+
Aa
-
like
comment

Vị Giáo sư hóa học gốc Việt từng không biết chữ

02/09/2019 15:25

Nhiều người ở Canada đã tỏ ra không tin khi đài Radio Canada kể lại câu chuyện một người gốc Việt từng không biết chữ nhưng đã phấn đấu trở thành giáo sư hóa học ở Canada.

Vị giáo sư hóa học gốc Việt từng không biết chữ - Ảnh 1.
Giáo sư Adam Dương – Ảnh: Radio Canada

Đó là câu chuyện về ông Adam Dương – người mà đài của Canada cho biết đặt ra mục tiêu hành động trong đời là “có chí ắt làm nên”.

Với Adam Dương, không hề có gì gọi là không thể đạt đến.

Cô Jade Loranger (HLV thể dục dụng cụ)

Gia đình ông rời Việt Nam sang Pháp vào cuối những năm 1980. Khi đó, ông mới 10 tuổi và không biết đọc, biết viết. Gia đình ông định cư ở khu vực người nghèo tại thành phố Strasbourg, miền đông bắc nước Pháp.

Lần đầu bước vào trường học, ông Dương nhớ rằng mình đã “mất phương hướng” vì không biết đọc cũng như viết. “Tôi phải bắt đầu từ con số 0”, giáo sư Dương nhớ lại.

Có một điều đã làm thay đổi cuộc đời Adam Dương sau này, đó là cậu bé họ Dương tỏ ra hết sức ham học hỏi, sẵn sàng đương đầu những thử thách. Điều đó đã khiến thầy cô giáo trong lớp bất ngờ. Họ tập trung khuyến khích cho cậu bé nhập cư, và ngược lại khi được khuyến khích, cậu bé lại càng chăm học.

“Tôi nhớ thầy cô luôn động viên: con giỏi lắm, con ngoan lắm, con có khả năng đó, thầy cô có mặt ở đây là để giúp con… Vì thế, tôi thấy tự tin hẳn ra và cảm thấy mình có thể làm được. Từ đó, tôi thấy thích đến trường và đó là cú hích đầu đời cho tôi” – ông Dương nhớ lại những năm tháng đầu tiên đi học ở Pháp.

Từ một cậu bé không biết đọc, biết viết và dĩ nhiên ngôn ngữ tiếng Pháp lại càng không, Adam Dương theo đuổi con đường học hành lên đến đại học. Gia đình mười anh chị em của ông không ai theo đuổi con đường học vấn lâu dài như ông. Ông xin được học bổng cao học ở Đại học Strasbourg của Pháp.

Nhưng điều đó dường như chưa đủ cho giấc mơ của chàng trai gốc Việt say mê môn hóa học. Ông đi làm việc trong mùa hè để gom tiền mua vé máy bay sang Canada, sống vài tháng ở Québec nhằm tìm kiếm học bổng mới. Cuối cùng, ông được chấp nhận làm nghiên cứu sinh tiến sĩ hóa hữu cơ ở Đại học Montréal.

Năm 2011, ông hoàn thành luận án tiến sĩ về mô hình và tổng hợp của hệ thống ảnh 2D và 3D của siêu phân tử. Nhờ đó, ông tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học California (UCLA) danh tiếng ở Los Angeles (Mỹ) và vào nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (UCB) cũng ở Mỹ – nơi ông tập trung vào phương thức tổng hợp vật liệu để lưu trữ năng lượng.

Năm 2014, Adam Dương được chấp thuận cho vị trí giáo sư hóa học tại Đại học Québec Trois-Rivières (UQTR) của Canada. Nghiên cứu của ông tập trung đến việc phát triển các vật liệu mới cho năng lượng và công nghệ nano.

Cùng lúc này, ông được phép mở phòng thí nghiệm và nhóm của ông tập trung vào việc thiết kế, tổng hợp và chức năng hóa các vật liệu để lưu trữ và vận chuyển năng lượng.

“Những gì thầy cô trước đây làm cho tôi, tôi từng nghĩ đến ngày nào đó mình sẽ làm lại cho người khác. Dạy kiến thức cho ai đó, đào tạo ai đó, “cho lại” những gì người khác đã trao cho tôi. Xã hội đã cho tôi một số thứ và tôi muốn san sẻ lại cho những người khác. Đó chính là động lực trong đời của tôi, là ngọn lửa mà tôi quyết giữ cho nó cháy mãi”, giáo sư Adam Dương chia sẻ về những gì mình đang cố gắng làm.

Dường như ông làm còn tốt hơn những gì thuở xưa ông được nhận. Những sinh viên đang được ông hướng dẫn làm luận án thạc sĩ hoặc tiến sĩ đều có được học bổng tốt và được hướng dẫn trong môi trường cực kỳ trẻ trung.

Những gì thầy cô trước đây làm cho tôi, tôi từng nghĩ đến ngày nào đó mình sẽ làm lại cho người khác. Dạy kiến thức cho ai đó, đào tạo ai đó, “cho lại” những gì người khác đã trao cho tôi. Xã hội đã cho tôi một số thứ và tôi muốn san sẻ lại cho những người khác”.

Giáo sư Adam Dương

Đài Radio Canada kể rằng có khi trao đổi xong với sinh viên về quá trình tổng hợp chất xúc tác để sản xuất hydro, vị giáo sư trẻ đề nghị chơi trò bắn súng sơn với sinh viên của mình. Cách thức học hành của ông là thế: phải thật thoải mái, phải có sức khỏe để bền chí, để giữ tư duy sáng tạo…

Cách thức đó người cha của hai đứa con vẫn duy trì cho đến lúc này. Ông đăng ký cho hai con của mình vào học ở CLB thể dục của Trường đại học UQTR, nơi ông đang giảng dạy. Khi đứng xem con tập tành, ông nhớ lại giấc mơ từ thuở bé: trở thành vận động viên thể dục dụng cụ như từng được chứng kiến đội hình 7 vận động viên kiệt xuất của Mỹ đoạt HCV kỳ Thế vận hội Atlanta năm 1996.

“Tôi đứng nhìn con mình tập luyện rồi tự nhủ mình cũng muốn tập được như con, được nhảy ngựa, nhảy xà kép…”, nhưng ông cũng lo ngại về tuổi tác và sức khỏe.

Giáo sư Adam Dương chấp nhận một thử thách mới: đăng ký vào lớp học thể dục dụng cụ dành cho người trưởng thành. Cô Jade Loranger – HLV của “học trò” Adam Dương – nhớ lại: “Anh ấy luôn hào hứng trong tập luyện và đến nay vẫn giữ niềm vui đó. Vào lớp là anh ấy muốn học tất cả, muốn tập luyện tất cả”.

Cô giáo Jade cũng phải thừa nhận mình luôn bị bất ngờ đầy thú vị trước sự sung mãn của học trò 40 luôn tập “bùng nổ như quả bom nhỏ”, nhào lộn, tung mình trên không không hề biết sợ.

“Chỉ trong vài tháng mà anh ấy đã thực hiện được nhiều động tác mà ít người ở tuổi 40 dám thực hiện”, cô Jade kể lại. Hẳn cô chưa biết người học trò của cô từng bắt đầu từ con số 0 ở tuổi lên 10.

(Theo KHƯƠNG HỮU/Tuổi Trẻ)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều