Vì sao chiến sĩ công an ở TP.HCM mắc Covid-19 nguy kịch?
Chiến sĩ công an không có bệnh lý nền như huyết áp, tiểu đường, tim mạch nhưng tình trạng sức khỏe chuyển biến xấu trong chỉ sau một tuần xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi.
Bệnh nhân P.C.Đ. (BN8944), 41 tuổi, là chiến sĩ thuộc đội Phòng chống tội phạm Công an phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM. Chỉ trong vòng 7 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng đến nhập viện, tình trạng của anh nhanh chóng chuyển biến xấu, phổi bị tổn thương nặng.
“Cơn bão” Cytokine mạnhNgày 6/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận điều trị cho BN8944 từ Bệnh viện Công an Thành phố (TP.HCM).
Thời điểm nhập viện, nam công an đã suy hô hấp. Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Người lớn nhanh chóng hồi sức, thở máy xâm lấn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân diễn biến xấu dần, tổn thương phổi tiến triển. Bệnh nhân được xem xét can thiệp ECMO.
Theo TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, bệnh nhân này có thể trạng bình thường, không thừa cân và không có bệnh nền nguy hiểm như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… Đây là các bệnh nền có thể khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nặng khi mắc Covid-19.
“Tuy nhiên, hiện tại, bệnh nhân xuất hiện cơn bão cytokine mạnh. Đây là một trong 3 cơ chế khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nặng”, bác sĩ Châu nhận định.
Ba cơ chế sinh bệnh của Covid-19 nặng bao gồm: tổn thương phổi, bão cytokine và rối loạn đông máu. Trường hợp mắc Covid-19 nặng sẽ xuất hiện cả 3 hiện tượng này.
Cơn bão cytokine là một phản ứng miễn dịch quá mức đối với các kích thích cơ thể từ bên ngoài. Khi người khỏe mạnh bị virus tấn công, hệ miễn dịch trong cơ thể sẽ phản ứng để chống dịch virus, tiết ra các protein cytokine bảo vệ cơ thể.
Tuy nhiên, nếu hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức, nó trở thành con dao hai lưỡi “phản bội” cơ thể. Chúng tấn công ngược lại cơ thể, gây ảnh hưởng phổi, gan, thận của người bệnh. Cơ chế bệnh sinh của cơn bão cytokine rất phức tạp gây biến chứng nặng nề cho người bệnh như Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), tổn thương phổi nặng, suy đa tạng, rối loạn đông máu.
Về tình hình của bệnh nhân Đ. sau khi chuyển viện, bác sĩ chuyên khoa II Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết không giống như những đợt dịch trước, ở đợt dịch này tình trạng sức khỏe của bệnh nhân diễn tiến nhanh và rất nặng.
Kể từ khi bệnh nhân Đ. xuất hiện dấu hiệu bệnh Covid-19 đến 8/6 là 7 ngày. Khi Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận, bệnh nhân đã hoàn toàn lệ thuộc vào máy thở và ECMO, huyết áp vẫn phải duy trì thuốc vận mạch và thận bị tổn thương đang được lọc máu.
“Như vậy, bệnh nhân đang được hỗ trợ cả về tuần hoàn, hô hấp và thận. Với những khó khăn như vậy, chúng tôi đang tập trung hết mình để cứu chữa bệnh nhân này”, bác sĩ Xuân nhận định.
Nhiều người trẻ nhiễm nCoV chuyển biến nặngKhông riêng trường hợp chiến sĩ công an, hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang điều trị tích cực cho một bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nặng, duy trì sự sống bằng ECMO chỉ mới 22 tuổi. Bệnh nhân này là sinh viên thực tập, được phát hiện nhiễm nCoV khi từ TP.HCM về Long An.
Trước đó, bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh) từng rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”. Điểm chung là 2 bệnh nhân có thể trạng béo phì và chịu ảnh hưởng của bão cytokine mạnh.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận định dù nam công an không có bệnh nền đáng lo ngại, tuy nhiên đợt dịch này có cả bệnh nhân trẻ, khỏe, bình thường vẫn rơi vào tình trạng tiên lượng nặng.
Tại các buổi hội chẩn của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định tương tự.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phân tích tình hình bệnh nhân trong đợt dịch này cũng khác ở Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, phần lớn bệnh nhân ở giai đoạn nặng của suy thận hoặc mắc bệnh mạn tính.
Tuy nhiên, ở đợt dịch này, biến chủng có nguồn gốc ở Ấn Độ ngoài việc lây lan nhanh, một số trường hợp bệnh nhân trẻ, không có bệnh lý nền nhưng diễn biến nặng, được hỗ trợ thở oxy, thở máy. Một số ca bệnh nặng được dùng ECMO.
Trong phác đồ cập nhật lần thứ 5, Bộ Y tế cho biết khoảng gần 20% bệnh nhân diễn biến nặng. Thông thường, thời gian trung bình khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng là 7-8 ngày.
Các biểu hiện nặng bao gồm viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện… Trong đó, khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái…), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng cơ quan bao gồm tổn thương thận, cơ tim, dẫn đến tử vong.
Hiện nay, bệnh chưa có thuốc đặc hiệu nên các bác sĩ chủ yếu điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Để giảm tỷ lệ các ca bệnh nặng, Bộ Y tế đề nghị ngay khi nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân xuống dưới 92%, cần cân nhắc chỉ định thở oxy dòng cao qua gọng mũi sớm hoặc thở máy không xâm nhập. Khi bệnh nhân viêm phổi nặng, thở máy vài giờ không chuyển biến, phải chuyển sang can thiệp ECMO ngay. Khi nghi ngờ có cơn bão cytokine, người bệnh cần được lọc thận ngay lập tức.
Bệnh nhân 8944 xuất hiện triệu chứng mệt từ ngày 2/6. Đến 4/6, anh bị sốt cao, mệt nhiều và khó thở. Ngày 6/6, anh đi khám và được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Nam công an được chuyển từ Bệnh viện Công an Thành phố (TP.HCM) sang khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng suy hô hấp. Sau đó, bệnh nhân được điều trị hồi sức, thở máy xâm lấn. Tuy nhiên, tình trạng vẫn diễn biến xấu dần, tổn thương phổi tiến triển.
Sau khi hội chẩn với Sở Y tế TP.HCM, chiến sĩ công an được chuyển về khu cách ly Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị, góp phần giảm áp lực quá tải bệnh nhân Covid-19 nặng cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Bích Huệ