+
Aa
-
like
comment

Vì sao Ấn Độ khó cưỡng lại sức hút nguồn dầu của Nga?

08/05/2022 17:58

Sự trung lập của Ấn Độ trong chiến sự ở Ukraine đã mở rộng thành lợi ích kinh tế khi New Delhi thắt chặt quan hệ thương mại với Moscow, trong đó có hưởng lợi từ dầu giá rẻ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cảnh báo với thủ tướng Ấn Độ rằng mua dầu của Nga không đem lại lợi ích cho New Delhi. Các quan chức Mỹ khẳng định bất cứ sự can thiệp làm “hủy hoại” lệnh trừng phạt sẽ đều đem lại “hậu quả”. Từ Mỹ tới châu Âu, yêu cầu lập trường cứng rắn hơn với Nga trở thành sức ép toàn cầu.

Tuy nhiên, đối với Ấn Độ, quyết định giữ thái độ trung lập trong cuộc chiến ở Ukraine không chỉ là để nước này có thêm lựa chọn đối tác trong một thế giới có nhiều trung tâm quyền lực. Thái độ này đã phát triển thành kiểu sinh lợi về kinh tế: Dầu từ Nga là một thỏa thuận quá tốt khiến Ấn Độ không thể từ bỏ.

Số lượng dầu thô Ấn Độ mua từ Nga tăng vọt kể từ khi xung đột bắt đầu, tăng từ con số 0 trong tháng 12/2021 lên khoảng 300.000 thùng/ngày vào tháng 3 và 700.000 thùng/ngày vào tháng 4.

Dầu thô hiện chiếm gần 17% nhập khẩu của Ấn Độ, tăng từ mức chưa đầy 1% trước giao tranh. Năm 2021, Ấn Độ nhập khẩu trung bình khoảng 33.000 thùng/ngày từ Nga.

Với việc dầu của Nga bị cấm ở Mỹ và châu Âu đang đề xuất lệnh cấm vận riêng, Ấn Độ có thể mua dầu thô với mức giá chiết khấu cao, cung cấp thêm cho nền kinh tế “khát” năng lượng với chi phí thấp.

Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ cũng sử dụng dầu thô để tạo ra các sản phẩm như dầu diesel và nhiên liệu máy bay, bán chúng với biên lợi nhuận tốt hơn bình thường ở nước ngoài.

Theo các nhà phân tích, khi Ấn Độ tận dụng cuộc chiến để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, quan hệ thương mại giữa New Delhi và Moscow sẽ thắt chặt nếu xung đột kéo dài.

Thái độ này của Ấn Độ có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của Mỹ và châu Âu nhằm cắt đứt huyết mạch kinh tế của Nga, gia tăng căng thẳng quan hệ Mỹ – Ấn khi hai quốc gia tìm cách hợp tác để đối chọi Trung Quốc.

“Tại sao chúng tôi không thể mua dầu giảm giá?”

Tuyến đường xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ có thể bận rộn hơn nữa nếu EU thống nhất được lệnh cấm nhập khẩu dầu trong những tháng tới. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi Nga cắt khí đốt tới Ba Lan và Bulgaria, làm tăng khả năng xảy ra “cuộc chiến năng lượng”.

Các tàu chở dầu của Ấn Độ đang tiến vào Jamnagar – nơi Reliance Industries có khu liên hợp lọc dầu lớn nhất thế giới – và vào Vadinar – địa điểm nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của Nayara Energy, chi nhánh của tập đoàn năng lượng Nga Rosneft tại Ấn Độ. Cả hai địa điểm này đều thuộc bang Gujarat ở miền Tây Ấn Độ.

“Nhu cầu tại Tây và Bắc Âu không còn nữa. Thay vào đó, nó chuyển hướng sang Ấn Độ”, Viktor Katona – nhà phân tích tại Kpler, công ty chuyên theo dõi vận chuyển năng lượng – cho biết.

Nhà máy lọc dầu Essar ở Vadinar, phía tây bang Gujarat, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Mặc dù châu Âu đang tìm cách xa lánh dầu thô của Ấn Độ, họ lại mong muốn mua loại dầu tương tự sau khi Ấn Độ tinh chế. Xuất khẩu dầu diesel và các sản phẩm tinh chế khác của Ấn Độ sang châu Âu – nơi đang thiếu nguồn cung – đạt kỷ lục 219.000 thùng/ngày vào tháng 3, trước khi giảm trở lại vào tháng 4 do nhu cầu ở Ấn Độ tăng cao.

Trong khi đó, các công ty dầu khí quốc doanh của Ấn Độ đang mua hàng triệu thùng dầu thô của Nga cho thị trường nội địa, giúp tránh tăng giá nhiên liệu.

