Vì sao chuyến công du tới Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính lại quan trọng?
Việc đẩy mạnh ngoại giao đa phương, làm giàu thêm các mối quan hệ sẽ là cơ hội để Việt Nam vượt qua các thách thức trong bối cảnh thế giới phức tạp với những mâu thuẫn về địa chính trị cùng sự biến động khó lường của nền kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm Mỹ giữa thời điểm tình hình thế giới và Việt Nam đang có nhiều biến động mạnh mẽ. Đại dịch Covid-19 gây nhiều thiệt hại mới vừa tạm lắng và đang để lại những hậu quả sâu sắc cho nền kinh tế toàn cầu, khiến các quốc gia đang phải chật vật ứng phó với những vấn đề như lạm phát, khôi phục sản xuất kinh doanh. Thế nhưng đại dịch này chưa qua thì một cú giáng mới lại tới, cuộc chiến Nga – Ukraine bùng nổ, sự trỗi dậy của Trung Quốc và xoay trục ứng phó của Mỹ gây ra căng thẳng trong khu vực.
Bối cảnh địa chính trị đầy thách thức
Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Putin tuyên bố tiến hành “chiến dịch đặc biệt” tại Ukraine. Từ quy mô nhỏ ban đầu, cuộc chiến này nhanh chóng bùng nổ thành chiến tranh quy mô lớn với tàn phá, chết chóc, trở thành sự kiện đẫm máu nhất ở châu Âu từ sau thế chiến 2. Nhưng nguy hiểm nhất là nó đang trở thành sự kiện có nhiều bên tham gia và bị lôi kéo. Mỹ và đồng minh phương Tây tăng cường trừng phạt kinh tế Nga, cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống trả tới cùng với mục đích làm Nga suy yếu. Nhiều người đã bắt đầu nhắc tới những khái niệm như “chiến tranh ủy nhiệm”, “thế chiến 3”, “chiến tranh hạt nhân”.
Cả thế giới bị lôi kéo tham gia vào cuộc chiến một cách gián tiếp thông qua các Nghị quyết Liên Hợp Quốc do phương Tây khởi xướng. Đây là cuộc so kè quyết liệt về ảnh hưởng chính trị mà qua đó, mỗi lá phiếu đưa ra có thể khiến quốc gia bỏ phiếu phải đối mặt với những hệ lụy nhất định về lâu về dài. Những tác động khác của cuộc chiến là giá năng lượng, lương thực tăng cao, các quan hệ kinh tế bị gián đoạn vì trừng phạt, đẩy đời sống người dân đang phát triển rơi vào suy thoái. Có những quốc gia đã phải đối mặt với tình trạng phá sản như Sri Lanka, những quốc gia khác thì rơi vào vòng xoáy tranh chấp chính trị.
Dường như được “truyền cảm hứng” từ cuộc chiến Nga – Ukraine, nhiều cuộc xung đột vũ trang cũng đang bùng nổ khắp thế giới, như Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến ở Iraq, Israel xung đột với người Palestin, các vụ đánh bom khắp Trung đông. Một mặt trận mới cũng dần được mở ra ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi Mỹ muốn kiềm chế ảnh hưởng đang lên từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mỹ thành lập các liên minh khu vực như “Bộ tứ” gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, Liên minh AUKUS Mỹ – Anh – Australia để tăng cường ảnh hưởng. Về phần mình, siêu cường Trung Quốc trở nên “hung hăng” hơn, theo cách nhận định của Thủ tướng Malaysia, để nhằm phô trương thanh thế. Những khái niệm xung đột từ châu Âu đang được mang sang châu Á, khi Trung Quốc cáo buộc Mỹ và đồng minh muốn thành lập “NATO” phương Đông, còn Mỹ cùng đồng minh Australia cảnh báo Trung Quốc về “lằn ranh đỏ” khi tham gia hiệp ước an ninh với quốc đảo Solomon.
