Vị nguyên soái trở mặt vì 1 câu nắn gân của lãnh tụ Trung Quốc là ai?
Theo “Báo cáo theo dõi các sự kiện trong quá khứ của Bắc Đới Hà”, Lâm Bưu đã bức hại người chống đối, đưa thân tín vào kiểm soát quân đội Trung Quốc nhằm thâu tóm quyền lực.
Lâm Bưu là ai?
Vào tháng 8/1966, Lâm Bưu là nhân vật số hai có quyền lực vô hạn đúng nghĩa dưới một người trên vạn người của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Cột mốc tạo nên dấu ấn của Lâm Bưu, không thể không nhắc đến sự kiện ngày 13/8/1966, Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã tổ chức cuộc họp. Tại đây, Lâm Bưu đã công bố chính sách “Ba bãi chức” đầy tính đe dọa của mình:
“Thứ nhất, những ai không giương cao ngọn cờ đỏ của Tư tưởng Mao Trạch Đông, chống lại Tư tưởng Mao Trạch Đông, bãi chức.
Thứ hai, những ai làm loạn công tác chính trị và tư tưởng, hoặc chống đối Cách mạng Văn hóa, bãi chức.
Thứ ba, những ai không có động lực cách mạng, bãi chức.”
Tháng 1/1967, khắp Trung Quốc đã nổ ra một cuộc tranh giành quyền lực điên cuồng. Vào thời điểm đó, Lâm Bưu đã giải thích việc nắm quyền theo cách này: “Cả cấp trên, cấp giữa hoặc cấp dưới đều phải nắm lấy. Một số vị trí có thể nắm sớm, một số có thể nắm muộn, hoặc từ cấp trên, hoặc từ cấp dưới, hoặc kết hợp cả trên và dưới”.
Lâm Bưu và đồng bọn lúc này vẫn đang muốn giành quyền lãnh đạo đảng và chính phủ Trung Quốc, ông không từ một thủ đoạn nào để bức hại những người chống đối. Lâm Bưu đã đưa người của mình vào các đơn vị quan trọng của quân đội. Để Khâu Hội Tác làm người đứng đầu Tổng cục Hậu cần, Lý Tác Bằng quản lý Hải quân, Ngô Pháp Hiến nắm Không quân, và Diệp Quần (vợ Lâm Bưu) làm người kết nối, tạo thành một nhóm phản đảng và kiểm soát các cơ quan trọng yếu của quân đội Trung Quốc.
Mùa xuân năm 1968 xảy ra vụ việc Dương Thành Vũ (Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh), Dư Lập Kim (Chính Uỷ Không quân) và Phó Sùng Bích (Phó Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh) bị hạ bệ. Nhân cơ hội này, Lâm Bưu đã điều thuộc hạ cũ là Hoàng Vĩnh Thắng – lúc đó đang là Tư lệnh Quân khu Quảng Châu – về giữ chức Tổng Tham mưu trưởng. Bằng cách này, một băng nhóm do Lâm Bưu đứng đầu với năm thành viên chủ chốt: Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Diệp Quần, Lý Tác Bằng và Khâu Hội Tác đã được hình thành đầy đủ.
Sự hình thành của nhóm Lâm Bưu là kết quả của việc Cách mạng Văn hóa đã phá hoại các nguyên tắc tổ chức của ĐCSTQ và chủ nghĩa bè phái tràn lan. Tuy nhiên, sau khi kết thúc Đại hội ĐCSTQ lần thứ 9 vào tháng 4/1969 – với việc Lâm Bưu được ghi vào Điều lệ ĐCSTQ là “chiến hữu thân cận và là người kế nhiệm” của Mao Trạch Đông, hai băng nhóm Lâm Bưu và Giang Thanh đã chấm dứt quan hệ, thay vào đó, bắt đầu đấu đấu đá để tranh giành quyền lực tối cao.
Băng nhóm Lâm Bưu cho rằng, hầu hết các cán bộ thuộc thế hệ cũ đã bị hạ bệ. Theo Lâm Lập Quả, mối đe dọa chính hiện tại là “Băng đảng Thượng Hải”, cụ thể là Trương Xuân Kiều (Chủ nhiệm Ủy ban Cách mạng Thượng Hải). Đứng sau Trương chính là Giang Thanh.