Cho đến nay, Mỹ không áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn buộc những quốc gia như Ấn Độ ngừng mua dầu thô của Nga. Sự thận trọng đó phản ánh những lo lắng của chính quyền Tổng thống Joe Biden về giá cả nhiên liệu của chính nước này tăng cao.

Không khó hiểu để hiểu tại sao dầu của Nga lại hấp dẫn các khách hàng ở Ấn Độ và nhiều nơi khác đến như vậy, bất chấp việc Ukraine có thể chỉ trích họ. Những nước này có thể được giảm giá từ 30 USD/thùng trở lên, một thỏa thuận quá hời khi dầu thô Brent tiêu chuẩn quốc tế đang được bán ở mức khoảng 105 USD/thùng.

Các nước châu Âu hiện vẫn mua dầu từ Nga. Các quan chức Ấn Độ nói rằng việc yêu cầu nước này cắt giảm thương mại với Nga là “đạo đức giả”. Họ lập luận rằng một quốc gia đang phát triển như Ấn Độ không có lý gì phải từ chối năng lượng giá rẻ.

“Nếu dầu có sẵn và được giảm giá, tại sao chúng tôi không nên mua? Chúng tôi cần nó cho người dân của mình”, Nirmala Sitharaman, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, cho biết vào tháng trước.

Không chỉ là dầu

Quan hệ thương mại của Ấn Độ với Nga khởi nguồn từ những ngày đầu quốc gia Nam Á này độc lập. Nga là một trong số ít nước sẵn sàng mua hàng hóa từ Ấn Độ và chấp nhận thanh toán bằng đồng rupee.

Với việc Ấn Độ không tham gia liên minh nào trong Chiến tranh Lạnh, thương mại song phương vẫn tiếp tục, cho phép Ấn Độ xây dựng kho vũ khí quốc phòng phần lớn bằng vũ khí Nga.

Nga cũng hỗ trợ chính trị cho Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc. Moscow vẫn là đồng minh vững chắc khi Washington liên tục “chọc giận” New Delhi, bao gồm cả hỗ trợ Pakistan – “kẻ thù” của Ấn Độ và áp đặt trừng phạt khi Ấn Độ phát triển vũ khí hạt nhân. Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án cuộc tấn công của Nga ở Ukraine.

Washington đang tự coi mình là đối tác quốc phòng thay thế cho Ấn Độ, vậy nên việc nước này trừng phạt vì Ấn Độ siết chặt thương mại với Nga là điều khó xảy ra. Chính phủ Ấn Độ tin sẽ giữ được quan hệ tốt đẹp với Mỹ vì vai trò quan trọng của nước này trong việc đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại New Delhi đầu tháng 12/2021. Ảnh: AFP.

“Ấn Độ không chỉ hưởng lợi từ các mặt hàng giảm giá, mà giờ đây họ đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu thực phẩm và thuốc sang Nga. Tôi cho rằng mối quan hệ đó không thay đổi”, Samir N. Kapadia – Trưởng bộ phận thương mại của Vogel Group, công ty tư vấn có trụ sở tại Washington – cho biết.

Khi châu Âu đang tiến tới cấm dầu thô và nhiên liệu của Nga, giá sẽ tăng và Ấn Độ có thể thu lợi nhiều hơn từ việc lọc dầu Nga rồi bán nhiên liệu này cho châu Âu.

Bản thân Ấn Độ cũng có nhu cầu lớn về dầu mỏ. Đây là nhà nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba, vận chuyển hơn 80% nhu cầu dầu thô, chủ yếu từ các nước như Arab Saudi và Iraq. Nếu các nhà sản xuất vùng vịnh Ba Tư cảm thấy bị mất thị phần của Ấn Độ vào tay Nga, điều này có thể tạo ra căng thẳng bên trong tổ chức OPEC Plus.

Giữa lúc các công ty lọc dầu lớn của Ấn Độ là Reliance và Nayara chuyển sang xuất khẩu trong khi chính phủ giới hạn giá nhiên liệu từ tháng 11/2021 tới tháng 3, các công ty dầu quốc doanh của Ấn Độ đã lấp đầy khoảng trống trong nước bằng cách nhập khẩu hàng triệu thùng dầu thô của Nga.

Nhưng Ấn Độ không chỉ dừng lại ở nhập khẩu dầu. Theo dữ liệu của Kpler, nhập khẩu than từ Nga cũng tăng vọt, đạt mức cao chưa từng thấy trong tháng 3 hơn hai năm qua.

Với dự đoán mức tăng trưởng kinh tế lên gần 8% trong năm nay sau đại dịch, Ấn Độ đang tìm cách chiếm lĩnh thị trường năng lượng ở bất cứ nơi nào có thể. Ấn Độ có thể ký hiệp định thương mại tự do mới với Australia – một nước sản xuất than lớn – đồng thời hy vọng đàm phán với Nga để mua nhiều than hơn nữa.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều