+
Aa
-
like
comment

Vì sao BOT lại được bù lỗ doanh thu nếu có rủi ro, còn nông dân thì không?

17/09/2019 06:53

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn với đề xuất xây dựng “cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu” của Chính phủ trong dự án luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) từng bị nhiều chỉ trích /// Bắc Bình
Dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) từng bị nhiều chỉ trích

Nông dân thì bảo “tại thị trường”; BOT lại chia sẻ rủi ro ?

Tờ trình của Chính phủ về dự án luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) ngày 16.9 dẫn lý do việc đầu tư theo phương thức PPP tại nước ta vẫn còn nhiều rủi ro, đề nghị thiết kế “cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu”. Cụ thể, Chính phủ chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Còn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu là giải pháp có thể xem xét, nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro, cũng như quy định rõ hơn về cơ chế áp dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cũng tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn và đề nghị đánh giá lại đề xuất này. Dẫn ví dụ các dự án BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) đặt trạm thu phí sai vị trí, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng sai sót của cơ quan nhà nước khi ký hợp đồng thì phải điều chỉnh bằng cách ký cho đúng chứ không phải đặt trạm thu phí bất hợp lý, không thu được tiền thì lại tính “chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp”.

“Cách quy định như thế này không hợp lý”, bà Nga nói và cho rằng, dự án luật này phải được thẩm tra kỹ; tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên – Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cũng đề nghị cần phải đánh giá lại cơ chế chia sẻ rủi ro trong dự thảo luật. “Chúng ta là nước nông nghiệp nhưng chúng ta đã có chính sách chia sẻ rủi ro với nông nghiệp, nông dân chưa mà bây giờ đến PPP, lại đặt ra vấn đề chia sẻ rủi ro?”, ông Bình nói và cho rằng, các chính sách chia sẻ rủi ro với nông dân vẫn chưa rõ khi “hằng năm nông dân gặp vấn đề thì ta nói tại thị trường, nông dân ráng mà chịu”.

Thế giới không làm BT nữa, tại sao VN vẫn làm ?

Tại phiên họp, khi thuyết trình về sự cần thiết xây dựng dự án luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng các dự án BOT đang nổi lên nhiều bất cập khi hầu hết các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu; mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí đều có bất cập. Các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) cũng bộc lộ nhiều bất ổn tương tự về công tác công bố dự án, áp dụng chỉ định thầu, bất cập trong công tác giám sát…

Trong phần nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ phải làm rõ những hạn chế lớn nhất trong thời gian qua của phương thức đầu tư này là gì và hướng khắc phục như thế nào với các quy định trong luật này. “Ngay Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng cũng định hướng là tập trung vào các dự án BOT để kiểm tra tính công khai, minh bạch, xem có tham nhũng không. Vậy, các hạn chế của dự án BOT sẽ khắc phục bằng quy định nào? Quốc tế làm BOT có rơi vào tình trạng như chúng ta không?”, bà Nga nêu.

Liên quan tới hình thức đầu tư theo hợp đồng BT, bà Nga cũng đặt vấn đề: “Tờ trình của Chính phủ có nêu trên thế giới rất ít quốc gia sử dụng loại hợp đồng BT vậy tại sao chúng ta vẫn sử dụng?”. Do thời gian phiên họp không còn nên Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, chủ trì phiên thảo luận, đề nghị cơ quan soạn thảo trả lời các câu hỏi của bà Nga bằng văn bản.

Thu hút hơn 1,6 triệu tỉ đồng

Theo tờ trình của Chính phủ, đến nay có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác). Qua đó, huy động được hơn 1,6 triệu tỉ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.

(Theo Thanh Niên)

Bài mới
Đọc nhiều