Quan hệ Việt – Mỹ cũng đang đứng trước một thời điểm lịch sử, “lửa thử vàng”. Khi thăm Việt Nam năm 2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris công khai chỉ trích Trung Quốc, mục tiêu hiển nhiên là muốn Việt Nam trở thành đồng minh để kiềm chế siêu cường này. Việt Nam trong khi đó luôn nhấn mạnh mục tiêu trung lập đa phương hóa ngoại giao, “không theo nước này để chống lại nước kia” và vì thế có cách tiếp cận khác với Mỹ trong mọi vấn đề, kể cả là cuộc chiến Nga – Ukraine. Việc này khiến nhiều thế lực chống phá ra sức rêu rao rằng Việt Nam làm phật lòng Mỹ, quan hệ Việt – Mỹ dễ rơi vào bế tắc. Thế nhưng thực tế thì hai nước Việt Nam và Mỹ hiện nay lại đang có cơ hội rất lớn để nâng tầm quan hệ với nhiệt tình và động lực từ cả hai phía.
Việc Việt Nam và Mỹ, hai cựu thù cũ nay trở thành bạn bè, đối tác thân thiện, lại có thể tiếp tục siết chặt quan hệ trong thời buổi khủng hoảng có thể là “bài học” cho cả thế giới. Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, đại sứ Đặng Hoàng Giang từng nói “Chỉ thông qua thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan mới có thể có hòa bình”. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam vốn là một nước trải qua nhiều đau thương do chiến tranh nên hiện tại luôn quyết liệt theo đuổi hòa bình. Thủ tướng Phạm Minh Chính, người luôn nhấn mạnh phong cách ngoại giao “chân thành, thẳng thắn, tình cảm, tin cậy, bình đẳng” với chuyến thăm Mỹ của mình có thể nói rõ cho thế giới về quan điểm lựa chọn chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam, về cách Việt Nam theo đuổi hòa bình thông qua đối thoại, và Việt Nam có thể là người bạn tin cậy ra sao với mọi quốc gia.
Bối cảnh kinh tế nhiều biến động
Đại dịch Covid-19 mới đi qua đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Nhưng khi dịch được kiểm soát, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên, lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và giá cước vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát. Trong khi đó, dịch được kiểm soát khiến nhu cầu giao thương, vui chơi, giải trí tăng cao cũng gây áp lực lên giá cả.
Cuộc chiến Nga – Ukraine bùng nổ cũng “bồi thêm” tác động tới kinh tế. Đây vốn là 2 nước cung cấp năng lượng và lương thực hàng đầu cho thế giới nhưng một nước thì bị chiến tranh tàn phá, nước còn lại thì bị cấm vận kinh tế khiến cho nguồn cung thiếu hụt. Cuộc chiến cấm vận lan sang cả hàng không, vận tải khiến giao thương toàn cầu ngưng trệ. Chiến dịch chống Covid-19 quyết liệt ở Trung Quốc – công xưởng của thế giới cũng tạo ra nhiều bất ổn trong chuỗi cung ứng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 ở Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo và đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1981. Việc này khiến cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ra quyết định mạnh tay là tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhưng đồng thời cũng ngăn chặn nguồn cung tiền vốn đang cần thiết để phục hồi kinh tế.
Trong nước, nguy cơ nhập khẩu lạm phát là khá rõ ràng bởi nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu Việt Nam từ các nước khác là khá lớn. Trong khi đó, khó khăn khác mà Việt Nam đang phải đối diện là nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc cũng bị hạn chế do chính sách “không Covid” của Trung Quốc. Tuy nhiên theo TS. Châu Đình Linh – Giảng viên Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam vẫn đang cố gắng không thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt và giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp, đặc biệt là với các lĩnh vực ưu tiên. Một yếu tố khác là việc xử lý các vụ án liên quan đến thao túng để làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoản cũng đang khiến tâm lý của nhà đầu tư bị ảnh hưởng gây mất ổn định của sàn giao dịch.
Từ đó có thể thấy trước những bất ổn của nội tại đất nước soi chiếu vào tình hình của thế giới có thể thấy rằng chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính đúng thời điểm và vô cùng đúng lúc. Ngoài giải quyết những khó khăn thúc đẩy nền kinh tế đất nước, tăng điểm cổ phiếu Việt Nam trong bối cảnh có nhiều biến động thì chuyến thăm còn giúp gia tăng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Chiến dịch ngoại giao vaccine do Thủ tướng Phạm Minh Chính lãnh đạo với những thành công ngoài mong đợi, tranh thủ được nguồn lực vaccine to lớn từ cả thế giới là minh chứng không thể tốt hơn về việc tranh thủ nguồn lực quốc tế cho những nhu cầu của Việt Nam. Và với chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng đang có một cơ hội khác để phát huy phong cách ngoại giao đầy hiệu quả của mình.
An Diễm