Cú tát của Mao Trạch Đông và sự “tạo phản” của Lâm Mao
Hội nghị toàn thể lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 9 được tổ chức tại Lư Sơn vào tháng 8/1970 là một cơ hội để nhóm Lâm Bưu giành được quyền lực. Phương pháp cụ thể là tiếp tục ca ngợi Mao Trạch Đông là “thiên tài” và đề xuất vị trí Chủ tịch nước, hạ bệ các thế lực khác không tán thành đề xuất này, nhằm dọn đường cho Lâm Bưu trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc sau Mao.
Tuy nhiên, Mao Trạch Đông vốn đã “chán ghét” thói xu nịnh sùng bái cá nhân, đồng thời cảm thấy quyền lực của băng nhóm Lâm Bưu đang ngày càng mạnh, nên đã chỉ trích Trần Bá Đạt – người tạo dư luận cho Lâm Bưu – nhằm mục đích giáng một đòn phủ đầu vào băng nhóm này.
Ngày 1/9, Bộ Chính trị ĐCSTQ và các tổ triệu tập cuộc họp. Mao Trạch Đông nghiêm khắc chỉ rõ: “Ai phát biểu sai trong hội nghị Lư Sơn lần này đều có thể tự kiểm điểm”. Mao vẫn tin tưởng Lâm Bưu nên yêu cầu Lâm Bưu triệu tập Ngô Pháp Hiến, Diệp Quần, Lý Tác Bằng và Khâu Hội Tác để họp kiểm điểm.
Chiều ngày 6/9/1970, Hội nghị toàn thể lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 9 kết thúc với thông báo rằng họ sẽ kiểm điểm Trần Bá Đạt.
Ba ngày sau, thông cáo chung của Hội nghị được sửa đổi theo ý của Mao Trạch Đông đã được công bố. Thông cáo viết bằng ngôn ngữ rất mơ hồ: “Toàn đảng phải nghiêm túc nghiên cứu các tác phẩm triết học của Chủ tịch Mao, ủng hộ chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, phản đối chủ nghĩa duy tâm và siêu hình học”. Thông cáo cũng nhấn mạnh rằng nội bộ đảng phải đoàn kết và phản đối chủ nghĩa ly khai.
Khi đó, hầu hết mọi người chỉ lướt qua thông cáo này mà không để ý đến hàm ý bên trong. Nhưng Lâm Bưu nhận thức sâu sắc rằng trọng tâm của thông cáo chung là ngụ ý rằng toàn đảng cảnh giác và chống lại chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa ly khai. Bề ngoài là phê bình Trần Bá Đạt, nhưng Trần chỉ là một học giả không có quyền lực và tầm ảnh hưởng, nếu muốn “chia rẽ” thì lấy đâu ra tiền bạc và lực lượng? Rõ ràng là muốn ám chỉ Lâm Bưu.
Sau Hội nghị toàn thể lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 9, Mao Trạch Đông – người luôn phản đối các hoạt động âm mưu trong đảng – nhận ra rằng các hoạt động hậu trường của Lâm Bưu và Trần Bá Đạt cần được phơi bày và xử lý, nên đã áp dụng một số biện pháp được gọi là “ném đá”, “trộn cát và “đào chân tường”.
“Ném đá” là chỉ một số văn bản và chỉ thị do Mao Trạch Đông ban hành trong thời gian này để phê bình Trần Bá Đạt. “Trộn cát” là đưa người vào tổ công tác của Quân ủy Trung ương do Lâm Bưu chỉ huy. “Đào chân tường” đề cập đến việc tổ chức lại Quân khu Bắc Kinh.
Tuy nhiên, để cho Lâm Bưu và những kẻ khác có cơ hội ăn năn hối cải, cuộc vận động học tập và phê bình của Mao Trạch Đông trong thời kỳ này trên danh nghĩa vẫn nhằm vào Trần Bá Đạt, thực chất là phê bình Lâm Bưu, trực tiếp nhằm vào băng nhóm do Lâm Bưu cầm đầu.
Sau khi băng nhóm của mình bị Mao Trạch Đông chỉ trích tại Hội nghị Lư Sơn, Lâm Bưu cảm thấy địa vị “Phó thống soái” bị đe dọa và có rất ít hy vọng về một kế hoạch chuyển giao quyền lực suôn sẻ. Vào tháng 10 cùng năm, một nhóm nhỏ có tên “Hạm đội liên hợp” được thành lập dưới sự chỉ huy của Lâm Lập Quả, nhằm mưu hại Mao Trạch Đông và xúi giục một cuộc đảo chính vũ trang.
Lâm Bưu