+
Aa
-
like
comment

Vì sao có đến 6 bệnh nhân nhiễm virus Corona, Thủ tướng mới công bố dịch bệnh?

02/02/2020 11:41

Mặc dù mới có 6 bệnh nhân được xác nhận nhiễm chứng viêm phổi Vũ Hán (viêm phổi cấp do virus corona chủng mới), nhưng ngày 1-2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định công bố dịch, vì sao?

Lần đầu tiên Thủ tướng công bố dịch bệnh, vì sao? - Ảnh 1.

Trao đổi với PV, một chuyên gia có trách nhiệm của Bộ Y tế cho biết thực hiện theo Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm (ban hành năm 2007), việc công bố dịch thực hiện theo 3 mức: Chủ tịch UBND tỉnh, thành công bố dịch, Bộ Y tế công bố dịch và Thủ tướng Chính phủ công bố dịch.

Cơ sở nào để quyết định công bố dịch bệnh?

Riêng trong ngày 31-1, Bộ Y tế đã công bố dịch viêm phổi Vũ Hán tại tỉnh Khánh Hòa và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định công bố dịch viêm phổi cấp do virus corona.

Chuyên gia kể trên cho biết bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo đề nghị của UBND cấp tỉnh và một số bệnh truyền nhiễm nhóm B khi có từ 2 tỉnh, thành phố trở lên công bố dịch. Khi dịch bệnh nhóm A lây lan nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người thì Thủ tướng công bố dịch theo đề nghị của Bộ Y tế.

Cũng theo quy định trong Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm, những bệnh mới xuất hiện, chưa rõ tác nhân gây bệnh, lây truyền nhanh, phát tán rộng, tỉ lệ tử vong cao như bệnh viêm phổi cấp do virus corona thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Tuy nhiên chuyên gia này cho biết kể từ năm 2007 khi có luật này cho đến nay, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ công bố dịch, trong khi trong thời gian này có xảy ra một số vụ dịch mà Tổ chức Y tế thế giới có ban bố tình trạng khẩn cấp (tương tự vụ dịch này), đó là dịch cúm H1N1 – đại dịch năm 2009, bệnh Ebola và bệnh Zika, nhưng chỉ đến dịch viêm phổi Vũ Hán, Thủ tướng Việt Nam mới công bố dịch.

Điều đó cho thấy 2 quy định không dựa trên số mắc, số lây nhiễm, mà tùy theo ảnh hưởng của vụ dịch đó với từng quốc gia. Và với Tổ chức Y tế thế giới, việc ban bố tình trạng khẩn cấp là khi cần sự chung tay chia sẻ chống dịch, cung cấp thông tin trong phạm vi đa quốc gia.

Quá nhiều tin đồn gây hoang mang

Bộ Y tế cho biết hiện bộ đang cập nhật thông tin sau mỗi giờ và cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan báo chí chính thống, trên cơ sở minh bạch thông tin. Tuy nhiên, chỉ trong 3 ngày vừa qua, cơ quan chức năng đã nhiều lần phải cảnh báo đang có nhiều tin giả gây hoang mang liên quan đến dịch bệnh xuất hiện trên mạng xã hội.

Chiều 31-1, Công an TP Thanh Hóa và Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Thanh Hóa xác minh, làm rõ thông tin đăng tải sai sự thật về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona trên tài khoản Facebook cá nhân Hà Thị Việt Trinh (26 tuổi, trú tại P.Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, làm nghề bán hàng online).

Công an xác định ngày 31-1, Hà Thị Việt Trinh đăng tải lên Facebook cá nhân với nội dung: “Đêm nay nhà nước mình phun thuốc ngừa dịch cúm corona trên bầu trời toàn quốc nên mọi người hãy chia sẻ cho nhau. Không nên ra đường trong cung giờ từ 4h – 7h30 sáng mai 1-2-2020 nếu có việc phải ra đường thì nên đeo khẩu trang”. Sau khi đăng tải thông tin trên đã có 143 lượt chia sẻ.

Sáng 1-2, Công an TP Thanh Hóa và Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã mời Lê Thị Mai (34 tuổi, trú xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đến cơ quan Công an TP để làm việc.

Lê Thi Mai (là công nhân Công ty Hồng Mỹ 1 ở Khu công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa) sử dụng Facebook cá nhân có nickname là “thieu gia ho vu” đăng tải, chia sẻ bài viết với nội dung “Lào Cai phát hiện 12 công dân VN nghi nhiễm virus corona mới” và giật tít mang tính chất kêu gọi “Thà đói, ăn ít bữa còn hơn mắc dịch bệnh. Bạn Trung Quốc mới về nước sang, sợ lắm”.

Công an tỉnh Thanh Hóa đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý Mai theo quy định của pháp luật.

Đến chiều 1-2, một cá nhân có tài khoản trên mạng xã hội Facebook đã đăng thông tin “có bệnh nhân nghi ngờ dính virus Vũ Hán đang ở Bệnh viện Vietsovpetro”. Tuy nhiên, đây là thông tin không đúng sự thật.

Cụ thể hơn 17h ngày 1-2, tài khoản Facebook có tên “Phan Lan Hoa” đăng dòng trạng thái với nội dung: “Bà con dân bản Vũng Tàu chú ý. Hiện nay Bệnh viện Vietsovpetro đã có một bệnh nhân nghi nhiễm virus Vũ Hán. Tự bảo trọng mình”.

Sau khi đăng tải, một số người đã bình luận nói rằng nên cẩn thận và có người nói đây là “thông tin không chính xác, đề nghị gỡ bài”. Tài khoản “Phan Lan Hoa” còn trả lời “dở người à, tôi không nói đã nhiễm mà nghi nhiễm”. Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau, tài khoản này đã gỡ đi dòng trạng thái trên.

Công an TP Vũng Tàu đang làm việc với những người liên quan về việc đưa thông tin gây hoang mang nói trên.

* Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa (đã có 6 trường hợp mắc bệnh).

* Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng chống dịch.

LAN ANH – HÀ ĐỒNG – ĐÔNG HÀ/TT

Bài mới
Đọc nhiều