VFF tốn tiền tỉ vì pháo sáng, Việt Nam sẽ thiệt hại nặng nề tại World Cup 2022
Nếu không giải quyết triệt để việc CĐV đốt pháo sáng tràn lan, bóng đá Việt Nam có thể bị phạt treo sân và đội tuyển Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng nề tại vòng loại World Cup 2022.
Sự cố xảy ra trong trận đấu bù vòng 22 V-League, Hà Nội FC thắng Nam Định 6-1 trên sân Hàng Đẫy một lần nữa khiến những người yêu bóng đá chân chính lắc đầu ngao ngán. Sự việc lần này còn nghiêm trọng hơn khi đã có CĐV lẫn lực lượng bảo vệ trận đấu bị thương vì sự manh động của một số ít CĐV.
Trong trận đấu trên, rất nhiều pháo sáng đã được bắn đi từ khán đài B, đặc biệt một quả pháo sáng đã được bắn thẳng từ khán đài B sang khán đài A khiến một nữ CĐV bị thương nặng phải nhập bệnh viện cấp cứu khẩn cấp. Một cảnh sát bảo vệ trận đấu cũng bị CĐV hành hung chấn thương.
Rất rất nhiều lần các CĐV đã đốt pháo sáng trên sân khiến nhiều bên liên lụy và bị phạt nặng. Trong khi đó, những người gây nên sự việc đều bình an vô sự hoặc bị phạt rất nhẹ không có tính răn đe. Sự việc lần này như thử thách sức chịu đựng của mọi người. Và mong thay nó như là giọt nước tràn ly để các cơ quan giải quyết triệt để vấn nạn nhức nhối cho cả nền bóng đá quốc gia.
Trong quá khứ, LĐBĐ Việt Nam (VFF) nhiều lần bị AFC phạt tiền cực nặng vì để xảy ra tình trạng CĐV Việt Nam đốt pháo sáng trên khán đài.
VFF tốn tiền tỉ vì pháo sáng và bạo lực
Trong quá khứ, LĐBĐ Việt Nam (VFF) rất nhiều lần bị LĐBĐ châu Á (AFC) phạt nặng vì để CĐV Việt Nam đốt pháo sáng trên sân hoặc gây nên bạo loạn. Tổng kết lại, số tiền VFF bị phạt lên đến tiền tỉ. VFF từng nhiều lần kêu gọi các CĐV đừng đốt pháo sáng nhưng mọi thứ không ăn thua.
Cuối năm 2016, VFF bị phạt đến 38.000 USD vì để CĐV Việt Nam ném vỡ kính xe chở đội tuyển Indonesia. Trên sân Mỹ Đình năm đó, đội tuyển Việt Nam đã bị Indonesia đánh bại tại bán kết AFF Cup. VFF cũng từng bị phạt 5.000-10.000 USD vì để CĐV ném vật lạ xuống sân trong các trận đấu quốc tế của đội tuyển Việt Nam.
Đó là những hành vi manh động mang tính bạo lực của những CĐV khiến VFF bị vạ lây. Còn hành vi đốt pháo sáng cũng khiến VFF tốn tiền không ít.
Năm 2017, AFC đã phạt VFF 10.000 USD vì để CĐV đốt pháo sáng trong trận Campuchia thua Việt Nam 1-2 trên sân quốc gia Campuchia trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2019. Ngày 10-10-2018, AFC cũng ra án phạt VFF 12.500 USD cũng vì pháo sáng. Đó là trận bán kết Asiad 18 Việt Nam thua Hàn Quốc 1-3 ở Indonesia, pháo sáng một lần nữa lại được các CĐV Việt Nam đốt lên khán đài.
Nó đã vi phạm vào Điều 65.1 của Bộ luật kỷ luật và đạo đức AFC. Theo Điều 11.3 của bộ luật này, VFF phải trả tiền phạt trong vòng 30 ngày kề từ lúc nhận thông báo phạt và không được quyền khiếu nại. Mức phạt sẽ càng nặng hơn nếu phía Việt Nam có hành vi tái phạm.
Gần đây nhất, ngày 15-5-2019, VFF tiếp tục nhận liền hai án phạt cũng do… pháo sáng. Cụ thể, AFC phạt VFF tổng số tiền 39.500 USD vì để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng trên sân Mỹ Đình ở hai trận Việt Nam gặp Indonesia (13.750 USD) và Việt Nam đấu Thái Lan (25.750 USD) trong khuôn khổ vòng loại U-23 châu Á.
