Vì sao các kho hàng giả “khổng lồ” mãi mới bị phát hiện ?
Là ngàn vạn sản phẩm hàng hiệu bị làm giả, là quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, là rất nhiều người tiêu dùng bị móc túi vì hàng giả nhưng được bán với giá hàng thật…
Livestream, bán hàng trên toàn quốc
Sau gần 6 tháng trinh sát, ngày 17.3, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo Tổ 368 phối hợp Cục QLTT Nam Định và PC 03, Công an tỉnh Nam Định ập vào kho trữ hàng hóa giả nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel… tại thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, H.Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Kho hàng rộng hơn 500 m2 tàng trữ hàng chục nghìn sản phẩm chủ yếu là túi nhái nhãn hiệu Hermès (một hãng thời trang xa xỉ có trụ sở ở Paris, Pháp). Ước tính, có tới 20.000 – 30.000 sản phẩm, chủ yếu là túi xách nhái nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel đang được trữ tại đây với trị giá khoảng 6 tỉ đồng. Đoàn kiểm tra phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới có thể di chuyển hết số hàng hóa vi phạm tại kho hàng này.
Tổng cục QLTT cho biết đối tượng chủ yếu sử dụng mạng xã hội để chào bán và dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa. Hàng chục tài khoản với các tên gọi khác khau như The Queen Shop; Trang Anna (The Queen); Dung Vũ (Boss The Queen); The Queen – Chuyên túi VIP; Dương Vũ Xuân; The Queen – Đại Dương – Sỉ lẻ túi xách; Kho Túi xách – Hàng Quảng Châu… được thay nhau sử dụng để quảng bá, bán hàng và né tránh sự kiểm tra. Trong khi đó, một chiếc túi Hermès chính hãng có giá từ 5.400 USD (khoảng 123 triệu đồng) tới 35.650 USD (khoảng hơn 800 triệu đồng), thậm chí có chiếc túi với phiên bản giới hạn lên đến hàng tỉ đồng…
Nhưng đây cũng không phải là kho hàng lậu liên quan đến hoạt động bán hàng qua mạng bị triệt phá. Đầu tháng 7.2020, Tổng cục QLTT cũng phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) “tấn công” vào 1 kho hàng lậu rộng hơn 10.000 m2 tại TP.Lào Cai. Bên trong kho chứa hàng nghìn sản phẩm thời trang, giày dép, kính mắt với nhiều loại khác nhau và mang thương hiệu của các hãng lớn như Adidas, Nike, Chanel…, đa số có xuất xứ từ Trung Quốc.
Toàn bộ số hàng này đã phải kiểm đếm trong 4 ngày đêm mới xong và được niêm phong vào trong 34 container. Tổng số sản phẩm tạm giữ là hơn 158.000 đơn vị của 237 chủng loại hàng hóa. Hàng ở đây được bán chủ yếu qua mạng. Kho hàng cũng có đặt các hệ thống máy tính cho nhân viên quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội và chốt đơn, sau đó hàng được gửi chuyển phát nhanh đến khắp các tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Theo Tổng cục QLTT, thời điểm nào cũng có không dưới 70 nhân viên hoạt động nhộn nhịp. Nhân viên hằng ngày thực hiện livestream (phát hình trực tiếp) giới thiệu sản phẩm cho khách xem trên Facebook nên tối thiểu bán được trên dưới 1.000 đơn hàng với doanh thu hơn 10 tỉ đồng. Trong thời gian chưa đầy 2 năm, tính đến thời điểm bị kiểm tra, lợi nhuận của kho hàng trên là 649 tỉ đồng.
Đa dạng hình thức bán hàng nhái, giả
Chỉ cần lướt trên nhiều sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Lazada, Shopee hay các trang cá nhân trên Facebook, người dùng dễ dàng tìm thấy những chai nước hoa hàng hiệu nổi tiếng thế giới như Chanel, Hermès, Gucci… hay giày Nike, Adidas có giá chưa đến 200.000 đồng trong khi giá hàng chính hãng cao hơn gấp 10 lần trở lên. Còn trong giới chuyên kinh doanh hàng hiệu fake (F1) online tại TP.HCM, nhắc đến cái tên Ch., hầu hết dân chuyên săn hàng fake không ai không biết. Ngày 16.3, trên trang Facebook của Ch. đăng giới thiệu 29 tấm hình túi xách đủ màu sắc, toàn những mẫu túi đeo tay của các thương hiệu nổi tiếng: LV, Chanel, Gucci, Tory Burch… với lời quảng cáo “hàng xịn giá rẻ như hạt dẻ”.
