Về việc Thủ tướng đồng ý “mở cửa” đường hàng không Việt Nam – Trung Quốc
“Thủ tướng đồng ý mở cửa đường hàng không Việt Nam – Trung Quốc”; “Mở lại đường bay Việt Nam – Trung Quốc”; “Khôi phục đường bay đến Trung Quốc”… đó là những dòng tít đang được các tờ báo đăng tải trong những ngày vừa qua. Đã có một số ý kiến lo ngại rằng, trong tình hình dịch covid – 19 phức tạp như hiện nay, nước láng giềng mới bùng phát dịch bệnh trở lại, sao người đứng đầu Chính phủ lại có quyết định như vậy?
Thế nhưng, tìm hiểu kỹ thông tin mới vỡ lẽ không phải chúng ta “mở cửa” hoàn toàn cho tất cả du khách Trung Quốc đến Việt Nam mà việc khôi phục lại đường hàng không giữa hai nước “chỉ cho phép các nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động có tay nghề cao, học sinh và sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam được nhập cảnh vào Việt Nam. Cho phép người thân của các nhà ngoại giao, nhà đầu tư được nhập cảnh vào Việt Nam”.
Vẫn biết trên thế giới cũng như tại Trung Quốc, tình hình dịch bệnh vẫn đang còn diễn biến phức tạp. Thế nhưng, cuộc sống sinh hoạt vẫn phải tiếp diễn, kinh tế vẫn phải vận hành chứ không thể cực đoan “đóng cửa cho lành”, rồi ngồi chờ cả thế giới chấm dứt dịch bệnh xong xuôi, Việt Nam mới bắt tay lại từ đầu. Dù chúng ta “mở cửa” hàng không cho những đối tượng này vào Việt Nam, nhưng không đồng nghĩa chủ quan “mở toang”, đưa dịch vào nhà, mà các cơ quan của hai nước thống nhất, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng tần suất bay một tuần bao nhiêu chuyến chứ không phải cho bay tràn lan. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng vẫn phải tiếp tục nghiêm túc thực hiện việc kiểm dịch, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch bệnh, khi có người nước ngoài nhập cảnh vẫn phải cách ly 14 ngày theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, phá đi thành quả mà người dân và cả hệ thống chính trị đã đạt được trong thời gian qua.
Bây giờ chưa có vắc xin để bài trừ con virus thì vẫn chưa phải lúc để tính đến việc bớt nghiêm ngặt trong phòng chống dịch bệnh, nhưng chúng ta cũng nên tính đến chuyện “sống chung với dịch”, “vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế”. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải dần dần mở cửa để giao lưu kinh tế với quốc tế. Mà như người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh: “phải vực dậy nền sản xuất để giải quyết việc làm, tăng trưởng bằng các biện pháp căn cơ, mạnh mẽ”; “phải cố gắng giữ được nhịp độ phát triển, khắc phục mọi khó khăn, nhất là trong các quý tới để làm sao như lò xo bị nén lại, sẵn sàng bật lên sau khi hết dịch”.
Không chỉ người dân trong nước mà Chính phủ, các tổ chức quốc tế lại một lần nữa chứng kiến một Việt Nam kiên cường, sáng tạo và đầy tính nhân văn trong mùa dịch. Dù phải đang vật lộn với các nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, nhưng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch covid-19 vừa qua, Thủ tướng “yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, chỉ đạo Việt Nam Airlines khẩn trương tổ chức đưa số công dân Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước trong thời gian sớm nhất”. Bên cạnh đó “Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan quan liên quan làm việc với các nước về tăng các chuyến bay cứu hộ; mở các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Lào, Campuchia”.
Đất nước tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn dang tay đón nhận, chăm lo cho công dân của mình. Vì nghĩa đồng bào, các chuyến bay vẫn đang nỗ lực bay đến các vùng dịch để đưa người Việt về. Chính phủ Việt Nam luôn hành động vì lợi ích sức khoẻ, tính mạng của nhân dân là trên hết, với quyết tâm đã được đưa ra “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Hành động cao đẹp là vậy, đáng buồn thay lại bị chính một số người làm báo, những người mang sứ mệnh đăng tải thông tin lợi dụng tâm lý ghét “ông bạn hàng xóm” của người dân để tăng tải những tiêu đề liên quan đến Trung Quốc rồi câu view. Đáng bàn hơn chính những dòng tít này chính là “miếng mồi ngon” để các đối tượng như Bùi Thanh Hiếu, Minh Duc Nguyen, Thuan Le, Tí Nhỏ, Hien Tran… xuyên tạc chỉ đạo của Thủ tướng khiến người dân hiểu sai về việc “mở cửa” hàng không giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Thế Khoa