+
Aa
-
like
comment

Vị chính khách “bình dân” đi chợ đầu mối, lội nước thăm đồng bào

06/04/2021 07:05

Ông Nguyễn Xuân Phúc (67 tuổi) sáng 5/4 đã tuyên thệ trước Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước, đây là lần đầu tiên, một Thủ tướng đương nhiệm được bầu làm Chủ tịch nước.

Năm năm qua, những thành tựu, di sản do ông cùng Chính phủ tạo nên với sự đổi mới sáng tạo, năng động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã giúp “con tàu Việt Nam vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức”.

Những chuyến đi địa phương dày đặc

Gánh trên vai trách nhiệm nặng nề với vai trò là “người cầm lái”, Thủ tướng sẽ chèo lái “con thuyền Chính phủ” ra sao? Khi ông mới nhậm chức đã có khá nhiều người lo lắng đã ra câu hỏi như vậy và cho rằng đây là một nhiệm kỳ hoạt động hết sức khó khăn của Chính phủ nói chung và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói riêng.

Tuy nhiên, nỗi lo lắng ấy được xua tan ngay trong phiên họp thường kỳ đầu tiên của Chính phủ vừa được kiện toàn, Thủ tướng đã có định hướng “phải chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ; quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.

Thủ tướng thị sát mưa lũ ở Phố Cổ Hội An tháng 11/2017 dịp Tuần lễ cấp cao APEC. Ảnh: TTXVN

Chỉ trong một tháng đầu, những nơi Thủ tướng đặt chân đều để lại dấu ấn về hành động hiệu quả. Ngày 17/4, ông có mặt tại Quảng Trị, ngày 22/4 tại Lai Châu và ngày 24/4 tại Quảng Nam. Ông đã liên tiếp dự các hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch và khởi công một số dự án lớn.

Một tuần sau, Thủ tướng đã vào TP.HCM ngày 29/4 và đến Đồng Nai vào ngày 30/4 để chủ trì hội nghị trực tuyến với hơn 500 doanh nghiệp và đối thoại với 3.000 công nhân. Ngày 1/5, Thủ tướng trở ra Hà Tĩnh để làm việc khẩn cấp với UBND các tỉnh miền Trung về sự cố môi trường biển.

Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng thực hiện phương châm hành động đầy quyết tâm của mình và dễ dàng nhìn thấy nhất là việc “Nói đi đôi với làm”. Trong cả nhiệm kỳ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã có 570 chuyến đi “lên rừng, xuống biển”.

Đúng như ĐBQH nhận định, Chính phủ nhiệm kỳ này là một Chính phủ có khát vọng vì một Việt Nam hùng cường với hình ảnh của một vị Thủ tướng xông xáo, năng động.

“Phát biểu trước Quốc hội thời điểm đầu nhiệm kỳ, tôi đã nêu: Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48. Nhưng rất tự hào là đến nay xếp hạng của nước ta đã tăng 11 bậc (vượt qua 11 quốc gia) đứng thứ 37 thế giới.

Dù con đường đi lên còn đầy khó khăn, thử thách, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng không lâu nữa Việt Nam sẽ bước sang ngưỡng thu nhập trung bình cao và gia nhập Nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào 2045”, Thủ tướng nói trước Quốc hội ngày 29/3.

Vị chính khách “bình dân” đi chợ đầu mối, lội nước thăm đồng bào
Nhiều tiểu thương chợ Long Biên vui vẻ khi trò chuyện trực tiếp với Thủ tướng. Ảnh: VGP

Sự tâm huyết với đất nước của người đứng đầu Chính phủ là như vậy nhưng ông cũng thẳng thắn thừa nhận về những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua khi còn nhiều vấn đề người dân quan tâm, như vẫn còn một bộ phận cán bộ thờ ơ, vô cảm, thiếu quyết liệt, việc cần làm, phải làm nhưng không làm được, nói không đi đôi với làm, ngại va chạm nên nhiều lúc cái sai, cái ác không được lên án…

Bình dị, gần gũi

Với phong thái giản dị, gần gũi, không có khoảng cách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã để lại ấn tượng đẹp với đông đảo nhân dân, các giới trong xã hội.