Nhắn tin hỏi giá, Ch. cho biết đợt hàng này “xịn” hơn, nên có giá cao hơn chút, trung bình từ 4,5 – 6 triệu đồng/chiếc, thích mẫu nào, sẽ báo giá cụ thể hơn. Gửi hình chiếc túi LV màu nâu bên trong đỏ, Ch. báo giá 5,5 triệu đồng. Chiếc túi này, một người bạn đồng nghiệp đặt mua từ châu Âu về trước đó giá bao gồm phí mua hàng, phí gửi… không dưới 40 triệu đồng.
Tương tự, chiếc túi Chanel màu đen, dây vàng kiểu dáng khá “truyền thống” được Ch. báo giá 4,8 triệu đồng. Ch. nói: “Những mẫu này đều là mẫu mới của các hãng nên giá hơi cao, nếu lấy các mẫu của Tory Burch, Michael Kors… giá tầm 2 – 3 triệu đồng/chiếc”. Những chiếc túi hàng hiệu tầm trung giá “bét” nhất cũng vài chục triệu nhưng ở đây bán với giá từ 2 triệu. Người bán hàng cũng không phủ nhận mình kinh doanh và bán hàng hiệu F1, F2 và “sống khỏe” từ 10 năm qua. Chiếc túi màu cam hiệu Hermès giá thị trường hàng chính hãng khoảng 470 triệu đồng, nhưng cũng mẫu đó tại cửa hàng của Ch. báo giá 11 triệu đồng, khách mua cọc trước sau 7 – 10 ngày có hàng. Hỏi những đối tượng khách hàng nào là của Ch., cô nói doanh nhân, dân văn phòng, giới đi làm… tất tần tật.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết hầu như ngày nào cơ quan này cũng nhận được các báo cáo liên quan đến hoạt động bán hàng qua mạng. Bên cạnh đó, hiện một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng TMĐT tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Hành vi bán hàng giả qua TMĐT ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn. Một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng TMĐT tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó 50% liên quan đến việc giao dịch mua bán trên các trang mạng, bao gồm các hiện tượng bán hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, mua bán không có chứng từ hóa đơn. Các trang mạng vi phạm đã quảng cáo sai sự thật, và gây hiểu lầm về xuất xứ hàng hóa cho khách hàng… Nhiều hiện tượng các đơn vị kinh doanh TMĐT không có địa điểm kho hàng cố định, chỉ thông tin giao dịch và bán hàng cho khách, sau đó có thể đánh sập mạng để xóa dấu vết.
Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng); một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Nguy hiểm hàng giả bán giá thật
Theo cơ quan QLTT, hiện có hơn 30 ngành hàng bị làm giả, làm nhái tại Việt Nam. Trong đó, có hai loại là hàng giả bán giá rẻ, hàng giả bán giá “thật” và loại thứ 2 mới gây “nguy hiểm”, gây khó cho người tiêu dùng và quản lý. Thường để triệt phá một đường dây kinh doanh bán hàng trên mạng, lực lượng QLTT phải đeo bám rất sát, mất nhiều ngày, thậm chí cả tháng mới tìm được manh mối đầu nậu và tiếp cận, tìm thời cơ để “đánh úp”.
Ông Trần Hữu Linh cho rằng bản chất của việc bán hàng trên mạng là người bán và người mua không gặp mặt nhau. Đặc biệt, những kho hàng giả được đặt tại các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, trong căn hộ chung cư cao cấp thì một mình QLTT không thể tiếp cận sát được, chỉ là từ xa. Thứ hai là cần sự phối hợp của an ninh mạng. Chẳng như vụ phát hiện kho hàng hiệu làm giả tại Nam Định là từ một livestream bán hàng trên mạng, QLTT phải lần theo dấu vết mất 6 tháng mới tìm kho đầu nậu.
“Nhiệm vụ chính của QLTT trong năm nay là đấu tranh chống hàng gian, hàng giả trên môi trường mạng. Làm mạnh, quyết liệt và thường xuyên, đeo bám đến cùng và linh hoạt chứ không phải đi bắt, đi kiểm tra ở ngoài phố. Bởi thực tế, ngay cả các phương thức bán hàng truyền thống thì hiện nay cũng thỏa thuận trước trên mạng xã hội. Để làm được điều này, lực lượng QLTT từ cấp cơ sở đều phải được đào tạo, hiện đại hóa bản thân và kiến thức về công nghệ, xu hướng thị trường phải nắm bắt nhạy hơn”, ông Trần Hữu Linh khẳng định.
Mai Phương – Nguyên Nga/ Báo Thanh Niên