Vì sao các bệnh viện ở TP.HCM ‘sợ’ mua sắm trang thiết bị y tế
Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam thốt lên khi nói về tình trạng e dè trong mua sắm trang thiết bị y tế của các bệnh viện hiện nay.
Ông Nam kể: “Trưởng phòng Vật tư Trang thiết bị y tế một bệnh viện nói, nếu Sở Y tế phân bổ về cho đơn vị thì em xin nghỉ việc vì em không muốn mua gì cả. Đó là câu nói cho thấy tâm lý e dè, lo lắng liên quan đến việc mua sắm”.
Cho rằng, hành lang pháp lý trong việc đấu thầu trang thiết bị y tế chưa rõ ràng dễ dẫn đến những sai sót ngoài ý muốn, hầu hết các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đang không muốn mua sắm. “Để phát triển được chuyên môn kỹ thuật phục vụ người bệnh thì phải đầu tư trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, năm 2022 chúng tôi chưa đưa ra phương án mua sắm cụ thể được vì sợ rủi ro” – Giám đốc một bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TPHCM cho biết.
Trong giai đoạn dịch bệnh xảy ra, việc tìm được nhà cung cấp cũng là bài toán khó bởi tình trạng thiếu trang thiết bị y tế là vấn đề chung của toàn cầu. Có giai đoạn máy thở trở thành sản phẩm được cả thế giới quan tâm, săn tìm khiến giá thành bị đẩy lên rất cao; việc tổ chức mua sắm gặp nhiều khó khăn, không kịp cung ứng dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu.
Để tháo gỡ các khó khăn Chính phủ đã ra nhiều nghị quyết về mua sắm vật tư trang thiết bị phòng chống dịch. Các bộ ngành đã liên tiếp có những công văn hướng dẫn công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư phục vụ phòng chống dịch, trong đó có hình thức chỉ định thầu cho trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, thực tế công tác đấu thầu tồn tại nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, khi xây dựng giá gói thầu, các công văn hướng dẫn đều chỉ rõ cần tham khảo giá của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định gói thầu nhưng trên thực tế không có đơn vị nào mua bán. Trường hợp không có đủ 3 đơn vị trên địa bàn, việc xây dựng giá có thể tham khảo trên địa bàn khác và các tỉnh thành khác nhưng việc này cũng không hề đơn giản.
Dự toán mua sắm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt gồm chủng loại hàng hóa, tài sản, dịch vụ, số lượng và kết quả thẩm định giá. Khi có sự cố xảy ra thì cả người thẩm định giá cũng bị vướng. “Chúng tôi đã khảo sát để tìm kiếm những đơn vị thẩm định giá trên địa bàn thành phố để tiến hành các bước mua trang thiết bị nhưng hầu như tất cả các đơn vị đã rút hết” – ông Hoài Nam nói.
Giai đoạn dịch bùng phát, lần đầu tiên TPHCM đã triển khai mua sắm bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn. Tuy nhiên, với hạn mức lớn công tác chỉ định thầu gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Ngành y tế thành phố đã xin ý kiến chỉ đạo từ UBND TPHCM, Thành ủy nên bước đầu Sở Y tế mua được một số trang thiết bị, tuy nhiên chỉ mua được 30 máy thở chức năng cao. Hầu hết trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch được Bộ Y tế cung ứng hoặc mạnh thường quân tài trợ.
Mặt khác trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả trang thiết bị, vật tư y tế liên tục biến động bất thường. Giá kit xét nghiệm có thời điểm chỉ 135.000 đồng nhưng có thời điểm lên tới 210.000 đồng/ bộ. Thực tế trên có thể gây nhiều khó khăn cho công tác thanh quyết toán, nếu không tách ra ở từng thời điểm cụ thể sẽ không thống nhất được mức giá.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, hiện nhân sự tổ chức hoạt động mua sắm, năng lực mua sắm của các đơn vị còn yếu. Các bệnh viện càng ngày càng e ngại khi đề cập đến vấn đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. “Nếu chúng ta không giải tỏa được vấn đề tâm lý thì sự phát triển của ngành y tế từ nay về sau sẽ trở nên rất khó khăn khi các trang thiết bị mới, kỹ thuật mới không được đầu tư”, ông Nam lo ngại.
Minh Ngọc