+
Aa
-
like
comment

VESAK 2025: ĐOÀN KẾT, BAO DUNG TRỞ THÀNH “NGOẠI GIAO MỀM” MỚI CỦA CHÂU Á

Thu An - 08/05/2025 12:44

Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025 khai mạc trọng thể tại TP.HCM, với hơn 2.700 đại biểu từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, thế giới một lần nữa chứng kiến Việt Nam không chỉ là nước chủ nhà của sự kiện tôn giáo lớn nhất Phật giáo, mà còn là nơi “khởi phát” thông điệp chính trị – xã hội sâu sắc cho một thế giới đầy rạn nứt: Đoàn kết và bao dung.

Đoàn đại biểu do Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình dẫn đầu vào dự lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Vesak 2025

Khách mời quốc tế dự khai mạc có Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka; Phó thủ tướng Campuchia Neth Savoeun; Chủ tịch Ủy ban tổ chức Quốc tế Vesak Liên hợp quốc (ICDV) Hòa thượng GS, TS Brahmapundit; đại sứ một số nước và hàng nghìn đại biểu khắp năm châu.

Lễ hội Vesak (hay còn gọi là Đại lễ Phật đản) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Phật giáo, kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết-bàn. Lễ hội là biểu tượng của khát vọng sống trong an lạc, tình thương và sự giác ngộ. Đó là dịp để con người hướng về những giá trị vĩnh cửu, vượt khỏi ranh giới quốc gia hay tôn giáo—một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về lòng từ bi và trí tuệ trong mỗi người.

Kể từ khi được Liên hợp quốc quyết định lấy ngày Tam hợp của Đức Phật – kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo, nhập Niết bàn – là sự kiện văn hóa tôn giáo thế giới vì hòa bình vào ngày 15-12-1999 trong kỳ họp lần thứ 54 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đến nay, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã được tổ chức 20 lần. Đây là lần thứ 4 Đại lễ được tổ chức tại Việt Nam.

Thông điệp năm nay – “Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững” – không phải ngẫu nhiên được chọn. Giữa bối cảnh toàn cầu hỗn loạn bởi xung đột, chủ nghĩa dân túy trỗi dậy, chiến tranh lạnh mới âm ỉ, thì Việt Nam chọn cách “mở cánh cửa tâm” thay vì dựng tường lửa ý thức hệ.

Điểm nhấn của Vesak lần này là hai biểu tượng song hành: Xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni và trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức. Một bên là minh chứng cho giác ngộ – hòa bình nội tâm, bên kia là biểu tượng đấu tranh – giải phóng dân tộc. Sự kết nối đó ngầm gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: Phật giáo Việt Nam không đứng ngoài lịch sử dân tộc, mà là dòng chảy góp phần kiến tạo cả bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam suốt 50 năm qua.

Các đại biểu tiến vào hội trường dự lễ bế mạc Đại lễ Vesak 2025

Phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại lễ khai mạc cũng mang dấu ấn rõ rệt của tư duy “hòa bình nội tâm chuyển hóa xã hội”: Ông kêu gọi đưa tâm từ bi vào chính sách, trí tuệ vào định hướng phát triển, và “vô ngã – vị tha” vào hành động quốc gia. Đây không chỉ là lời nhắc nhở giới Phật tử, mà là thông điệp hướng thẳng đến cộng đồng quốc tế đang vật lộn với chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Việt Nam, trong dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, đang cho thế giới thấy một “mô hình đoàn kết” rất riêng: không chỉ trong chính trị, mà còn trong tôn giáo, văn hóa, ngoại giao. Chính Vesak đã trở thành diễn đàn để Việt Nam khẳng định vai trò nước điều hòa, nước kết nối các giá trị Đông – Tây, truyền thống – hiện đại. Đây là “ngoại giao mềm” mới, mà không phải cường quốc nào cũng dễ dàng triển khai trong không gian văn hóa tâm linh.

Nhìn rộng hơn, Vesak 2025 phản ánh sự “trỗi dậy êm ái” của châu Á về mặt tinh thần. Khi phương Tây ngày càng hoài nghi các giá trị dân chủ tự do kiểu cũ, thì châu Á, với Phật giáo làm chất keo kết nối, đang đưa ra lời hứa mới: một thế giới bền vững không qua đối đầu, mà qua đoàn kết, bao dung, nhẫn nhục.

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều