+
Aa
-
like
comment

Vì màu xanh quốc kế dân sinh

27/02/2021 06:53

Một tỷ cây xanh không chỉ là một tỷ mầm sống, mà còn là niềm tin, hy vọng và ước mơ – những điều cao cả, lớn lao không thể đo đếm bằng con số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Tết trồng cây hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” tại tỉnh Tuyên Quang

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn khuyến khích việc trồng cây. Bản thân Người cũng là một tấm gương trong việc trồng và giữ gìn, chăm sóc cây xanh. Chúng ta nhớ lại, dù giữa bộn bề thách thức của công cuộc kháng chiến đi đôi với kiến quốc nhưng chính Bác là người đầu tiên trực tiếp phát động Tết trồng cây ngày 28/11/1959 với mong muốn: Trong 10 năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta.

Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng, “trồng cây nào, chắc cây ấy”. Người còn lưu ý: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục…”, “Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó”.

Với đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu, chúng ta càng hiểu sâu sắc về giá trị màu xanh của rừng, của cây, thấm thía hơn lời dạy của Bác, để làm sao bảo vệ và phát triển món quà thiên nhiên đã ban tặng và ưu đãi: Rừng vàng biển bạc – tài sản quý báu của đất nước.

Nhớ lại năm 2020, chúng ta không khỏi bàng hoàng trước hậu quả của thiên tai, bão lũ lịch sử ở miền Trung, đặc biệt là tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Khi đó, đây trở thành vấn đề nóng trong dư luận và trên các diễn đàn. Tại phiên chất vấn cuối cùng của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV diễn ra sáng 10/11/2020, trước câu hỏi của đại biểu về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhiều nguyên nhân được đưa ra như do biến đổi khí hậu, địa hình dốc đứng, tác động của con người.., “song bất luận là vì nguyên nhân gì thì vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, một cách nghiêm ngặt” và lần đầu tiên đưa ra sáng kiến về chương trình trồng 1 tỷ cây xanh.

Lời nói đi đôi với hành động, vào ngày cuối cùng của năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây”, kêu gọi cả nước chung sức, đồng lòng trồng mới 1 tỷ cây xanh.

Ngay sau khi Thủ tướng ra Chỉ thị này, ngày 2/1/2021, tỉnh Bến Tre (với sự phối hợp của Cổng TTĐT Chính phủ) là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức thực hiện với việc tổ chức phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh.

Ngay sau Tết Tân Sửu năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Thủ tướng đã dự Tết trồng cây tại tỉnh Phú Yên – “xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh” hưởng ứng với đề án trồng 15 triệu cây xanh. Tại đây, Thủ tướng đã chính thức đưa ra thông điệp cho chương trình 1 tỷ cây xanh là “Vì một Việt Nam xanh”. Rồi sau Phú Yên một vài ngày, Thủ tướng chọn Tuyên Quang, một trong những lá phổi của Việt Nam, để phát động Tết trồng cây hưởng ứng chương trình 1 tỷ cây xanh.

Thủ tướng và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia trồng hơn 3.000 cây chò chỉ giống bản địa trên diện tích 3 ha. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao. Tuyên Quang, với độ che phủ rừng tới 65%, được kỳ vọng là địa phương về đích trước với đề án hưởng ứng rất mạnh mẽ: Trồng 70 triệu cây xanh. Tỉnh miền núi Đông Bắc cũng được giao nhiệm vụ trở thành cứ điểm của ngành gỗ Việt Nam – quốc gia hiện đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á, thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản (với kim ngạch xuất khẩu gần 13 tỷ USD).

Một tỷ cây xanh không chỉ là một tỷ mầm sống, mà còn là niềm tin, hy vọng và ước mơ – những điều cao cả, lớn lao không thể đo đếm bằng con số như thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi từ “thủ đô kháng chiến”, đó là: Mỗi cây trồng hôm nay là một ước mơ, niềm tin và hy vọng mà nhân dân vun đắp, gửi gắm. Cây đa Tân Trào là biểu tượng của sự che chở cách mạng từ những ngày đầu giành chính quyền và lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Nay, chúng ta trồng cây xanh để thúc đẩy quốc kế dân sinh, cũng là vì để kế tục sự nghiệp làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Muốn cho dân giàu nước mạnh thì phải phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng phát triển kinh tế-xã hội phải hài hòa với thiên nhiên. Đó mới chính là con đường đưa đất nước đến ấm no, hạnh phúc và bền vững thật sự. Và phải làm sao để tinh thần “phát triển xanh, sạch, bền vững” thấm sâu vào mọi hoạt động kinh tế-xã hội, vào mỗi tâm tư, tình cảm, trách nhiệm của mỗi công dân hôm nay và mai sau.

Vì vậy, “mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức hãy “xắn tay áo” vào cuộc để cùng nhau gieo những mầm xanh của sự sống, của mùa xuân hy vọng, của niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước ta, dân tộc ta”. Như Bác Hồ từng chỉ rõ: “Việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân”.

Với khí thế hành động thiết thực trên khắp mọi miền Tổ quốc như Xuân này, chúng ta có thể hy vọng vào một con số nhiều hơn thế, không chỉ dừng ở một tỷ cây xanh.

Đức Tuân/VGP

Bài mới
Đọc nhiều