Đáng nói, AFC cũng phát đi cảnh báo, đây là lần thứ tư VFF không thể kiểm soát tình hình, để CĐV đốt pháo sáng trong sân. Nếu tình trạng này còn xuất hiện thì AFC sẽ phạt nặng hơn nữa.
CĐV “gây án” bình an vô sự
Tại V-League, vấn nạn CĐV đốt pháo sáng liên tục xảy ra nhiều năm qua. Mặc dù VFF đã có rất nhiều động thái cảnh báo kèm nhiều hành động ngăn chặn cũng như ra án phạt nặng nhưng tình trạng này vẫn không chấm dứt.
Hầu hết các án phạt của VFF đều phạt các CLB và BTC sân. Trong khi đó, những người trực tiếp “gây án” lại không bị phạt hoặc mức phạt rất nhẹ không đủ sức răn đe. Đây là kiểu phạt “phần ngọn” không giải quyết tận gốc vấn đề.
Nhưng VFF cũng gần như bất lực không còn phương án giải quyết nào khác. Điển hình là gần đây, VFF đã phạt treo sân Hàng Đẫy một trận, phạt CLB Hà Nội và CLB Hải Phòng 70 triệu đồng vì để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng trên sân trong trận đấu giữa hai đội tại vòng 7 V-League.
Điều đáng nói, CĐV đội khách Hải Phòng là người gây ra chuyện nhưng chủ nhà phải nhận án phạt treo sân. Giải thích về việc này, Trưởng ban kỷ luật VFF, Vũ Xuân Thành chia sẻ: “Chúng tôi đã bàn bạc rất nhiều lần trước khi đưa ra án phạt. BTC sân (Hàng Đẫy) để pháo sáng đốt lên rất nhiều và phản ứng chậm trễ. Việc phạt sân vận động Lạch Tray là điều không thể, chúng tôi tính đi tính lại và thấy không có đủ cơ sở. Mọi vấn đề đều diễn ra trên sân Hàng Đẫy. Vì vậy, căn cứ theo luật quy định, phạt tiền CLB Hải Phòng là phương án hợp lý”.
Còn việc các CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng trong trận đấu, BTC giải V-League cũng không thể đưa ra án phạt nào do không có camera an ninh trên sân, không quay được bằng chứng các CĐV vi phạm. Phương án phạt cấm CĐV Hải Phòng đến sân cũng không khả thi. Bởi năm 2017, án phạt cấm CĐV Hải Phòng đến sân cũng đã được đưa ra nhưng đã bị các CĐV “lách án”. Nhiều CĐV Hải Phòng đã không mặc áo đấu của đội nhà khi vào sân. Điều đó khiến lực lượng chức năng không biết họ có phải là CĐV Hải Phòng hay không nên không thể ngăn cản họ vào sân xem bóng đá.
Từ vụ việc trên cho thấy VFF dù rất nỗ lực nhưng vẫn chưa đưa ra phương án nào triệt để để chấm dứt thực trạng đáng buồn đốt pháo sáng trên sân.
Hầu như năm nào, VFF cũng nai lưng ra đóng tiền phạt bởi những hành vi xấu xí của CĐV Việt Nam. Tổng số tiền phạt VFF phải trả vì pháo sáng đã lên đến tiền tỉ.
Hy vọng rằng, sau sự cố cực kỳ nghiêm trọng trên, nó sẽ như giọt nước tràn ly để các BTC phải quyết liệt tìm cách giải quyết chấm dứt tình trạng không hay trên. Bằng không VFF sẽ còn phải nai lưng ra đóng phạt dài dài.
Đội tuyển Việt Nam hiện đang bước vào chiến dịch vòng loại World Cup 2022, nếu cứ để tình trạng trên xảy ra, có thể dẫn đến việc FIFA hay AFC treo sân khi Việt Nam thi đấu trên sân nhà. Lúc đó thì đội tuyển Việt Nam sẽ chịu thiệt hại cực kỳ nặng nề.
Bóng đá Việt Nam đã từng có “tiền án” đốt pháo sáng. AFC đã phát đi lời cảnh báo sẽ phạt nặng nếu phía Việt Nam cứ để tái diễn tình trạng này. Vòng loại World Cup 2018, Malaysia từng bị xử thua Saudi Arabia 0-3 và bị phạt “treo sân” cùng án phạt tiền. Lý do cũng vì BTC sân để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng trên sân mà không thể kiểm soát được.
Bài học nhãn tiền đã có. Hy vọng rằng các bên liên quan cùng nhau ngồi lại tìm cách giải quyết tận gốc tình trạng trên. Đừng để mọi thứ trở nên muộn màng.
PHẠM QUANG/Pháp Luật TP.HCM