+
Aa
-
like
comment

Vẹn nguyên ký ức Tân Trào những ngày tiền khởi nghĩa

17/08/2020 06:55

Đã 75 năm trôi qua, những sự kiện lịch sử trọng đại của Cách mạng diễn ra tại Tân Trào vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức nhiều người.

Tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào Cách mạng. Người đã chọn xã Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại đây, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước tháng 8/1945…

Đình Tân Trào, nơi diễn ra Quốc dân đại hội, tháng 8/1945.

Đã 75 năm trôi qua, những sự kiện lịch sử trọng đại của Cách mạng diễn ra nơi đây vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức và được người dân nơi đây truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 

Ngôi nhà sàn của ông Hoàng Ngọc cạnh gốc đa lịch sử Tân Trào. Tháng 5/1945, khi Bác Hồ về Tân Trào đã ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự kế bên. Bác ở đó vài ngày rồi dân bản, trong đó có cha con ông Ngọc đưa Bác đi tìm nơi làm lán, chính là lán Nà Nưa. Khi đó, thôn Cả thuộc xã Kim Long được Bác Hồ đặt tên mới là Tân Lập, với mong muốn người dân có một cuộc sống mới; xã Kim Long cũng được Bác đổi tên thành Tân Trào.

Ông Hoàng Ngọc nhớ lại, hồi ấy 5-7 người ở một ngôi nhà với dân, cán bộ cùng lấy rau, gánh nước, lấy củi, nấu ăn với người dân. Bác Hồ cũng vậy, Bác ở nhà ông Tiến Sự, cùng ăn ở với gia đình. Bác đi ra ruộng còn lo đắp từng cái bờ để giữ nước cho dân làm ruộng, Bác hỏi thăm, căn dặn từng chút từ người già đến trẻ nhỏ… “Không ai có những cử chỉ, lời nói đi vào lòng người như vậy. Mọi người dân ở đây đều tin tưởng, làm theo Bác, theo Cách mạng” – ông Hoàng Ngọc cho biết.

Bản thân ông Hoàng Ngọc khi đó cũng vinh dự được Bác chỉ định là một trong những đội viên nhi đồng cứu quốc đầu tiên ở Kim Long. Ngày 16/8, Quốc dân đại hội diễn ra tại đình Tân Trào, khi đó, cả Kim Long (nay là xã Tân Trào) đều sục sôi khí thế cách mạng, tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

“Dân làng chúng tôi ủng hộ Đại hội thì khuyên nhau góp gà, gạo và một con bò nữa. Cử một đoàn gồm nam, phụ, lão ấu ra chúc mừng. Bác đến cám ơn dân làng đã ủng hộ Đại hội, ủng hộ Cách mạng. Thấy trẻ em gầy gò, ăn mặc rách rưới, Bác nói với Đại hội: chúng ta phải làm sao cho các cháu nhỏ này phải có cơm ăn, áo mặc, phải được học hành…”- ông Hoàng Ngọc nhớ lại.

ven nguyen ky uc tan trao nhung ngay tien khoi nghia hinh 2
Ông Hoàng Ngọc, cựu Đội viên Nhi đồng cứu quốc, hiện sống tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

 

Ngồi dưới gốc đa lịch sử, đôi mắt đã có phần mờ đục hướng nhìn xa xăm, ông Ngọc như đang sống lại những ngày tiền khởi nghĩa với khí thế cách mạng sục sôi.

“Chiều hôm ấy xếp hàng dưới gốc đa này, ông Đàm Quang Trung cầm lá cờ đỏ sao vàng đứng trước hàng quân, sau khi hát “Tiến quân ca” thì Bác Võ Nguyên Giáp đọc bản quân lệnh số 1, đọc xong thì tuyên thệ. Sau 3 phát súng hiệu lệnh, đoàn quân tiến về tỉnh lỵ Thái Nguyên trước sự chứng kiến của nhân dân và đại biểu về dự Đại hội dưới gốc đa này…”- ông Ngọc nhớ lại.

ven nguyen ky uc tan trao nhung ngay tien khoi nghia hinh 3
Làng văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang hôm nay.

 

Thực hiện lời dạy của Bác, 75 năm qua, đồng bào các dân tộc nơi đây luôn một lòng theo Đảng, theo Cách mạng, xây dựng cuộc sống mới. Thôn Tân Lập đói nghèo xưa, nay đã trở thành thôn văn hóa san sát những ngôi nhà sàn khang trang với hơn 200 hộ dân.

Người cựu Đội viên Nhi đồng cứu quốc năm xưa phấn khởi: “Theo Đảng, theo Bác, đời sống người dân Tân Lập ngày càng no ấm. Chúng tôi tự hào là người con quê hương Cách mạng, tự hào về những đóng góp nhỏ bé vào thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cho sự phát triển của đất nước hôm nay…”.

Công Luận/VOV

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều