Về việc Wikipedia sửa đổi nội dung “Trung Quốc quản lý quần đảo Hoàng Sa”
Nhiều bạn phát hiện trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia về quần đảo Hoàng Sa đã bị sửa nội dung “quốc gia quản lý” thành “Trung Quốc”. Liên quan đến vụ việc này cũng xảy ra một số tranh cãi trên mạng xã hội.
Khoan không nhắc đến những tranh cãi và ví dụ về “một cửa hàng và người quản lý nhận vơ”, ở bài viết này, chúng ta sẽ giải quyết một số câu hỏi liên quan đến vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa dưới khía cạnh công pháp quốc tế.
1. Thế nào là “lãnh thổ quốc gia”?
Theo định nghĩa cơ bản, ta có thể hiểu Lãnh thổ quốc gia là một phần của trái đất thuộc chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ và tuyệt đối của một quốc gia. Về mặt địa lí và pháp lí lãnh thổ quốc gia gồm có bốn bộ phận cấu thành
– Vùng đất là bộ phận cấu thành lãnh thổ của một quốc gia, gồm có đất liền và các đảo thuộc chủ quyền quốc gia. Quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối ở vùng đất;
– Vùng nước là toàn bộ các, vùng nước nằm trong đường biên giới quốc gia gồm: vùng nước nội địa (ao, hồ, sông… nằm trong đất liền) và biển nội địa.
– Vùng trời là khoảng không gian bao trùm trên vùng đất, vùng nước của quốc gia;
– Lòng đất là phần đất nằm dưới vùng đất, vùng nước của quốc gia.
2. Đảo là gì? Đảo có phải 1 phần của lãnh thổ quốc gia?
Trước hết, cần phải khẳng định “đảo” chính là 1 phần của lãnh thổ quốc gia, thậm chí có nhiều quốc gia được cấu tạo nên bởi từ 1 hoặc nhiều hòn đảo.
Về khái niệm, đảo là phần đất có nước bao quanh mọi phía (ở giữa đại dương, biển, hồ hoặc sông). Trên thực địa, có đảo nổi – khi thuỷ triều lên cao nhất vẫn không bị ngập nước, có đảo chìm – khi nước thuỷ triều lên thì bị ngập. Đảo có thể nằm riêng biệt, có thể nằm cạnh nhau tạo thành những quần đảo.
Chế độ pháp lí của đảo tuỳ thuộc vào vị trí của đảo: nằm ở ven bờ hay ngoài khơi. Đối với đảo ven bờ thì có thể lấy làm mốc xác định đường cơ sở. Vùng nước giữa bờ biển và đảo là nội thuỷ. Đối với đảo nằm ngoài khơi (trừ đảo hoang, không có người ở, không đời sống kinh tế riêng) cũng có lãnh hải, vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa (theo chế độ pháp lí như đối với lục địa). Ngoài đảo tự nhiên, còn có đảo nhân tạo với chế độ pháp lý riêng. Theo Công ước luật biển năm 1982, các đảo nhân tạo trên biển không có lãnh hải riêng mà chỉ có một vành đai an toàn rộng 500m với điều kiện không ảnh hưởng đến việc quy định ranh giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven bờ.
Câu hỏi này giải đáp cho lý do vì sao Trung Quốc phải chiếm giữ và không ngần ngại tốn kém bồi đắp các bãi cát, bãi san hô… thành đảo, mở rộng các đảo nhỏ đã chiếm giữ trái phép. Bởi lẽ, nếu được công nhận chế độ pháp lý như một hòn đảo thì đồng nghĩa Trung Quốc cũng sẽ có chủ quyền, quyền tài phán tương tự như đối với lục địa.
3. Tại sao cần phản đối việc dùng hai từ “quản lý” của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa dù thực tế họ đã cưỡng chiếm quần đảo này?
Cái này liên quan đến khái niệm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia đối với vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình.
Theo đó, chủ quyền là quyền làm chủ tuyệt đối của quốc gia độc lập đối với lãnh thổ của mình. Chủ quyền của quốc gia ven biển là quyền tối cao của quốc gia được thực hiện trong phạm vi nội thủy và lãnh hải của quốc gia đó.
Quyền chủ quyền là các quyền của quốc gia ven biển được hưởng trên cơ sở chủ quyền đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, cũng như đối với những hoạt động nhằm thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó vì mục đích kinh tế, bao gồm cả việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu, gió…
Quyền tài phán là thẩm quyền riêng biệt của quốc gia ven biển trong việc đưa ra các quyết định, quy phạm và giám sát việc thực hiện chúng, như: cấp phép, giải quyết và xử lý đối với một số loại hình hoạt động, các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển, trong đó có việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn giữ môi trường biển trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của quốc gia đó.
Quyền chủ quyền có nguồn gốc từ chủ quyền lãnh thổ, trong khi quyền tài phán là hệ quả của quyền chủ quyền, có tác dụng hỗ trợ, tạo môi trường để thực hiện quyền chủ quyền được tốt hơn.
Như vậy, có thể hiểu đơn giản là, nếu Trung Quốc đã có thể thiết lập các chế định quản lý đối với các đảo của quần đảo Hoàng Sa như thành lập chính quyền địa phương, khai thác tài nguyên, xây dựng và cấp phép cho tàu thuyền qua lại… mà không bị bất cứ phản ứng nào từ các quốc gia khác thì mặc nhiên chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc dần được xác lập và mặc nhiên thừa nhận. Việc quản lý là hệ quả sau cùng của việc thiết lập chủ quyền và các quyền cơ bản trên. Do đó, không thể “cứ hiểu” rằng Trung Quốc đang chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa tức là Trung Quốc có “quyền quản lý”. Điều này rất nguy hiểm.
4. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc chiếm giữ các đảo và quần đảo lâu ngày thì có sợ vùng đó trở thành lãnh thổ của Trung Quốc hay không?
KHÔNG BAO GIỜ. Hiện tại, dù nhiều đảo của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ, nhưng với tiếng nói khẳng định chủ quyền của Việt Nam thì không bao giờ Trung Quốc sáp nhập được các đảo trên vào lãnh thổ của mình. Một vài ví dụ trên thế giới có thể chứng minh như Cao nguyên Golan bị Israel đánh chiếm từ Syria năm 1967 và hiện vẫn quản lý trên thực tế, nhưng không được Liên Hiệp Quốc công nhận (Hội đồng Bảo an gọi là “hành động không thể chấp nhận được”).
Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 8,835 km vuông miền Bắc Syria từ khi nội chiến đến nay, còn vẽ ra 1 “chính phủ lâm thời” xài tiền Lira của Thổ Nhĩ Kỳ, dĩ nhiên chẳng nước nào công nhận hết.
Như vậy, chỉ hai từ “quan ngại” của Bộ ngoại giao thôi nhưng sức mạnh như 10 vạn quân, Trung Quốc không thể đơn phương nuốt trôi 2 quần đảo này được.
5. Có thể dùng vũ lực lấy lại quần đảo Hoàng Sa được không?
Có thể và không thể.
Nếu chiến tranh nổ ra, đương nhiên, bên nổ súng trước sẽ vi phạm nguyên tắc “cấm sử dụng vũ lực” như đã nêu ở trên.
Chiến tranh chỉ xảy ra khi các biện pháp ngoại giao không còn tác dụng và khi Trung Quốc đơn phương nổ súng trước, khi ấy phần lý sẽ thuộc về Việt Nam. Như đã biết, Trung Quốc luôn giở trò công kích để Việt Nam nổ súng tấn công trước nhằm tạo cớ để Trung Quốc dẹp dư luận quốc tế trong vấn đề biển đảo. Việt Nam cũng rất tỉnh không bao giờ mắc mưu và luôn giữ vai trò “nạn nhân” trước cộng đồng quốc tế. Nếu Việt Nam nổ súng trước để tiến hành chiến tranh, đồng nghĩa Việt Nam đã thua, Trung Quốc có cớ xâm phạm chủ quyền các đảo mà Việt Nam đang đóng quân, cộng đồng quốc tế cũng khó lòng ủng hộ. Việc hai nước có giao tranh còn tạo điều kiện cho các nước khác đục nước béo cò, như sự việc xảy ra với đảo Ba Bình, bị Đài Loan chiếm giữ khi Việt Nam và Trung Quốc có xung đột. Và khi chiến tranh xảy ra, chắc chắn sẽ có thiệt ai, và dù Việt Nam hay Trung Quốc thì cũng đều sẽ có hy sinh, 45 năm hòa bình mà Việt Nam có là cơ hội quý giá để phát triển kinh tế, hơn ai hết, Việt Nam đã trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình. Chiến tranh chỉ xảy ra khi không còn biện pháp nào khác. Như cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang từng nói: “Nếu chiến tranh xảy ra, sẽ chẳng có ai thắng, ai thua mà tất cả đều thua”.
6. Vì sao Việt Nam không kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế?
Thực ra, phương án này luôn được cân nhắc đến, nhưng là phương án gần cuối cùng khi các nỗ lực ngoại giao không còn khả năng xử lý. Các tòa trọng tài quốc tế không có cơ quan thi hành án, nên việc thi hành các quyết định của Tòa phần đa đều dựa vào uy tín của các quốc gia, thông thường sẽ có rất ít quốc gia dám đi ngược lại quyết định của Tòa được cộng đồng quốc tế công nhận để hạ uy tín của mình. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc và đối với vấn đề lãnh thổ thì lại khác. Như trường hợp của Philippines, kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế ở Hà Lan, mặc dù thắng kiện nhưng vẫn chưa đòi được quyền lợi của mình, Trung Quốc ngang ngược bác bỏ quyết định của Tòa và có nhiều động thái hung hăng hơn trên biển đông. Nếu Việt Nam cũng làm tương tự thì kể cả thắng cũng chưa chắc lấy lại phần lãnh thổ bị mất, ngược lại những nỗ lực ngoại giao trước đó đều sẽ đổ sông đổ bể, Trung Quốc sẽ có những đòn đáp trả ảnh hưởng đến rất nhiều phương diện đời sống của người dân.
Qua một vài giải thích ở trên, hy vọng rằng chúng ta có thể hiểu được đường lối và nghệ thuật ngoại giao của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa. Tranh chấp lãnh thổ vốn rất nhạy cảm và Trung Quốc thì có rất nhiều thủ đoạn để có thể tìm mọi cách hợp pháp hóa hành vi vi phạm của mình. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta luôn khẳng định rằng “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, nhưng chỉ khẳng định thôi chưa đủ, còn phải hiểu về những vấn đề xung quanh nó để khi xảy ra trãnh cãi vẫn có thể bình tĩnh giải thích.
TH
(Bài viết có sử dụng một số khái niệm của Công pháp quốc tế, dù chưa thực sự đầy đủ nhưng tác giả đã cố gắng giải thích ở mức đơn giản, dễ hiểu nhất cho mọi đối tượng bạn đọc)