Venezuela giận dữ, kích hoạt hệ thống phòng thủ sau hành động khiêu khích của Mỹ ở Guyana
Kênh truyền hình vệ tinh Al Mayadeen đưa tin, ngày 9/5, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez bày tỏ giận dữ sau khi chiến đấu cơ của Mỹ bay qua không phận quốc gia láng giềng Guyana trong khuôn khổ một cuộc tập trận chung đã được lên kế hoạch.
Bộ trưởng Lopez nhấn mạnh đây là vụ việc mới nhất trong một loạt “hành động khiêu khích liên tục” từ phía Mỹ, đồng thời tuyên bố, hệ thống phòng thủ của Venezuela sẽ được kích hoạt nhằm ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm không phận thuộc chủ quyền của quốc gia Nam Mỹ.
Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Guyana xác nhận các tiêm kích F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ đã bay qua thủ đô Georgetown và những khu vực lân cận trong khuôn khổ tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ Guyana.
Chính quyền Guyana cho biết, mục đích của cuộc tập trận là nhằm tăng cường chương trình hợp tác an ninh giữa nước này và Mỹ.
Venezuela và Guyana đang vướng vào tranh chấp vùng lãnh thổ Essequibo rộng lớn. Tranh chấp này nóng lên từ năm 2015 sau khi công ty năng lượng khổng lồ ExxonMobil có trụ sở tại Mỹ phát hiện ra các mỏ dầu tại khu vực này.
Trước đó, Tổng thống Maduro coi Mỹ hỗ trợ quân sự cho Guyana là mối đe dọa cho nỗ lực giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Venezuela và nước láng giềng.
“Tôi hy vọng trong cuộc gặp cấp cao này, chúng ta có thể giải quyết các mối đe dọa chính đến hòa bình và ổn định hai quốc gia, trong đó có Bộ tư lệnh miền Nam của Mỹ, vốn đã bắt đầu các hoạt động quân sự tại vùng lãnh thổ tranh chấp”, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết trên X ngày 11/12/2023.
Tuyên bố được ông Maduro đưa ra trước khi dự kiến gặp người đồng cấp Guyana Irfaan Ali tại Saint Vincent và Grenadines, quốc đảo ở vùng Caribe, vào ngày 14/12.
Đại sứ quán Mỹ tại Georgetown trước đó cho biết Bộ tư lệnh miền Nam của quân đội nước này đã phối hợp với Lực lượng Phòng vệ Guyana thực hiện các hoạt động diễn tập trên không ngày 7/12. Washington mô tả đây là “hoạt động tương tác thường lệ nhằm cải thiện quan hệ an ninh song phương và tăng cường hợp tác tại khu vực”.
Ông Maduro cho rằng bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Mỹ tại Guyana đều trái ngược “với mong muốn của chúng tôi trong việc duy trì Mỹ Latin và Caribe là khu vực hòa bình, không có xung đột và không có sự can thiệp từ bên ngoài”.
Căng thẳng Venezuela – Guyana gần đây gia tăng, liên quan vùng lãnh thổ giàu tài nguyên Esequibo, do Georgetown kiểm soát nhưng Caracas cũng tuyên bố chủ quyền. Guyana đã quản lý Esequibo hơn một thế kỷ.
Tranh chấp liên quan đến vùng Esequibo bắt đầu tăng nhiệt sau khi tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil hồi năm 2015 thông báo phát hiện mỏ dầu và khí đốt với trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng có thể khai thác được ngoài khơi bờ biển ở Esequibo.
Venezuela ngày 3/12 công bố kết quả trưng cầu dân ý với hơn 95% cử tri ủng hộ thành lập chính quyền mới ở Esequibo. Ông Maduro cũng đã đề xuất dự luật lập một bang của Venezuela ở Esequibo và kêu gọi cấp phép khai thác tài nguyên tại đây. Guyana, quốc gia 800.000 dân, sẽ mất đi hơn một nửa lãnh thổ và hơn 200.000 cư dân nếu Venezuela sáp nhập Esequibo.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 8/12 đã họp kín về tranh chấp ở Essequibo. Mỹ trước đó bày tỏ lo ngại về căng thẳng giữa Venezuela và Guyana, kêu gọi hai bên tránh bất kỳ hoạt động “bạo lực hoặc xung đột nào”.
Tòa án Công lý Quốc (ICJ) hồi tháng 4 cấm Venezuela có hành động làm thay đổi hiện trạng khu vực tranh chấp và nhắc lại cảnh báo này với Caracas hôm 1/12. Mỹ cho rằng phán quyết của ICJ “cần được tôn trọng”.
Giới chức Guyana cho biết họ cảnh giác trước những ý định của Venezuela với vùng Esequibo, nhưng không cho rằng Caracas sẽ đưa quân “xâm chiếm và sáp nhập” khu vực. Guyana cam kết giải quyết tranh chấp biên giới với Venezuela bằng con đường hòa bình, nhưng sẽ không để “bị bắt nạt hay lấn át”.
Bộ trưởng Tư pháp Guyana Anil Nandnall nói nước này sẽ nhờ Hội đồng Bảo an hỗ trợ nếu Venezuela có hành động sau cuộc trưng cầu dân ý. Trong khi đó, Ngoại trưởng Venezuela Yvan Gil nói ông Maduro và ông Ali có thể sẽ bàn về “công thức để hợp tác trong vấn đề dầu khí” khi hai lãnh đạo gặp trực tiếp và kỳ vọng có kết quả tích cực.
Bảo Trâm