Vì các con, cha sẵn sàng làm người “đanh đá”
Trái ngược hoàn toàn với những hình ảnh tình cảm, cử chỉ ân cần điềm đạm dành cho các học trò thường này, HLV Park Hang-seo trở nên “đanh đá”, sẵn sàng tranh luận với trọng tài khi chứng kiến các cầu thủ U22 Việt Nam bị xử ép trên sân thi đấu.
Với đội tuyển bóng đá nam của Việt Nam, ông Park Hang-seo không chỉ là một nhà cầm quân, một chiến lược gia trong bóng đá, một người thầy dẫn dắt các cầu thủ tập luyện mà hơn cả ông còn là một người cha thứ hai của họ.
Vì là một người cha nên ông luôn quan tâm đến thể trạng của các con, theo dõi sát sao tình hình chấn thương để có biện pháp can thiệp, nhắc nhở kịp thời. Vì là cha nên ông không liều mạng đưa Quang Hải đang chấn thương ra sân thi đấu với Thái Lan mặc cho con trai đã mở lời xin phép. Vì là cha nên khi các con của mình là Bùi Tiến Dũng, Văn Toản, Hà Đức Chính,… mắc phải sai lầm, bị một số người chỉ trích, cha vẫn ra đứng ra bao bọc, làm bia đỡ đạn cho các con. Vì là cha nên ông sẵn sàng “chiến đấu” với trọng tài để bảo vệ quyền lợi cho các con.
Trong trận đấu chung kết SEA Games 30 gặp U22 Indonesia, khi Trọng Hoàng bị cầu thủ Indonesia phạm lỗi gần đường biên dọc, ngay trước mắt ban huấn luyện U22 Việt Nam nhưng trọng tài không hề thổi phạt cầu thủ đội bạn. Ngay lập tức, ông Park Hang-seo đã phản ứng quyết liệt với trọng tài để đòi lại công bằng cho các con bất chấp việc trọng tài rút ra 1 thẻ vàng và sau đó là 1 thẻ đỏ.
Có lẽ, ông Park Hang-seo là người cha huấn luyện đầu tiên tính đến thời điểm này vì những người con Việt Nam mà bị truất quyền chỉ đạo trên sân, vì các con mà ông chấp nhận một thẻ đỏ đầu tiên trong sự nghiệp làm huấn luyện viên của mình. Hình ảnh ông phải lên khán đài theo dõi trận đấu sau đó bị Ban Tổ chức Sea Games 30 yêu cầu vào phòng thay đồ khiến nhiều người bật cười tại khoảnh khắc đó nhưng trên hết vẫn là sự cảm kích, biết ơn. Tin rằng, không chỉ riêng các chàng trai của U22 Việt Nam mà còn rất nhiều người muốn nói lời cảm ơn với HLV Park Hang-seo. Cảm ơn ông đã hết lòng bảo vệ các cầu thủ, cảm ơn ông đã dành hết tâm huyết của mình cho bóng đá Việt Nam.
Cũng chính ông chứ không ai khác đã dạy cho các chàng thanh niên tuổi mới lớn của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam phải mạnh mẽ, ngẩng cao đầu dù có thất bại. Có lẽ, chúng ta vẫn còn nhớ câu nói xé tan bầu không khí nuối tiếc, buồn bã của của các cầu thủ sau trận đối đầu với U23 Uzbekistan ở vòng Chung kết giải Châu Á 2018: “Tại sao chúng ta lại phải cúi đầu, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình mà”. Đúng như vậy, khi chúng ta đã làm trên sức của mình thì dù kết quả như thế nào cũng không có gì phải xấu hổ cả. Ông Park Hang-seo có thể hơi nóng tính một chút nhưng ở góc độ tâm lý và cách nhìn nhận vấn đề, ông xứng đáng là thầy, là cha của các cầu thủ trẻ U22-U23 Việt Nam.
Những năm qua, dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam đã có sự lột xác ngoạn mục, cái tên Việt Nam trở thành một tượng khiến Đông Nam Á giật mình, cả Châu Á phải ngưỡng mộ. Với người dân trong nước, bóng đá đã tạo nên cụm từ “đi bão”, nó đã trở thành một thói quen, một nét văn hóa ăn mừng chiến thắng đậm chất Việt Nam. 90 triệu dân đã đồng hành cùng bóng đá, đằng sau bóng đá là cả dân tộc, vì thế giá trị sau mỗi chiến thắng không chỉ là niềm vui mà như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Đó còn là chiến thắng của tinh thần yêu nước, của tinh thần Việt Nam”. Tôi tin hành trình chinh phục đỉnh vinh quang của “người cha” Park Hang-seo và các con của mình sẽ còn rất dài, vì vậy chúng ta hãy sát cánh động viên, đừng vì những điều nhỏ nhặt hay những thiếu sót không cố ý mà làm tổn thương tinh thần thi đấu của họ trong tương lại.
Đặng Trường