+
Aa
-
like
comment

Vì kế mưu sinh, người nghèo được quyền “đạp” lên pháp luật?

Tifosi - 17/01/2021 10:45

“Cái nắm tay hay cú đá đó không phải là để dành cho dân!” – Đó là tiêu đề “huyền thoại” trên báo Lao Động vào tháng 4/2016 về vụ việc một đồng chí công an trấn áp một người bán rong vỉa hè có thái độ thách thức, bất chấp hướng dẫn an toàn giao thông. Hồi ấy, cánh báo chí và phần đông dư luận cho rằng hành vi của anh công an là sai, vì anh bán hàng rong nghèo, khó, vì mưu sinh, anh bán hàng rong “không có tội”, cái nghèo mới khiến anh bán hàng rong hành động bất tuân pháp luật, nghèo thì cần thông cảm thay vì tuân theo pháp luật cứng nhắc.

CSGT Hà Nội xử lý xe chở hàng cồng kềnh trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân – Ảnh: Văn Huế

Một anh công an, đại diện cho pháp luật, hành động đúng với trách nhiệm, tự dưng trở thành một kẻ phản diện, bạo quyền? Anh bị kiện, gia đình anh bị cư dân mạng tấn công, chỉ vì “làm đúng nhiệm vụ”.

Tháng 1/2017, anh bán hàng rong mà cư dân mạng bao biện hồi trước đó, đã dùng xe ba gác tông thẳng vào người một chiến sĩ công an khác, anh công an bị mắc vào xe và hô hoán, tên này vẫn bất chấp, kéo lê công an thêm 100m, đạp anh công an để tẩu thoát.

Tháng 4/2020, một người bán hàng rong ở Quảng Ninh bất chấp lệnh giãn cách xã hội, cố tình dựng hàng bán mặc cho đã được nhắc nhở nhiều lần từ cơ quan chức năng. Nói mãi không nghe, cơ quan chức năng đưa người bán hàng rong về phường xử lý, thì chị cầm dao quơ quơ, bất tuân và chống đối cơ quan chức năng.

Đoạn clip ngắn ghi lại cảnh chị chống đối cơ quan chức năng, được nhiều cư dân mạng vinh danh là “chị Dậu” trong truyện của Ngô Tất Tố, người ta nói chị đã đeo khẩu trang, rồi bán hàng chỉ cần giãn cách 2m là đủ? Thế giờ ai cũng làm như chị, thì cái lệnh giãn cách xã hội vứt đi à?

Vậy mà chỉ cần chị nói chị nghèo là nhận được bao la sự cảm thông của xã hội, dân mạng thì nói chính quyền Quảng Ninh áp bức dân lành, không thấu hiểu cho dân. Nhưng liệu có ai đứng ở vị trí những con người đang căng mình chống dịch, bảo vệ tính mạng cho người dân không?

Nếu chị bán hàng rong bị nhiễm bệnh, rồi lây bệnh cho những người khác, thì công lao của hàng rất nhiều người sẽ đi trong phút mốt, không chỉ một tháng giãn cách, mà có khi sẽ là cả một năm giãn cách, thiệt hại kinh tế sẽ vô cùng lớn.

Tháng 7/2020, diễn viên nghiệp dư Dưa Leo đăng tải một dòng trạng thái lên trang cá nhân, cho rằng những người vượt biên trái phép về Việt Nam trốn dịch không hề có tội, do họ nghèo khổ, phải mưu sinh nên mới chọn cách vượt biên.

Những người vượt biên ấy, đã đạp đổ công lao của biết bao nhiêu con người chống dịch vất vả từ đầu năm đến giờ, còn khiến tính mạng của rất nhiều người khác nguy hại. Như trường hợp của bệnh nhân 1440, bỏ rất nhiều tiền để vượt biên, rồi mang bệnh dịch về cho đất nước…

Rõ ràng, các đại sứ quán đã thông báo rõ, các chiến sĩ biên phòng cũng ngày đêm tuyên truyền, rằng có thể nhập cảnh ở cửa khẩu, rồi sẽ được đưa đi cách ly. Nhưng không, lại muốn tốn tiền, không muốn cách ly nữa cơ.

Nghèo khổ thì đúng là đáng thương thật, nhưng lấy cái nghèo khổ để biện minh cho hành động sai trái, thì đó không phải là đáng thương nữa rồi, mà còn đáng trách hơn.
Một chú lái xe viết dòng chữ: “Xin lỗi vì tôi đã chở hàng cồng kềnh” ở phía sau xe, nhiều cư dân mạng vào khen là dễ thương, là ấm áp, là tình nghĩa và trách nhiệm.

Nhưng mình xin ngược dòng một chút, rõ ràng, hành vi chở hàng cồng kềnh là sai trái với quy định của pháp luật, có quá nhiều vụ việc tai nạn xảy ra xung quanh câu chuyện chở hàng cồng kềnh rồi, còn nhớ vụ việc cháu bé bị tôn cứa cổ không? Và mình dám chắc rằng, những ai đọc bài này, đều đã từng chứng kiến hoặc biết về sự nguy hiểm mà việc chở hàng cồng kềnh gây ra.

Dĩ nhiên, như trong bức ảnh, chú chưa chở hàng cồng kềnh và chưa vi phạm pháp luật. Nhưng xét ở yếu tố câu chữ, chúng ta chỉ có thể thông cảm, chứ không thể bênh vực, cổ xúy hay tung hô được.

Biết là sai nhưng vẫn làm, chỉ cần lý do nghèo là đủ?

Thượng tôn pháp luật là gì? Là tất cả mọi người đều phải hành động dựa trên pháp luật, không có bất cứ ngoại lệ nào cho việc đứng trên pháp luật cả.

Không phải lúc nào cũng có thể “xin lỗi” được, việc dung túng tiếp tay, dễ dãi bỏ qua cho các hành vi vi phạm, sẽ tạo ra một tiền đề xấu cho những người khác sẵn sàng đi vào vết xe đổ đó, rồi lại “xin lỗi”. Một khi hậu quả đã xảy ra, chỉ một câu “xin lỗi” không giải quyết được, luật pháp không có từ “xin lỗi”.

Nhiều người bảo: “Có dám chắc là mày chưa từng vi phạm luật giao thông chưa? Mày vi phạm thì người ta cũng vi phạm được”. Thực tình, không thể đem một cái sai này để bào chữa cho một cái sai khác được. Bất cứ một hành động vi phạm pháp luật nào đều đáng trách và phải bị xử phạt, chứ không phải người này vi phạm thì người kia cũng được vi phạm, như thế thì người người sẽ “đua” nhau phạm lỗi, xã hội này tàn rồi.
Nhân từ và đạo đức, làm ơn hãy đặt đúng chỗ.

Tifosi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều