Chiến sự Nga-Ukraine và chuyến công du Mỹ sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Lợi dụng những diễn biến nóng hổi từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine móc nối vào chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các đối tượng, tổ chức chống phá đưa ra những xuyên tạc, thông tin kích động, sai lệch bản chất.
Mới đây nhất, Trung Quốc đã tuyên bố tập trận trên biển Đông 4-15/3, chỉ vài tháng sau cuộc tập trận tháng 8/2021. Đáng chú ý là liên quan đến cuộc tập trận này, ngày 6/3 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ rõ lý do vì Mỹ có ý đồ lập “phiên bản NATO Thái Bình Dương”.
Thật trùng hợp là trong cuộc chiến Nga – Ukraine hiện tại, nguyên nhân trực tiếp cũng đến từ Mỹ và phương Tây. Trước khi phát động “cuộc chiến đặc biệt” này, Tổng thống Nga Putin tố cáo Mỹ và NATO khiêu khích, muốn áp sát biên giới Nga và Nga buộc phải trả đũa. Hậu quả là hiện nay đất nước Ukaine đang chìm trong khói lửa. Dù được Mỹ và phương Tây viện trợ vũ khí, tinh thần cùng các lệnh trừng phạt thì người Ukraine trên thực tế vẫn phải chiến đấu một mình. Họ có thêm vũ khí, nhưng đất nước bị tàn phá mỗi ngày, người dân mất nhà cửa và tính mạng, phải di cư khắp nơi chỉ vì đeo đuổi mục tiêu gia nhập NATO hay EU vốn dĩ chưa biết bao giờ đạt được và cũng chẳng biết có giúp ích cho họ nhiều hay không. Chiến tranh là điều không nên xảy ra ở bất cứ đâu, nhưng thực tế là nó luôn sẵn sàng xảy ra nếu có những tính toán sai lầm về mặt chính trị.
Việc người Ukraine phải chiến đấu và chịu thiệt hại một mình cũng chỉ ra thực tế là mọi quốc gia luôn phải tự xử lý các công việc của chính mình mà không thể trông chờ vào bất kỳ ai. Cũng chính vì vậy trong thời buổi thế giới cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn như hiện nay thì mọi chiến lược ngoại giao phải luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến hiện tại giữa Nga và Ukraine đã được thể hiện rõ trong phát ngôn của Bộ Ngoại giao cũng như Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Theo đó, Việt Nam luôn kêu gọi “kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thêm thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh nhằm đạt được giải pháp lâu dài, có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên, trên cơ sở phù hợp với Hiến chương của LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.
Việt Nam bỏ phiếu trắng cho nghị quyết của LHQ về tình hình chiến sự Nga – Ukraine thể hiện chính sách trung lập, không ủng hộ chiến tranh, nhưng cũng “tính đến lợi ích chính đáng của các bên” và tuyệt đối “không theo bên này chỉ trích bên kia”. Thế nhưng sau cuộc bỏ phiếu này có nhiều “trí thức mạng” lại lên tiếng phản đối, chỉ trích, thậm chí có người như Nguyễn Văn Đài, Trần Đông A còn dẫn chứng để đe dọa triển vọng chuyến thăm và làm việc tại Mỹ sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Họ dẫn chứng việc hàng hóa ách tắc ở biên giới Việt – Trung và Trung Quốc tập trận để “đe dọa” Việt Nam, cho rằng chính sách ngoại giao hiện tại sẽ mất lòng Mỹ và đối mặt với nguy cơ xâm lược.
Thực tế là nếu làm theo lời “tư vấn” của Trần Đông A, chúng ta sẽ buộc lòng phải “chọn phe” theo Mỹ, và nguy cơ rơi vào viễn cảnh chiến đấu một mình như Ukraine hiện tại là rất cao. Nếu chọn hẳn phe theo Mỹ đồng nghĩa với việc lờ đi “lợi ích chính đáng” của Nga và chúng ta sẽ mất đi một người bạn lớn. Quan trọng hơn là với viễn cảnh Mỹ muốn lập “phiên bản NATO Thái Bình Dương” để cạnh tranh Trung Quốc, thì nguy cơ xung đột sẽ tăng cao tương tự như ở châu Âu hiện tại. Nếu chúng ta chọn lựa sai lầm, chúng ta mất đi “chính nghĩa”, nếu để đất nước rơi vào vòng xoáy xung đột một cách không cần thiết, chúng ta sẽ mất đi lòng dân và vận mệnh của dân tộc.
Việt Nam luôn kiên định, trung lập, không theo bất cứ một đồng mình hoặc tổ chức nào. Đây là những chính sách đã được nhiều thế hệ lãnh đạo Việt Nam xây dựng và vun đắp trong một thời gian dài và được các lãnh đạo hiện tại như Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục phát huy.
Cần biết là chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng thể hiện vị thế tự tin của Việt Nam, sau khi chính bà Phó Tổng thống Mỹ sang thăm hồi năm ngoái và đề nghị “nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược”. Vậy nên vài lời hù dọa không thể nào làm ảnh hưởng đến tương lai của chuyến thăm và thành quả tốt đẹp sau đó. Bởi vậy nên những kẻ chống phá luôn đi sau là vậy!
An Diễm