Vì sao Ban Bí thư khai trừ Đảng, cách chức 9 tướng lĩnh Cảnh sát biển Việt Nam?
“Không tham ô tiền đâu mà lắm thế? Tiền đâu mà xây nhà, xây cửa? Mà chạy ra nước ngoài như thế? Muốn làm tốt thì chúng ta phải tiếp tục có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa và hành động quyết liệt hơn nữa”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.
Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực nhà nước để trục lợi cho mục đích cá nhân.
Do đó, xét từ góc độ pháp luật, tham nhũng là những hành vi phạm pháp của các quan chức lãnh đạo nhà nước. Tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự ra đời của giai cấp và nhà nước. Tham nhũng tồn tại ở tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, chế độ kinh tế, xảy ra ở mọi lĩnh vực liên quan đến hoạt động quản lý xã hội.
Tham nhũng đã gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và nguy cơ làm mục ruỗng bộ máy nhà nước, phá hủy Nhà nước. Trên cương vị người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy.
Tổng Bí thư đã nêu bật quan điểm về chống tham nhũng như sau: Kỷ luật một vài người để cứu muôn người.
Mới đây, Ban Bí thư kỷ luật 9 tướng lĩnh Cảnh sát biển, trong đó khai trừ ra khỏi Đảng đối với Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Thiếu tướng Lê Văn Minh và cách chức trong Đảng 7 tướng lĩnh còn lại.
Có thể nói trong thời chiến chúng ta chưa bao giờ phải kỷ luật nhiều tướng như vậy. Chỉ có trong thời bình, nơi lòng tham đạo đức bị tha hóa bởi đồng tiền và quyền lực. Đây là sự thật mà Việt Nam phải chấp nhận và kiên quyết xử lý mới mong đất nước đi lên và phát triển.
Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, quy chế làm việc, quy định của Quân ủy Trung ương để nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, tư lệnh, Phó Tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trực thuộc suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cơ quan này còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị kỹ thuật, vật tư, hàng hóa, đấu tranh phòng, chống buôn lậu gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Vậy nguồn gốc tham nhũng ở Việt Nam là do đâu?
Trong quá trình cải cách các thế lực thù địch, bên ngoài đã lợi dụng chính sách mở cửa để thâm nhập, tìm mọi cách làm tha hóa, lợi dụng mua chuộc, dụ dỗ một số cán bộ thoái hóa biến chất để lôi kéo họ vào con đường phạm tội.
Do tư tưởng, phong kiến tồn tại lâu đời Việt Nam như tham quyền tham thế lực. Mặc dù Nhà nước xã hội chủ nghĩa, lấy dân làm gốc nhưng một bộ phận lãnh đạo vẫn tồn tại tư tưởng lấy quan làm gốc. Một người làm quan cả họ được nhờ, đã làm quan thì tranh thủ kiếm lợi và tìm cách thâu tóm quyền lực.
Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn chưa đầy đủ, việc trừng trị thì chưa nghiêm khắc, kể cả lập pháp và cả thi hành pháp luật. Những người phạm tội thì ngày càng gan lỳ. Tội phạm tham nhũng ngày càng coi thường pháp luật. Do vậy, muốn đất nước phát triển thì diệt giặc tham nhũng là điều tất yếu, đảm bảo công bằng xã hội.
Về cơ bản Việt Nam ta dù đã còn nhiều tồn tại, hạn chế như tham nhũng, hối lộ, cửa quyền song đó cũng chỉ là thiểu số. Đất nước ta đã và đang trở mình để vươn ra biển lớn. Các nhà đầu tư nước ngoài không hề muốn đầu tư vào một quốc gia mà nạn tham nhũng, cửa quyền lộng hành và nếu để tham nhũng tràn lan, thị uy tín của Việt Nam ở quốc tế sẽ càng xấu đi, chúng ta sẽ mất dần tiếng nói.
Dấu hiệu tham nhũng cấp cao đã gây ra một sự khủng hoảng, niềm tin rất lớn không chỉ trong Đảng mà còn trong toàn dân. Một quốc gia mà ngay chính người dân cũng mất niềm tin thì sớm muộn cũng sụp đổ. Do vậy, đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ đang được nhân dân ủng hộ.
Một ví dụ ở Trung Quốc, đơn tố cáo, tố giác của nhân dân về tham nhũng là nguồn quan trọng nhất, chiếm 60-70% để từ đó phát hiện ra tội phạm. Vì vậy, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan đấu tranh chống tham nhũng trong việc xác minh đầy đủ và kịp thời các nguồn tin này và trách nhiệm trong việc bảo vệ bí mật đối với người tố cáo, tố giác tội phạm.
Mặt khác, nếu tội tham nhũng được phát hiện và xử lý thì người tố giác, tố cáo tội phạm được hưởng một tỷ lệ phần trăm nhất định trên tổng số giá trị tài sản mà cơ quan đấu tranh tham nhũng thu giữ được. Có thể nói đây là những quy định nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong công tác đấu tranh chống tham nhũng.
Thực trạng ở Việt Nam như chúng ta hẳn cũng đã rõ, tình trạng tham nhũng đã diễn ra nhiều năm trước, gây bức xúc trong nhân dân. Những vụ đại án thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm xử lý nghiêm nạn tham nhũng.
Hoa Mai