Về vị lãnh đạo 33 tuổi được Bác Hồ mời làm Chủ tịch Hà Nội đầu tiên
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ nhận thấy ở bác sĩ Trần Duy Hưng có đủ tài năng, trí tuệ và phẩm chất của một người lãnh đạo. Vì vậy, Người đề nghị bác sỹ Trần Duy Hưng làm Thị trưởng TP. Hà Nội. Người bác sĩ trẻ mới 33 tuổi khiêm tốn trả lời: “Thưa Cụ, chức Thị trưởng xin Cụ chọn người khác xứng đáng hơn, tôi không quen làm...”. Nghe vậy, Người đã động viên: “Tôi có quen việc làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta vừa làm vừa học. Điều quan trọng là chú có lòng yêu nước, có các đoàn thể và đồng chí giúp đỡ, lo gì không hoàn thành nhiệm vụ”.
Bác sĩ Trần Duy Hưng, sinh năm 1912 trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước ở xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1931, ông học ở Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An), nơi từng là cái nôi của các cuộc đấu tranh yêu nước sục sôi những năm 1925-1926. Dưới vỏ bọc của Hội hướng đạo do người Pháp thành lập, năm 1931, Trần Duy Hưng đã cùng Hoàng Đạo Thuý và một số đồng chí khác sáng lập Hội Hướng đạo sinh Việt Nam, thu hút đông đảo thanh thiếu niên vào các phong trào, hoạt động yêu nước.
Năm 1935, Trần Duy Hưng học tại trường Đại học Y khoa Hà Nội. Khi 30 tuổi, ông đã nổi tiếng là một bác sĩ đa khoa giỏi và càng nổi tiếng hơn vì chữa bệnh cho người nghèo không lấy tiền. Ông cùng em gái – bà Trần Thế Mỹ mở một phòng khám tư ở số 6 phố Thợ Nhuộm – Hà Nội, biến nơi chữa bệnh thành cơ sở bí mật, cứu chữa và che chở cho nhiều cán bộ Việt Minh. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, Chính phủ Trần Trọng Kim, tay sai của Nhật đã mời bác sĩ Trần Duy Hưng làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên nhưng ông từ chối.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ nhận thấy ở ông tài năng, trí tuệ và phẩm chất của một người lãnh đạo. Vì vậy, Người đề nghị bác sỹ Trần Duy Hưng làm Thị trưởng TP. Hà Nội. Người bác sĩ trẻ mới 33 tuổi khiêm tốn trả lời: “Thưa Cụ, chức Thị trưởng xin Cụ chọn người khác xứng đáng hơn, tôi không quen làm…“. Nghe vậy, Người đã động viên: “Tôi có quen việc làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta vừa làm vừa học. Điều quan trọng là chú có lòng yêu nước, có các đoàn thể và đồng chí giúp đỡ, lo gì không hoàn thành nhiệm vụ”. Từ đó, bác sĩ Trần Duy Hưng luôn gần gũi bên Bác Hồ, học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người và ông đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác.
Trong kháng chiến, bác sĩ Trần Duy Hưng được giao các trọng trách làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, rồi Thứ trưởng Bộ Y tế. Tháng 10-1954, ông được Bác Hồ cử giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính TP. Hà Nội, dẫn đầu Trung đoàn Thủ đô tiến về tiếp quản Thành phố; đến tháng 11-1954 làm Chủ tịch lâm thời UBHC Thủ đô Hà Nội. Ông liên tiếp trúng cử đại biểu Quốc hội khoá 2,3,4,5.
Trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù, đánh bại cuộc tập kích bằng B52 của Mỹ 12 ngày đêm cuối năm 1972, Bác sỹ Trần Duy Hưng đã tỏ rõ phẩm chất, tài năng, đạo đức cách mạng của người đứng đầu thành phố. Ông có mặt ở mọi nơi, mọi lúc cần thiết, cả khi khói bom còn chưa tan hết, ra những mệnh lệnh sắc bén để khắc phục hậu quả đánh phá của địch, cùng tham gia cứu thương, cứu hỏa…
Những hành động của người lãnh đạo thành phố đã gây xúc động sâu sắc trong đồng bào, chiến sỹ Thủ đô, tiếp thêm cho họ niềm tin và nghị lực để chiến thắng kẻ thù. Hà Nội đã vinh dự cùng nhân dân miền Bắc lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy toàn cầu.
Năm 1977, Bác sỹ Trần Duy Hưng xin thôi giữ chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Hơn 20 năm giữ cương vị người đứng đầu chính quyền Thủ đô, trong Ban lãnh đạo Thành uỷ, ông luôn đau đáu một quyết tâm cháy bỏng- thực hiện bằng được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong công việc, ông tự soạn thảo công văn, diễn văn, thư từ, điện tín. Ông có nếp sống giản dị, khiêm tốn, là tấm gương sáng về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Bác sĩ Trần Duy Hưng xứng đáng là người học trò xuất sắc của Bác Hồ, được dân tin, dân phục, dân yêu. Ông qua đời đầu mùa thu năm 1988 trong niềm tiếc thương của nhân dân và bè bạn quốc tế.
Nguyễn Lương Duy