Vệt sáng trong “bức tranh tối màu” của thế giới

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”, trong đó nhận định Việt Nam được xem là điểm sáng trong “bức tranh tối màu” của nền kinh tế thế giới.

Theo đó, IMF đã đưa ra dự báo, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay có thể đạt đến 7%, một “kỳ tích” trong bối cảnh 1/3 nền kinh tế thế giới đang suy giảm.

Với việc đưa ra dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay đạt 7%, IMF khẳng định đây là mức tăng trưởng kỳ tích, dẫn đầu nhóm ASEAN 5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam), trong bối cảnh 1/3 nền kinh tế thế giới đang suy giảm.

Ông Davide Furceri, chuyên gia kinh tế của IMF, cho rằng Việt Nam tiếp tục là điểm sáng tại khu vực trong quá trình phục hồi sau đại dịch, nhờ chính sách tiền tệ đúng đắn, sự hỗ trợ tài khóa kịp thời, cũng như nhu cầu bên ngoài vẫn tăng mạnh trong nửa đầu năm.

Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách hợp lý, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động kinh tế trong năm nay, sau khi các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 được dỡ bỏ.

Bà Era Dabla-Norris, Trợ lý Vụ trưởng Vụ Châu Á – Thái Bình Dương, Trưởng đoàn giám sát của IMF về Việt Nam, đánh giá xu hướng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là hết sức tích cực, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng, lương thực và lạm phát leo thang.

Ngoài IMF, Fitch Ratings, một trong 3 ông lớn xếp hạng tín nhiệm quốc tế, đánh giá triển vọng tăng trưởng mạnh của Việt Nam phản ánh qua triển vọng tăng trưởng mạnh trong trung hạn, nợ chính phủ thấp và hồ sơ nợ bên ngoài tốt.

Fitch Ratings thậm chí còn lạc quan hơn cả IMF khi đưa ra dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,4% trong năm nay, nhờ sự phát triển về công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Trong trung và dài hạn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục là nhân tố thúc đẩy mức tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam.

Trong khi đó, tổ chức xếp hạng uy tín Moody’s còn mạnh tay hơn nữa khi dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chạm mức tăng trưởng 8,5% trong năm 2022.

Trước đó, vào tháng 9, Moody’s đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên Ba2. Điều này khiến cho Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên toàn thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm từ đầu năm đến nay.

Theo IMF, hậu Covid-19, Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành điểm sáng thu hút đầu tư và các nhà sản xuất nước ngoài. Cũng trong thời gian này, xuất khẩu Việt Nam bùng nổ nhờ các hiệp định thương mại tự do, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử.

Bà Era Dabla-Norris nhận định, việc thay đổi chiến lược chống Covid-19 kịp thời và mở cửa hoàn toàn nền kinh tế hồi tháng 3 là yếu tố cốt lõi giúp Việt Nam khởi động lại động lực của nền kinh tế sau đại dịch.

Cùng với đó, các chính sách như giảm thuế và hỗ trợ người lao động trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội cũng mang lại hiệu quả tích cực.

Nhờ được hưởng mức lãi suất thấp và chính sách tiền tệ thích ứng, các doanh nghiệp có thể nhanh chóng quay lại sản xuất khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Đồng thời, việc cắt giảm thuế môi trường và các loại thuế, phí khác với các sản phẩm dầu mỏ đã giúp làm giảm tác động của giá dầu thế giới cao hơn với các hộ gia đình và doanh nghiệp Việt Nam.

Một số dịch vụ như điện, y tế và giáo dục được đóng băng chi phí cũng góp phần giữ kiểm soát lạm phát.

Ông Greg Poling – Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho rằng những chính sách thân thiện với doanh nghiệp và sự ổn định chính trị đã giúp Việt Nam chiếm ưu thế so với các nước khác trong khu vực, trong bối cảnh nhiều công ty đa quốc gia đang đẩy mạnh đa dạng hóa địa điểm sản xuất.

Phó Chủ tịch Châu Á-Thái Bình Dương của Google Stephanie Davis thì cho rằng, lực lượng lao động nội địa chất lượng cao trong mãng công nghệ và sự thâm nhập dịch vụ số hóa ở các khu vực thành thị và nông thôn đã đóng góp vào sự phát triển kỹ thuật số của Việt Nam.

Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức và rủi ro như áp lực lạm phát, xu hướng già hóa lao động, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, suy thoái kinh tế, nhu cầu giảm sút và căng thẳng địa chính trị.

Thực hiện: Bảo Trâm 

Đồ họa: M.N