+
Aa
-
like
comment

Vì sao bỏ quy định đuổi học những học sinh cá biệt?

11/09/2020 07:25

Bộ GD&ĐT cho rằng, việc bỏ quy định đuổi học để hướng tới mục tiêu giáo dục tích cực trong nhà trường, đảm bảo sự tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến.

Ảnh minh họa.

Bộ GD&ĐT mới đây công bố dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông để lấy ý kiến rộng rãi. Đáng chú ý, trong dự thảo mới, Bộ GD&ĐT bỏ quy định đuổi học với những học sinh cá biệt, rèn luyện chưa tốt.

Lý giải về quy định này, theo ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT, một số điểm trong quy định khen thưởng và kỷ luật hiện hành được xây dựng từ năm 1988 không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT. (Ảnh: H.C)

Việc bỏ quy định đuổi học nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục tích cực trong nhà trường, đảm bảo sự tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến. Đồng thời nhà trường không sử dụng các hình thức phê bình, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần học sinh.

Mục đích của kỷ luật là để ngăn chặn hành vi vi phạm; giáo dục, giúp đỡ học sinh chủ động điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm; góp phần xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, chống bạo lực học đường.

Theo ông Linh, trước đây hình thức đuổi học là học sinh sẽ nghỉ học ở nhà, việc học tập bị gián đoạn, nhiều hệ lụy xảy ra như tạo tâm lý chán nản, tiêu cực. Học sinh có thể bị lôi kéo, sa vào những hoạt động không lành mạnh trên Internet. Như vậy, yêu cầu, mục đích của việc kỷ luật và mục tiêu giáo dục không được thực hiện.

Đồng thời, quy định đuổi học đang đi ngược với tinh thần của Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, Luật trẻ em 2016 và Luật giáo dục 2019. UNICEF Việt Nam cũng đưa ra hai quan điểm là phải bảo đảm quyền học tập của trẻ em và phải giáo dục kỷ luật tích cực dựa trên các kinh nghiệm quốc tế. Trong khi đó, UN Women có nhiều hoạt động hỗ trợ về các vấn đề liên quan đến tôn trọng sự bình đẳng và giáo dục tích cực.

Qua đó, Bộ GD&ĐT thay đổi quy định đuổi học bằng biện pháp kỷ luật dừng học tập trên lớp tối đa 2 tuần. Theo đó, khi học sinh bị đình chỉ học tập trên lớp, nhà trường sẽ ban hành kế hoạch giáo dục riêng với sự đồng thuận của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh. Các em không được lên lớp nhưng vẫn phải đến trường để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng này.

Sở dĩ Bộ GD&ĐT chỉ cho học sinh tạm dừng việc học 2 tuần là để đảm bảo tính thống nhất với các quy định khác trong thông tư, đặc biệt là quy định học sinh được nghỉ tối đa 45 ngày trong một năm học, nếu không sẽ bị lưu ban.

Nếu học sinh cá biệt từng bị kỷ luật tạm dừng việc học mà vẫn tái phạm thì hiệu trưởng có thể tiếp tục kỷ luật dừng học tập trên lớp thêm 1-2 tuần nhưng phải đảm bảo không vi phạm mức trần quá 45 ngày. Nếu tái phạm quá nhiều lần, nhà trường có thể sự phối hợp của cơ quan chức năng để tiếp cận xử lý hành chính, hình sự tùy theo hành vi và mức độ vi phạm.

Kỷ luật tích cực

Với thông tư 08 năm 1988, mức kỷ luật cao nhất là “đuổi học một năm” thì dự thảo thông tư mới thay từ “đuổi học” thành “tạm dừng học tập trên lớp” với mức tối đa chỉ còn hai tuần. Học sinh phải chịu hình thức kỷ luật này khi đã bị cảnh cáo mà vẫn tái phạm, có hành vi đánh nhau có tổ chức; xâm phạm nhân phẩm, thân thể giáo viên, học sinh khác.

Vì sao bỏ quy định đuổi học những học sinh cá biệt? - 2
Học sinh trong giờ học. (Ảnh: Q.T)

Thay vào đó, dự thảo mới sẽ áp dụng hình thức kỷ luật tích cực. Khi học sinh vi phạm, giáo viên thu thập thông tin khách quan, xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm để lập kế hoạch giáo dục. Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp như khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng; phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ hay tư vấn tâm lý.

Ngoài ra, giáo viên có thể yêu cầu học sinh làm một số nhiệm vụ học tập, rèn luyện như hoàn thành bài còn thiếu; viết lại nội quy liên quan đến khuyết điểm; viết cảm nhận, kiểm điểm về sự việc xảy ra; sưu tầm tài liệu, câu chuyện thực tế có nội dung liên quan đến khuyết điểm. Một số hình thức khác có thể áp dụng là yêu cầu vệ sinh trường lớp, trồng và chăm sóc cây, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Tùy tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, nhà trường xem xét khiển trách, cảnh cáo, tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm. Tuy nhiên, các hình thức kỷ luật này chỉ áp dụng với học sinh cấp THCS và THPT, không dùng với cấp tiểu học.

PV/VTC

Bài mới
Đọc nhiều