Vì sao các Ngân hàng trung ương tăng tốc mua vàng?

Những tháng qua, nhiều báo cáo mới liên tiếp ghi nhận việc các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng tốc mua vàng. Vậy nguyên nhân đằng sau động thái này là gì? Và nó báo hiệu gì cho tình hình sắp tới?

 

Năm 2022 đánh dấu các ngân hàng trung ương tăng tốc mua vàng, đưa tổng nhu cầu vàng toàn cầu vào năm ngoái lên 4.741 tấn, tăng 18% so với năm 2021 và là mức cao nhất kể từ năm 2011.

Đồng USD đã từng là tâm điểm trong năm 2022, khi Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) bán ròng ngoại tệ, với chủ yếu là USD để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ hoạt động nhập khẩu. Tuy nhiên đồng USD lại đang đứng trước thách thức to lớn về dài hạn, nhờ vậy mà vàng được ưu tiên. Trong đó xuất phát từ hai nguyên nhân chính là nguy cơ vỡ nợ của Chính phủ Mỹ ngày một tăng cũng như xu hướng chống đô la đang lan rộng trên toàn cầu.

Vào tháng 1/2023, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết nước Mỹ đã chạm mức trần nợ công là 31.400 tỉ USD. Bà kêu gọi Quốc hội cần sớm nâng trần nợ để tránh thảm họa cho chính nước này lẫn nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, lưỡng viện Mỹ đang chia đôi quyền lực. Đảng Cộng hòa, phe nắm Hạ viện, đang sử dụng mối đe dọa vỡ nợ để buộc phe Dân chủ, những người đang kiểm soát Thượng viện chấp nhận cắt giảm ngân sách.

Được quốc hội Mỹ thiết lập vào năm 1917, trần nợ là giới hạn về tổng số tiền mà chính phủ có thể vay để thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Trần nợ được xây dựng để hạn chế việc các cơ quan chính phủ chi tiêu thiếu kiểm soát. Nhưng giờ đây nước Mỹ đang rơi vào vòng xoáy nợ công, với mức nợ liên tục tăng và trần nợ liên tục được mở rộng.

Việc một chính phủ chia rẽ, cộng thêm các khoản nợ đang không ngừng phình to, mất kiểm soát, chính điều này đã tạo ra rủi ro không nhỏ cho những bên nắm giữ đồng USD cũng như trái phiếu chính phủ Mỹ nếu như quốc gia này vỡ nợ.

Bên cạnh đó, thế giới đang chuyển dần sang xu hướng đa cực, với các nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga đều muốn đồng tiền mình trở thành một phần trong giao thương toàn cầu. Và những bất ổn bên trong lòng nước Mỹ sẽ càng tạo cơ hội để những quốc gia khác tiến gần đến mục tiêu. Điều đó sẽ khiến cho đồng USD kém hấp dẫn hơn và giảm giá trị về dài hạn do chịu áp lực cạnh tranh từ các đồng tiền khác.

Đứng trước tình hình đồng USD ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt và các rủi ro cận kề. Thế nên đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, trong đó chuyển sang mua vàng đã được các ngân hàng trung ương đẩy nhanh thực hiện.

Thông báo từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) ngày 31/1 cho biết, các ngân hàng trung ương đã bổ sung 1,136 tấn vàng trị giá khoảng 70 tỉ USD vào kho dự trữ vào năm 2022. Đây là con số lớn nhất kể từ năm 1967. Thời điểm đó, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là các ngân hàng ở Tây Âu sở hữu nhiều vàng thỏi, đã bán hàng trăm tấn vàng mỗi năm. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, các ngân hàng châu Âu ngừng bán vàng và ngày càng nhiều nền kinh tế mới nổi như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ mua vào. Và nay tốc độ mua vàng lại tiếp tục gia tăng, cho thấy những bất ổn toàn cầu đã và đang không ngừng tăng lên kể từ đó. Thế nên, với Việt Nam, đây lại càng là cơ sở để chúng ta tin rằng, đa dạng hóa dự trữ ngoại hối là một việc làm cần thiết ngay trong hiện tại.

Câu trả lời còn tùy thuộc vào quy mô kinh tế của quốc gia đó cũng như biện pháp chống vàng hóa nền kinh tế. Nhưng chắc chắn một ngân hàng trung ương dự trữ nhiều vàng và sử dụng đúng cách sẽ càng là tiền đề để nền kinh tế đó đứng vững trong những thời kỳ hỗn loạn. Khác với ngoại tệ, vàng là tài sản ít bị mất giá, không phụ thuộc vào bất kỳ nền kinh tế nào nên càng không có rủi ro, nó gần như miễn nhiễm với những bất ổn về chính trị và tài chính. Thậm chí vàng sẽ còn tăng giá trong giai đoạn suy thoái do các nhà đầu tư chuyển từ nắm giữ tiền mặt sang nắm giữ vàng. Thế nên trong thời kỳ bất ổn gia tăng và kéo dài ngày nay, vàng nên được xem xét gia tăng trong kho dự trữ ngoại hối, bên cạnh các sản phẩm như tiền tệ, trái phiếu chính phủ,…

Huy Hoàng