Vì cây phượng đổ mà các trường chặt hết cây xanh là việc làm thái quá
Đại diện Bộ GD-ĐT nhìn nhận, sau vụ cây phượng đổ, đè học sinh ở Trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM), một số trường khác chặt hết cây là thái quá, không cần thiết và cũng không là giải pháp.
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ cây đổ và chặt cây ở các trường học, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) về công tác đảm bảo an toàn trường học.
Tất cả quy định đều đã có
* Phóng viên: Câu chuyện phượng đổ nói riêng và chuyện an toàn trường học đang khiến nhiều phụ huynh thấp thỏm. Hiện nay, để đảm bảo an toàn trong trường học, Bộ GD-ĐT đã có những quy định gì, thưa ông?
Ông Phạm Hùng Anh: Năm 2019, Bộ GD-ĐT đã ban hành Khung Trường học an toàn phòng, chống thiên tai và hướng dẫn thực hiện đánh giá. Trong đó, có 3 trụ cột gồm: Cơ sở vật chất trường học an toàn; Quản lý rủi ro thiên tai trong trường học; Giáo dục phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong trường học.
Về cơ sở vật chất, trường học an toàn có 28 tiêu chí đánh giá, trong đó có 1 tiêu chí “Các cây cao, cổ thụ ở sân trường và quanh trường được chặt, tỉa bớt cành trước mỗi mùa mưa bão và có rào chắn chắc chắn”.
Sau khi tập huấn từ lãnh đạo, chuyên viên của Bộ cho đến các nhà trường, Bộ đã ban hành 3 văn bản về nội dung trường học an toàn đến tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.
Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản 4470 ngày 28/9/2018 hướng dẫn về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, yêu cầu thực hiện nghiêm các chỉ đạo của ngành về công tác phòng chống thiên tai trong các cơ sở giáo dục,…
* Mới đây ngày 26/5, Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư mới nhất quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Tuy nhiên, thông tư này lại “vắng” nội dung quy định về việc trồng cây xanh trong trường học?
Đúng là trong Thông tư Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học vừa được ban hành, Bộ chỉ quy định số % diện tích trên sân trường dành để trồng cây xanh bởi thẩm quyền của Bộ chỉ được đến như vậy. Thậm chí, số % diện tích đó cũng không phải là do Bộ GD-ĐT tự đưa ra mà nằm trong tiêu chuẩn Việt Nam về xây dựng. Đây là quy định của ngành xây dựng đưa ra và chúng tôi áp dụng đúng quy định đó để đưa vào trường học.
Trong diện tích đó, trường trồng cây gì, trồng ra sao thì theo Nghị định 64 của Chính phủ ngày 11/6/2010 về quản lý cây xanh đô thị nói chung. Nghị định này cũng đã quy định việc các trường trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý.
Như vậy, các quy định đã có sẵn thuộc chuyên ngành quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng, Bộ GD-ĐT thống nhất theo khung an toàn trường học và không ra thêm văn bản nào để tránh chồng chéo.
* Sau các vụ cây phượng đổ liên tiếp trong trường học, Bộ GD-ĐT có lưu ý gì với các địa phương, trường học về vấn đề cây xanh?
Như đã nói ở trên, các quy định đã có, nhưng vấn đề đặt ra là các trường chưa nghiêm túc trong việc thực hiện.
Sau những vụ cây phượng đổ, Bộ đã đề nghị các nhà trường, theo quy định hiện hành, rà soát lại cây xanh trong khuôn viên. Với những cây xanh không đảm bảo an toàn, trường có phương án báo cáo với các cơ quan chức năng để xử lý.
Chặt hết cây không phải là giải pháp tối ưu
* Sự việc cây phượng đổ ở TP.HCM đã khiến một số trường học khác chặt hết các cây xanh, hoặc tỉa trụi hết các cành. Ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng này?
Sau sự việc cây đổ, vì sợ ảnh hưởng về trách nhiệm, các trường đua nhau chặt cây là không nên. Đó là những hành động thái quá, không quá cần thiết và không phải là giải pháp tối ưu. Hiện nay, cả thế giới đang phát động phong trào bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ sự đa dạng về sinh học. Các nhà trường tăng cường trồng cây xanh trong khuôn viên cũng góp phần cho việc này, gần hơn là tạo môi trường thân thiện, xanh sạch đẹp, bóng mát. Cây cối bị chết hay gãy đổ do mưa bão là không thể tránh khỏi, vấn đề là chúng ta chăm sóc, bảo vệ, có biện pháp chống đỡ ra sao… Qua trao đổi với các địa phương, tôi được biết sau đó các tỉnh đã chỉ đạo dừng việc chặt hết cây lại.
Bên cạnh đó, trồng cây và giáo dục cho học sinh chăm sóc và bảo vệ cây trong khuôn viên là một trong những nhiệm vụ mà các nhà trường cần phải làm.
* Bộ GD-ĐT còn có lưu ý gì các trường học về vấn đề an toàn khác như tường rào, quạt trần, hệ thống điện… nói chung không, thưa ông?
Từ năm 2018, Bộ GD-ĐT từng có công văn số 64 gửi UBND các tỉnh, thành phố về cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất trong trường học đảm bảo an toàn cho học sinh.
Để tránh xảy ra các vụ tai nạn ảnh hưởng đến môi trường an toàn cho học sinh tại trường học (sập tường rào, lan can, quạt trần rơi, một số công trình hết niên hạn hỏng gây mất an toàn,…), Bộ GD-ĐT tiếp tục yêu cầu các đơn vị trường học kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng, lập kế hoạch và thực hiện việc bảo trì công trình theo quy định.
Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp kiểm tra việc lập thiết kế cải tạo các công trình trường học đã xuống cấp theo các tiêu chuẩn thiết kế trường học và quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.
Ví dụ như đối với quạt trần, theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, quạt có thời gian sử dụng, dùng trong bao nhiêu năm phải tháo để thay mới. Nhưng do điều kiện kinh phí của các địa phương khó khăn nên sau khi trang bị xong thường cứ để thế dùng cho đến khi không chạy được nữa thì thôi. Tình trạng tương tự xảy ra ở các hạng mục khác. Điều này cần được các địa phương, nhà trường lưu tâm để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Bộ GD-ĐT đã có các văn bản quy định, chỉ đạo đôn đốc, tuy nhiên điều cơ bản là các trường có thực hiện đúng hay không. Qua đây, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc các quy định cũng như khung trường học an toàn.
* Xin cảm ơn ông!
Thanh Hùng/VNN