bởi vậy, quả không ngoa khi gọi TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước bởi địa phương này sở hữu nguồn vốn FDI khổng lồ, cùng vô số lợi thế làm bàn đạp cho những bước tiến xa hơn. Cụ thể, ưu điểm lớn nhất của TP.HCM chính là nguồn nhân lực dồi dào và có chuyên môn, chất lượng cao.
Không chỉ dừng lại ở việc có số lượng lớn nhân công để phục vụ dây chuyền sản xuất mà lực lượng lao động tri thức trẻ ở thành phố cũng vô cùng đông đảo. Hiện tại, có hơn 4,6 triệu lao động trẻ và đầy nhiệt huyết đang cống hiến không ngừng tại thành phố. Đây là nguồn nhân lực đủ lớn để hỗ trợ thành phố trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ của Việt Nam.
Mặc dù cơ hội đón vốn FDI của Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang ngày càng quyết liệt, nhất là trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế. Do đó, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt.
Để góp phần tăng sức hấp dẫn cho Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong “cuộc đua giành FDI”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã đưa những chỉ đạo kịp thời nằm phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm của thành phố. Nổi bật nhất trong đó có thể kể đến Diễn dàn Kinh tế năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP HCM trong tương lai” được tổ chức tháng 4 vừa qua.
Diễn đàn thu hút 1.000 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành Việt Namm đại diện các cơ quan ngoại giao, địa phương nước ngoài, định chế tài chính quốc tếm chuyên gia kinh tế và kinh tế số cũng như doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Buổi gặp gỡ này chính là cơ hội để TP.HCM lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của các doanh nghiệp đang góp vốn tại địa phương. Lãnh đạo TP.HCM cũng nhân dịp này để tiếp nhận ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước về các lĩnh vực phát triển của thành phố.
Trong Diễn đàn, nhiều ý kiến đã được đưa ra về việc phát triển hơn nữa kinh tế số ở TP.HCM để đẩy nhanh tốc độ phục hồi của địa phương sau một năm bị khủng hoảng trầm trọng do đại dịch Covid-19. Nhằm đạt mục tiêu, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã cho thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hành động chuyển đổi số với mục tiêu hỗ trợ kinh tế số phát triển vượt bậc. Qua đây, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh về việc TP.HCM quyết tâm hình thành nhanh một hệ sinh thái toàn diện nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế hiện đại của thành phố và thu hút thêm nguồn vốn FDI.
Có thể thấy, TP. HCM đang phấn đấu không ngừng nghỉ đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỉ trọng 25% GRDP; đến năm 2030, trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
LS Lê