+
Aa
-
like
comment

Vì sao các nước chạy đua phát triển vũ khí bội siêu thanh?

25/01/2022 19:50

Với vận tốc gấp 5 lần tốc độ âm thanh, một tên lửa bội siêu thanh chỉ mất khoảng 8 phút để bắn trúng mục tiêu, điều này đặt ra mối đe dọa lớn cho các hệ thống phòng thủ. 

Trang Breaking Defense mới đây dẫn lời tướng Heath Collins, Giám đốc chương trình vũ khí của Không quân Mỹ, nhận định lực lượng này có thể bắt đầu sản xuất tên lửa bội siêu thanh trong tài khóa 2022, nếu hoàn tất thử nghiệm Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A.

Không quân Mỹ đã đề xuất 161 triệu USD để mua 12 tên lửa ARRW đầu tiên của Lockheed Martin. Việc sở hữu vũ khí này được cho là sẽ giúp Mỹ tiếp tục so kè với các đối thủ như Trung Quốc, Nga trong cuộc chạy đua vũ trang.

Vũ khí bội siêu thanh là gì?

Vũ khí bội siêu thanh có thể bay với vận tốc gấp 5 lần tốc độ âm thanh trở lên (tương đương hơn 6.125 km/giờ). Vận tốc này là nhanh hơn các vũ khí quy ước đang được sử dụng rất nhiều.

Theo tờ South China Morning Post, tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu chiến Mỹ mất hơn 1 giờ để bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 1.000 km, trong khi tên lửa bội siêu thanh trên lý thuyết chỉ mất khoảng 8 phút.

Vũ khí bội siêu thanh là gì mà các nước chạy đua phát triển? - ảnh 1

Quân đội Trung Quốc

Có hai loại vũ khí bội siêu thanh cơ bản gồm tên lửa hành trình và thiết bị lướt. Tên lửa hành trình bội siêu thanh sử dụng động cơ hút ôxy từ khí quyển để đạt tốc độ bội siêu thanh. Trong khi đó, thiết bị lướt bội siêu thanh được phóng lên bằng một tên lửa đẩy và lướt về mục tiêu theo quỹ đạo khó đoán.

Tốc độ cao và tính linh hoạt trong quá trình bay giúp tên lửa bội siêu thanh khó bị các hệ thống phòng không ngăn chặn.

Báo cáo gần đây của quân đội Trung Quốc ước tính xác suất bắn trượt của hệ thống phòng không trước tên lửa có vận tốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh là 78%, trong khi tên lửa nhanh gấp 6 lần thì xác suất trượt tăng lên thành 90%.

Vũ khí bội siêu thanh là gì mà các nước chạy đua phát triển? - ảnh 2
Tên lửa AGM-183A được lắp lên máy bay B-52

Không quân Mỹ

Khác biệt chính giữa thiết bị lướt bội siêu thanh và tên lửa đạn đạo quy ước là khả năng thay đổi quỹ đạo bay sau khi tách ra khỏi tên lửa đẩy.

Tuy nhiên, thách thức trong việc phát triển vũ khí này là việc kiểm soát lượng nhiệt cực cao sản sinh trong quá trình bay. Bên cạnh đó, còn có thách thức về định vị chính xác và việc thay đổi quỹ đạo của tên lửa.

Nước nào đang phát triển? Nhiều nước đang trong cuộc đua phát triển vũ khí bội siêu thanh, trong đó đáng chú ý là Trung Quốc, Mỹ và Nga.

Mỹ được cho là từng đi đầu trong công nghệ bội siêu thanh nhưng từ khi Liên Xô tan rã, giới hoạch định chính sách nước này đánh giá công nghệ bay bội siêu thanh không còn cần thiết. Nhiều dự án hứa hẹn bị hủy sau một vài thất bại.

Vũ khí bội siêu thanh là gì mà các nước chạy đua phát triển? - ảnh 3
Máy bay MiG-31K mang tên lửa bội siêu thanh Kinzhal.

Những năm gần đây, Mỹ đã tăng chi ngân sách cho nghiên cứu vũ khí bội siêu thanh nhưng từng thừa nhận chỉ có thể biên chế sớm nhất là vào năm 2025.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào lĩnh vực này và có những tiến bộ trong các công nghệ liên quan. Nga đã biên chế một số loại vũ khí bội siêu thanh và thường xuyên thông báo thử nghiệm thành công các vũ khí này.

Trung Quốc trong cuộc duyệt binh hồi năm 2019 ra mắt tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17 có thiết bị lướt bội siêu thanh gắn ở phần đầu.

CHDCND Triều Tiên gần đây thông báo thử nghiệm tên lửa bội siêu thanh trong khi các nước Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ cũng tham gia cuộc đua.

(Theo Breaking Defense)

Bài mới
Đọc nhiều