Sáng sớm tinh mơ một ngày tháng 9/2016, tiểu thương chợ đầu mối lớn bậc nhất Hà Nội ngỡ ngàng khi bắt gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đi thị sát. Không ngỡ ngàng sao được khi mặt trời còn chưa ló rạng, đến người bình thường cũng chưa đi chợ vào giờ này nay lại bắt gặp cảnh tượng đích thân Thủ tướng vi hành.

Đến thăm một số quầy hàng, trò chuyện với các tiểu thương kinh doanh, buôn bán, Thủ tướng tâm sự với bà con buôn bán cần giữ gìn đạo đức kinh doanh, không vì lợi nhuận mà mua bán những loại hoa quả có ngâm tẩm, chứa chất bảo quản độc hại, không rõ nguồn gốc, gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng và cho chính bản thân.

Tháng 10/20216, trước khi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng lại đi thị sát một công ty cung cấp suất ăn cho công nhân, kiểm tra việc kinh doanh thực phẩm của siêu thị, thậm chí ông còn kiểm tra nồi nước dùng của bà hàng phở bên đường.

Quán phở bình dân trên đường Nguyễn Hậu, quận Tân Phú, TP.HCM, đón vị khách đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đến dùng bữa.

Ông xem kỹ từng cái bát để xem đã sạch chưa, hỏi cách nấu phở, rồi mời cả đoàn ngồi xuống ăn như bao người khác. Chủ quán ngỡ ngàng. Người dân cũng ngỡ ngàng không kém khi ông đứng lên trả tiền ăn sáng, uống cà phê cho cả đoàn.

Sau khi ăn phở, uống cà phê xong, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc quán làm ăn tốt và kèm theo lời căn dặn: “Làm theo lương tâm của mình, buôn bán phải đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên trên hết; lấy thực phẩm an toàn để đảm bảo bữa ăn ngon, sạch cho người dân”.

Vị chính khách “bình dân” đi chợ đầu mối, lội nước thăm đồng bào
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra khu bếp của quán phở trên đường Nguyễn Hậu, quận Tân Phú, TP.HCM.

Trong nhiệm kỳ, ông đã 3 lần đối thoại với nông dân, 3 lần đối thoại với công nhân, 1 lần đối thoại với thanh niên, 1 lần đối thoại với thanh niên khởi nghiệp.

Khi “cơn bão” Covid-19 ập đến toàn cầu, trong đó có nước ta thì với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta đã kịp thời chống chọi thành công với chi phí thấp nhất, hạn chế tối đa thiệt hại. Khi “bão dịch”tạm thời yên ắng thì “khúc ruột” miền Trung lại gánh chịu bão lũ lịch sử, “bão chồng bão, lũ chồng lũ”. Và một lần nữa, Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu đã quyết liệt chỉ đạo chống chọi thiên tai với tinh thần “thời chiến”, chạy đua với bão, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Bà con những vùng thường xuyên gặp thiên tai đã quá quen thuộc với hình ảnh Thủ tướng giản dị, đầu đội mũ cối “thi gan” cùng bão, đi vào tâm lũ, trực tiếp tới thăm hỏi, động viên.

Nhớ lại đợt mưa lũ năm vừa qua, nhiều cuộc họp trực tuyến được gấp rút tổ chức, nhiều công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo, những bức thư động viên đã được xây dựng và phát hành “nhanh như gió”.

“Hứng chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão, “họa vô đơn chí”, nhưng càng như vậy, chúng ta càng phải có ý chí, phải có tinh thần lạc quan bước về phía trước” Thủ tướng nói khi thăm bà con ở thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh (Quảng Bình), vùng ngập nặng nhất.

Không chỉ đi trên những nẻo đường mưa chống bão cùng dân, Thủ tướng cũng đi trên những nẻo đường nắng cùng dân chống hạn.

Bằng những chuyến thị sát thực tế, ông cho thấy tâm huyết về để lo cho “cái an, cái ấm, cái no” của nhân dân, bởi đó chính là thước đo cho sự phát triển của một đất nước.

Những hành động cụ thể của người đứng đầu Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhân dân, nhiều người cảm động và thấy ấm lòng với những chuyến thị sát, cũng như quan tâm chân thành của Thủ tướng dành cho họ.

Có thể có những việc mà Chính phủ nhiệm kỳ qua chưa làm được. Nhưng những gì mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tư cách là người đứng đầu bộ máy hành chính quốc gia thể hiện, đã cho người dân tin tưởng vào tinh thần quyết tâm hành động của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân.

Mộc Miên

Bài mới
Đọc nhiều