Vì sao 12 ngày vẫn chưa kéo được ống cọc bê tông có bé trai lên?
Đã 12 ngày trôi qua, nỗ lực đưa thi thể bé trai ở cầu Rọc Sen vẫn đang được gấp rút tiến hành. Những máy móc hiện đại đã được đưa đến hiện trường, những cuộc họp thâu đêm suốt sáng vẫn diễn ra. Tuy nhiên, có những khó khăn mà không phải ai cũng có thể hiểu rõ để biết rằng vì sao vẫn chưa kéo được cọc bê tông có bé trai lên?
Hy hữu
Tình huống cứu nạn hy hữu khi cháu bé rơi xuống ống cọc có đường kính quá nhỏ (25 cm), cọc đã cắm sâu xuống lòng đất tới 35 m. Tầng đất sâu, có tính chất đặc dính nên rất khó để lực lượng cứu hộ có thể nhổ cọc lên.
Cọc bê tông ở công trình cầu Rọc Sen gồm hai đoạn 12 m và một đoạn 11 m. Trong quá trình cứu hộ cần đảm bảo không làm gãy hoặc đứt các mối nối, tránh việc sụt cọc xuống, gây ảnh hưởng đến tiến độ kéo lên mặt đất.
Hiện Việt Nam chưa có thiết bị chuyên dụng để kéo trực tiếp ống cọc bê tông lên. Đội cứu hộ phải thực hiện nhiều phương án khác nhau nhằm giảm lực ma sát giữa đất và thành ống, từ đó mới tiến đến phương án nhổ cọc.
Tại hiện trường, công trình cầu Rọc Sen nằm trên bãi đất vắng vẻ, cách khu dân cư khoảng 500 m. Con đường dẫn vào công trình gập ghềnh sỏi đá, khó đi, bề ngang mặt đường hẹp dẫn đến việc khó vận chuyển các thiết bị trọng tải nặng vào công trình.
Đội cứu hộ phải chuyển sang vận chuyển bằng đường thủy với một số thiết bị như cần cẩu 80 tấn, máy rung 80 kW… Tuyến đường thủy duy nhất dẫn vào hiện trường là qua kênh Rọc Sen, song con kênh hẹp và cạn, dẫn đến việc khó vận chuyển các thiết bị, gây mất nhiều thời gian.
Liên tục thay đổi các phương án
Dù có hơn 300 người liên tục làm việc xuyên đêm để sớm kéo được ống cọc bê tông lên. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp vẫn phải thừa nhận có sự lúng túng trong việc triển khai công tác cứu nạn ban đầu. Đơn vị liên tục thay đổi các phương án khác nhau, song đến nay vẫn chưa thể kéo được ống cọc lên.
Ban đầu, ngành chức năng đưa ra phương án cứu hộ bằng dây chuyên dụng. Tuy vậy cách làm này không khả thi vì miệng ống bê tông quá nhỏ, bé trai không thể xoay xở để luồn dây vào cho phía trên kéo lên.
Phương án thứ hai được đề xuất là khoan làm mềm đất, sau đó dùng cần cẩu kéo cọc lên. Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT cho biết mọi việc không như dự kiến do máy khoan cọc nhồi làm ống cọc bê tông bị trượt, nguy cơ gãy hoặc đứt mối nối.
Đến sáng 3/1, phương án cứu hộ được điều chỉnh lần thứ ba. Thay vì khoan nhồi đóng cọc, làm mềm đất để kéo ống bê tông, đội cứu hộ đề xuất đóng lồng thép rộng 1,5 m, dài 19 m để bao quanh ống cọc bê tông. Sau đó tiến hành xử lý hết bùn đất phía trong, đến khi áp lực ma sát giảm xuống thấp nhất sẽ tiến hành nhổ ống cọc bê tông lên.
Phương án này tiếp tục gặp khó khăn bởi khi đào xuống độ sâu trên 30 m, đội cứu hộ gặp phải tầng đất có kết cấu phức tạp, đất chặt. Dù đội đã kết hợp khoan guồng xoắn và khoan xoáy nước cũng không đạt hiệu quả.
Hai ngày sau, đoàn chuyên gia Nhật Bản đến hiện trường khảo sát. Đoàn đưa ra phương án có tính khả thi, tuy nhiên ở hiện trường chưa đủ thiết bị và điều kiện với yêu cầu đoàn đưa ra, do vậy đã không thể thực hiện được.
Đến ngày thứ 7, phương án lại được điều chỉnh lần thứ tư. Đây là phương án được đưa ra sau khi lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp xác nhận bé trai tử vong vào ngày 4/1. Đến lúc này, việc duy trì sự sống cho nạn nhân đã kết thúc, lực lượng cứu hộ thay đổi phương án với mục đích đưa thi thể lên nhanh nhất.
Phương án mới là sử dụng kết hợp giữa cọc ván thép và ống vách thép trong quá trình làm sạch đất xung quanh ống cọc bê tông. Theo đó, cọc ván thép sẽ được đóng xung quanh ống cọc bê tông tạo thành một bộ khung 4,8 m x 4,8 m, đất xung quanh ống cọc được lấy lên bằng gàu xúc (tạm gọi là tầng 1).
Từ đáy tầng 1, lực lượng cứu hộ dùng ống vách thép đường kính 1,6 m đóng xuống đến khi đạt độ sâu của đáy ống cọc bê tông (tạm gọi là tầng 2), nhằm lấy đất xung quanh ống cọc lên bằng khoan guồng xoắn. Sau khi tiếp cận đáy ống cọc sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhấc ống cọc bê tông lên.
Phương án cứu hộ triển khai qua 11 bước, cần sự hỗ trợ của các thiết bị chuyên dụng được điều động thêm. Sau bốn ngày công bố phương án, các thiết bị mới được tập kết đầy đủ đến hiện trường, bao gồm gầu cạp đất, cẩu 80 tấn, đầu khoan cọc nhồi đường kính 0,6-1 m, ống vách đường kính 1 m và 2 m, búa rung 180 kW và máy phát điện kèm theo.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định với toàn bộ thiết bị trên, trong 1-2 ngày tới, đơn vị có khả năng kéo được ống cọc bê tông lên. Tuy nhiên, đây mới chỉ khả năng chứ chưa thể chắc chắn thời gian kéo được ống cọc.
Cho đến lúc này, không thể không ghi nhận nỗ lực vượt bậc của lực lượng cứu hộ, và nhiệt tâm cứu người của nhiều công nhân, cán bộ, chuyên gia trong và ngoài nước. Hy vọng, em H.N sẽ sớm được đưa lên mặt đất, để an ủi nỗi lòng gia đình em. Và cũng là để cho những người tìm kiếm ngày đêm nỗ lực, phải đối diện với nguy hiểm được phép nghỉ ngơi, khi cái Tết đang cận kề.
Hạ Băng