+
Aa
-
like
comment

Về vị lãnh đạo tối cao của Phật giáo vừa được Giáo hội chọn

Thụy Vũ - 11/12/2021 15:32

Sự kiện Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam có phiên họp đột xuất, cung thỉnh Hòa thượng Thích Trí Quảng vào ngôi vị Quyền Pháp chủ – lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Phật giáo đầu tháng 12-2021 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Hòa thượng Thích Trí Quảng – vị giáo phẩm đặc biệt may mắn được gần gũi các bậc chân tu qua các thời kỳ Giáo hội: Hòa thượng Thích Trí Quang, Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ

Có thể nói, trong Giáo hội Phật giáo hiện nay, Hòa thượng Thích Trí Quảng là vị lãnh đạo duy nhất có thân thế và giữ vai trò rất đặc biệt, thu hút nhiều nhất sự quan tâm của dư luận và giới quan sát. Ông từng là chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – một tổ chức Phật giáo tại miền Nam trước năm 1975; Và sau đó, khi Phật giáo thống nhất, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông trở thành vị giáo phẩm quan trọng và hôm nay là lãnh đạo tối cao của Giáo hội.

Trong số các nhân vật Phật giáo có mặt vào thời kỳ Phật giáo Việt Nam chuyển mình, thì Hòa thượng Thích Trí Quảng là người duy nhất diễm phúc được lãnh đạo Giáo hội qua các thời kỳ, dù là ở thể chế nào cũng tín nhiệm.

Ngoài được thọ giới Tỳ-kheo với Hòa thượng Thích Trí Đức (Chủ tịch Hội Phật giáo Cứu quốc chống thực dân Pháp), Hòa thượng Thích Trí Quảng còn tiếp thụ Phật học, thân cận với chư vị Hòa thượng có nhiều đóng góp cho Phật giáo Việt Nam như: Hòa thượng Thích Trí Quang (bậc cao Tăng dịch thuật rất nhiều Kinh – Luật – Luận của Phật giáo, Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đóng một vai trò khá quan trọng diễn biến của cuộc Chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là người làm lung lay nước Mỹ);

Hòa thượng Thích Trí Thủ (Trưởng Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam); Hòa thượng Thích Trí Tịnh (Phó Trưởng ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam); Hòa thượng Thích Thiện Hào (Lãnh đạo trụ cột của Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM); Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (Đức Pháp chủ đời thứ 3 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam).

Điều đặc biệt, dù ở thời gian nào, Hòa thượng Thích Trí Quảng cũng xứng đáng một bậc chân tu, luôn lấy giới luật của người xuất gia tu hành, làm phạm hạnh, là bậc “Tùng lâm thạch trụ” của Giáo hội, là người thầy nương tựa của Tăng Ni và tín đồ Phật tử.

Hòa thượng Thích Trí Quảng xứng đáng là bậc lâm thạch trụ của Giáo hội. Dưới sự điều hành của Hòa thượng, công tác tu học của Tu sĩ và công tác hành chính Giáo hội của Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM đi vào nề nếp, chiều sâu

Nhắc đến Hòa thượng Thích Trí Quảng, Tăng Ni nhớ ngay đến người thành lập Hội đồng Giám luật, soạn thảo và thông qua Quy chế hoạt động của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Quy chế hoạt động của Hội đồng Giám luật – những giới luật được xem là cột sống, giữ gìn mạng mạch Tăng đoàn.

Hòa thượng Thích Trí Quảng thực hiện 3 công trình rất lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM: Là người chủ trương xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại cơ sở Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh) để đào tạo Tăng tài – là nơi hàng nghìn Tăng, Ni tu học; Trùng tu Chùa Thanh Tâm (Phật Cô Đơn), đưa nơi đây từ điểm tín ngưỡng đến đạo tràng tu học cho hàng nghìn chư Ni; Sửa chữa và đưa Việt Nam Quốc Tự trở thành Văn phòng của Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM – cơ quan hành chính Giáo hội giải quyết tất cả đầu việc của Phật giáo TP.HCM.

Hàng loạt các cơ sở tự viện trên địa bàn TP.HCM với sự điều hành của Hòa thượng Thích Trí Quảng ngày càng được chấn chỉnh, hoạt động Phật sự hoằng dương chánh pháp, chung tay cho công tác an sinh xã hội được thực hiện đúng trọng điểm và đạt nhiều kết quả chiến lược lâu dài, nhiều lợi ích cho số đông.

Dù có vị trí và vai trò quan trọng của Giáo hội, tuy nhiên, Hòa thượng Thích Trí Quảng không màng phàm tục, cốt chỉ chuyên tâm tu hành, giúp đạo pháp, giúp chúng sanh. Trước đây cũng vậy và hiện tại bây giờ cũng vậy. Vừa mới đây, khi được Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cung thỉnh vào ngôi vị Quyền Pháp chủ – lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Phật giáo, ông đã từ chối, xin tập thể chỉ cho giữ chức Phó Pháp chủ như hiện tại và mong mọi người chờ đến Đại hội Phật giáo toàn quốc (năm 2022) để bầu chọn một vị tiêu biểu thực sự, suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ của Giáo hội.

Phải qua nhiều nhiều lần thuyết phục, trước sự đồng lòng, cung thỉnh của Hội đồng, Hòa thượng Thích Trí Quảng đành nhận ngôi vị Quyền Pháp chủ, vì: “Việc Tăng sai, tôi không dám từ chối nhưng trong lòng có nhiều suy nghĩ”.

Trong khi một số tổ chức nước ngoài, các tổ chức chống phá Phật giáo Việt Nam luôn đưa ra các luận điệu cho rằng các tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước kia luôn bị đàn áp, thì việc Hòa thượng Thích Trí Quảng trở thành Quyền Pháp chủ như là một minh chứng sống cho thấy chủ trương của Giáo hội: luôn đề cao tinh thần truyền thừa đạo pháp, dân tộc và phụng sự chúng sinh. Chỉ cần là bậc chân tu đạo hạnh – đủ tài, đức và có tầm sẽ được Tăng đoàn cung thỉnh, suy tôn lên vị trí cao nhất của Giáo hội, chứ không phải là nhân thân.

Sự kiện Hòa thượng Thích Trí Quảng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cung thỉnh vào vị trí Quyền Pháp chủ, điều đó càng cho thấy vai trò của Tăng đoàn trong việc tìm ra vị Pháp chủ cho Giáo hội – đây là việc của Giáo hội, không phải là trách nhiệm của Nhà nước như những gì các đài nước ngoài đang cố gắng chèo kéo dư luận.

Thụy Vũ 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều