Vì sao Australia quyết hủy dự án với Trung Quốc?
Giới chức Australia ngày càng lo ngại về nguy cơ an ninh tiềm ẩn của các dự án thuộc khuôn khổ Vành đai, Con đường, có thể khiến nền kinh tế nước này phụ thuộc hơn vào Trung Quốc.
Chính phủ liên bang Australia hôm 21/4 tuyên bố hủy các thỏa thuận giữa chính quyền bang Victoria với Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai, Con đường. Động thái này nhiều khả năng sẽ làm trầm trọng thêm quan hệ vốn đang lạnh nhạt giữa Canberra và Bắc Kinh.
Lo ngại về an ninh
Trong thông báo, Ngoại trưởng Marise Payne cho biết chính phủ liên bang Australia hủy bỏ bản ghi nhớ và thỏa thuận khung ký giữa chính quyền bang Victoria với Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc.
Ngoài hai văn kiện trên, Canberra cũng hủy bỏ hai thỏa thuận khác giữa bang Victoria với chính phủ Iran và Syria.
“Bốn thỏa thuận này đi ngược lại chính sách đối ngoại của Australia, cũng như có hại cho các quan hệ ngoại giao của chúng tôi”, Ngoại trưởng Payne cho biết, theo Reuters.
Hồi tháng 12/2020, Quốc hội Australia đã thông qua luật mới cho phép chính quyền Thủ tướng Scott Morrison ngăn chặn các tiểu bang ký kết thỏa thuận hợp tác với các cơ quan chính phủ nước ngoài trong một loạt lĩnh vực, như cơ sở hạ tầng, hợp tác thương mại, du lịch, văn hóa, khoa học, sức khỏe, giáo dục và đào tạo.
Quyết định công bố hôm 21/4 là lần đầu tiên đạo luật nói trên được kích hoạt. Đây không phải diễn biến quá bất ngờ, bởi hai thỏa thuận này đã được dự báo sẽ trở thành đối tượng bị nhắm tới ngay khi luật được thông qua.
Hôm 9/12/2020, chính quyền của Thủ tướng Morrison đã cảnh báo thỏa thuận giữa bang Victory với Trung Quốc sẽ bị đưa vào danh sách rà soát. Ông Morrison cũng tuyên bố sẽ hủy bỏ mọi thỏa thuận nếu trái với lợi ích quốc gia của Australia.
Trước đó, chính phủ liên bang đã yêu cầu bang Victoria giao nộp tài liệu và giải thích vì sao dự án này phù hợp với lợi ích quốc gia của Australia.
Thỏa thuận bị hủy bỏ vốn được ký giữa chính quyền bang Victoria với Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc từ tháng 3/2017. Theo đó, bang Victoria cam kết phối hợp triển khai các dự án cơ sở hạ tầng với phía Trung Quốc theo hình thức hợp tác công – tư.
Ông Michael Shoebridge, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia tại Viện Chính sách chiến lược Australia, cho biết các dự án tiến hành theo hình thức hợp tác công – tư ngày càng đưa lại những kết quả khó đoán, với rủi ro an ninh quốc gia ngày càng tăng, theo báo The Age.
Tại kỳ họp lưỡng hội của Trung Quốc hồi tháng 3, chiến lược kép được Bắc Kinh đưa ra là giảm phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu, đồng thời khiến các nước khác phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào Trung Quốc.
“Đối tác công – tư, sáng kiến Vành đai, Con đường, là căn bản trong kế hoạch biến Trung Quốc thành trung tâm của nền kinh tế toàn cầu”, ông Shoebridge cho biết.
Chuyên gia Shoebridge cho rằng lo ngại về an ninh quốc gia của chính quyền Australia gia tăng sau diễn biến kỳ họp lưỡng hội vừa qua tại Bắc Kinh, đặc biệt khi xét tới cách hành xử của Trung Quốc trong các dự án khác thuộc sáng kiến Vành đai, Con đường.
Việc Australia hủy bỏ hai thỏa thuận hợp tác giữa bang Victoria với Trung Quốc chỉ một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga gặp nhau tại Nhà Trắng hôm 16/4.
Theo Nikkei Asia, nhà lãnh đạo hai nước đã thảo luận về kế hoạch hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cao tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhằm đối trọng với sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc. Kế hoạch này manh nha từ năm 2019, với sự tham gia của cả Australia và Ấn Độ.
Quan hệ tiếp tục “rơi tự do”
Suốt 12 tháng qua, quan hệ giữa Australia và Bắc Kinh được miêu tả đang “rơi tự do”, sau khi Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập đối với nguồn gốc virus corona gây ra đại dịch Covid-19.
Bắc Kinh sau đó đáp trả với một loạt biện pháp trả đũa thương mại, như áp thuế đối với lúa mạch và rượu vang của Australia, đồng thời cấm nhập khẩu than đá từ xứ sở chuột túi.
Trong ngày 21/4, Phó đại sứ Trung Quốc tại Australia Wang Xining tuyên bố quan hệ song phương không có dấu hiệu “tan băng”.
“Chúng tôi không có ý định phá hoại mối quan hệ này, nhưng lại chứng kiến quá nhiều sự cố khiến lợi ích của Trung Quốc bị tổn hại suốt vài năm qua”, ông Wang nói.
Khi được hỏi làm thế nào để Australia có thể “sửa chữa quan hệ”, ông Wang nói thẳng Canberra cần “chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ” của Bắc Kinh, dừng phản đối các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Australia, và không “ngăn trở các chương trình trao đổi” giữa người dân hai nước.
“Rất đơn giản, chỉ cần phía Australia làm được những điều đó, tôi không thấy bất cứ trở ngại nào để khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước”, ông Wang nói.
Hồi tháng 8/2020, khi được hỏi về thỏa thuận giữa bang Victoria với Trung Quốc trong khuôn khổ Vành đai, Con đường, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cảnh báo chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison không nên cản trở các hoạt động hợp tác giữa hai nước.
Tuy nhiên, quyết định hủy bỏ hai văn kiện hợp tác thuộc sáng kiến Vành đai, Con đường của chính quyền Thủ tướng Scott Morrison cho thấy Canberra không có ý định nhượng bộ trước sức ép của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Payne cho biết Bộ Ngoại giao Australia đã được cảnh báo về hơn 1.000 thỏa thuận giữa chính quyền các tiểu bang, vùng lãnh thổ, các trường đại học của nước này với các chính phủ nước ngoài.
Bà Payne cho biết Bộ Ngoại giao vẫn đang tiếp tục rà soát các thỏa thuận khác có sự tham gia của chính phủ nước ngoài tại Australia.
Hiện nay, các cơ quan chính phủ Trung Quốc có thỏa thuận hợp tác với chính quyền các bang Western Australia, South Australia và Tasmania trong các lĩnh vực đầu tư, khoa học và tiếp cận Nam Cực.
Ngoài ra, quan hệ hợp tác giữa các trường đại học Australia với các tổ chức do chính phủ Trung Quốc tài trợ cũng có thể bị sờ gáy.
Giới chức và giới học giả Australia hiện ngày càng lo ngại nguy cơ Trung Quốc xâm nhập, mở rộng ảnh hưởng tại các trường đại học nước này, thông qua chương trình hợp tác.
Trong tháng 4, truyền thông Australia cảnh báo hiện tượng các cơ quan chính phủ Trung Quốc trả tiền để học giả Australia nghiên cứu khoa học, mà sản phẩm sau đó thuộc quyền sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh.
Duy Anh